Dựng thành lũy bảo vệ cụm dân cư
Bao đời nay, cây tre gắn liền với lịch sử giải phóng dân tộc, phát triển của nước Việt. Thời kỳ chiến tranh, tre được chế thành chông, gậy để đánh giặc. Tre từng là nguyên liệu, vật liệu chính để làm cầu, dựng nhà, phên, vách, nông cụ, đồ dùng phục vụ sản xuất, sinh hoạt…
Đặc biệt, trong đời sống văn hóa, tre xuất hiện trong các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca, là biểu tượng cho cốt cách con người Việt Nam – cần cù, dẻo dai và đoàn kết.
Trải qua bao thăng trầm, biến cố, đất nước phát triển lên một tầm cao mới – thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì vai trò, tác dụng của cây tre cũng giảm đi phần nào. Tuy nhiên, giá trị về mặt tinh thần, văn hoá, đặc biệt là xây thành luỹ phòng chống thiên tai tại các vùng nông thôn thấp trũng vẫn luôn trường tồn, vĩnh cửu.
Tại Hà Tĩnh, khi đến các xã vùng ngoài đê huyện Đức Thọ dễ dàng bắt gặp những luỹ tre xanh có tuổi thọ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm đang “Bao bọc quê hương/Che mưa, che nắng gió sương sớm chiều”.
Cụ Trần Thị Ất, trú làng Châu Thịnh, xã Tùng Châu (huyện Đức Thọ) đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn nhớ như in biết bao câu chuyện gắn với luỹ tre dài hàng cây số (tương đương khoảng 5ha) đang bảo vệ 226 hộ dân trong làng của cụ.
“Ngày xưa chưa có sắt thép, bất kể vật dụng gì trong nhà tui cũng sử dụng tre để làm. Đặc biệt, đến mùa mưa lũ, hàng xóm và các con chặt tre đan thành mái chữ V để bó mái nhà, giằng néo các công trình phụ để chóng chọi với nước lũ và gió bão”, cụ Ất vừa dắt con bò ra đồng chăn thả vừa nói.
Thời trẻ, cụ Ất tham gia Thanh niên xung phong tại Ngã Ba Đồng Lộc hơn 4 năm rồi trở về Tùng Châu lập gia đình, sinh được 6 người con. Gia đoạn đó, đê La Giang chưa được đầu tư nâng cấp, hầu như năm nào gia đình cụ Ất và người dân xã Tùng Châu cũng phải chạy lụt sang tận huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Riêng phần tài sản, nếu không có những luỹ tre cao 4 – 5m, bố trí dày đặc trong vườn, ngoài ngõ, dọc các tuyến đường, bờ sông tạo thành lá chắn ngăn lũ xộc thẳng vào nhà thì khi bà con chạy lũ trở về chỉ còn bãi đất trống, lấp đầy bùn đất.
“Tui nhớ như in trận lũ năm 1978, 4 – 5 xã vùng ngoài đê La Giang phủ một màu nước bạc. Nhà tui nước ngập lút nóc. Lúc ấy cả nhà chỉ kịp bảo vệ tính mạng còn toàn bộ trâu bò, đồ đạc bị lũ cuốn trôi hết. Rất may, ngôi nhà mới dựng nhờ có mấy bụi tre trước vườn ngăn nước lũ chảy xiết nên không bị cuốn đi mất”, cụ Trần Thị Ất thuật lại.
Sau trận lũ lịch sử năm 1978, tre Tùng Châu lại xanh tốt trở lại, tiếp tục tạo thành vành đai bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân, giúp họ vượt qua các đợt lũ lớn năm 1988, 2002, 2010…
Cách Châu Thịnh tầm 4km là làng Tân An, ngôi làng có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 100ha nhưng có đến 10ha trồng tre làm vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, chắn gió, ngăn sạt lở bờ sông, ngăn lũ ống, lũ quét cho gần 200 hộ dân.
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tài, 55 tuổi ở làng Tân An nép mình bên bờ sông La. Chừng 30 năm trước căn nhà chỉ cách mép sông hơn 50m nhưng qua mấy chục mùa lũ, ngôi nhà giờ đã cách bờ sông gần 500m. Theo ông Tài, dọc sông La hàng trăm bụi tre được trồng từ cách đây mấy chục năm, cao 4 – 5m tạo thành mái kè tự nhiên ngăn sạt lở. Nhờ đó mỗi năm cát lại bồi thêm 50 – 60cm thành bãi đất sản xuất cây màu tươi tốt.
“Trước đây khu vực này sâu hơn 10m nhưng nay bồi thành nơi trồng rau, nuôi gà cho gia đình. Ở đâu chặt bỏ cây tre không biết nhưng với chúng tôi cây tre sẽ gắn bó muôn đời”, ông Tài vừa cắt tre làm hàng rào bảo vệ vườn rau vừa nói.
Gìn giữ nét đẹp làng quê
Năm 2010 bắt tay xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Tùng Châu vận động nhân dân chặt bỏ bớt tre trong vườn nhà nhằm chỉnh trang vườn hộ. Tuy nhiên, những dãy tre dọc đường làng, ven suối Tùng, ven sông La vẫn được giữ lại làm vành đai bảo vệ các cụm dân cư.
“Toàn xã có 7 xóm nhưng phân bổ ở 10 làng (cụm dân cư). Làng nhỏ nhất 20 hộ dân nhưng có những làng lớn đến gần 200 hộ. Cả trăm năm nay, nếu không có tre ngăn gió, ngăn lũ thì đời sống người dân Tùng Châu khó có thể bình yên được như bây giờ”, ông Đậu Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Tùng Châu nhấn mạnh.
Đồng thời dẫn thêm ví dụ cây tre giữ làng Yên Trúc đứng vững trước lũ dữ đến tận ngày nay. Theo đó, ngôi làng có 12 hộ dân, nằm độc đạo giữa một thung lũng. Phía đông giáp bờ sông La; phía bắc giáp suối Tùng; phía tây và nam giáp đất sản xuất nông nghiệp.
Bao quanh ngôi làng là các dãy tre xếp tầng tầng lớp lớp với diện tích khoảng 1ha. Năm 1998, trận lũ đặc biệt lớn làm ngập toàn bộ 12 nóc nhà. Khi lũ rút, bà con xác định nhà mình đã bị xóa sổ nhưng may thay nhà vẫn ở đó, chỉ có những hàng tre “ôm” nhà bị nước lũ đẩy nghiêng ngả, bạc trắng bùn đất.
Ông Tịnh bảo: “Giai đoạn đó không có tre, một trận lũ có thể cuốn trôi toàn bộ làng Yên Trúc. Bây giờ nhà nước đầu tư đường sá, đập tràn phục vụ đi lại và bơm nước sản xuất nên đời sống bà con đổi thay nhiều. Những hàng tre xanh vẫn được bà con nâng niu, bảo vệ, gìn giữ để duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tùng Châu”.
Trên chặng đường xây dựng xã Tùng Châu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây xác định tiếp tục duy trì khoảng 50ha đất trồng tre trên tổng diện tích đất tự nhiên 960ha. Tập trung cắt tỉa, chặt bỏ những cây tre già cỗi, sâu mọt để tạo thành vành đai xanh vừa phòng chống thiên tai, tạo bóng mát vào mùa hè vừa làm tiền đề hình thành tua tuyến du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái gắn với các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.
Năm 2020, xã Tùng Châu được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Đức Tùng và Đức Châu của huyện Đức Thọ. Trước khi sáp nhập, xã Đức Tùng có diện tích 4,8km², dân số hơn 1.700 người; xã Đức Châu có diện tích 4,81km², dân số trên 1.600 người. Hiện toàn xã có 1.126 hộ với hơn 3.300 nhân khẩu.
Vì là xã nằm ngoài đê, “thiên không thời, địa không lợi” nên đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Đại bộ phận người dân Tùng Châu phát triển kinh tế bằng chăn nuôi trâu, bò, gà; sản xuất lúa, rau màu và ly hương vào Nam, ra Bắc làm công nhân.