| Hotline: 0983.970.780

Bất cập phòng cháy, chữa cháy ở Cảng cá Tam Quan

Thứ Hai 28/02/2022 , 13:32 (GMT+7)

Những vụ cháy tàu cá tại Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đã để lại cho nhiều ngư dân nỗi khốn khổ do thiệt hại tài sản nặng nề.

Chiếc tàu cá mang số hiệu BĐ 97641 TS (450CV) của ngư dân Nguyễn Văn Hiếu (51 tuổi) ở khu phố Trường Xuân Tây, phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) bị cháy cách đây hơn 1 tháng tại Cảng cá Tam Quan, nay mới được chủ tàu bắt đầu sửa chữa để trong thời gian tới có thể vươn khơi đánh bắt khi vụ cá Nam đã cận kề.

Trước đó, vào ngày 20/1, tàu cá BĐ 97641 TS của ông Hiếu đang đậu ở khu neo đậu tránh trú bão tại Cảng cá Tam Quan thì bị bốc cháy dữ dội. Đám cháy thiêu rụi ca bin tàu cá của ông Hiếu rồi cháy lan ra 2 tàu cá khác đang neo đậu bên cạnh. Theo ông Hiếu, vào thời điểm ấy tàu cá của ngư địa phương về neo đậu tại Cảng cá Tam Quan khá nhiều. Tàu neo đậu không đảm bảo khoảng cách, nên khi có tàu nào bị cháy là chuyện cháy lây sang những tàu khác là không thể tránh khỏi.

Hiện trường vụ cháy tàu BĐ 97641 TS của ông Nguyễn Văn Hiếu vào rạng sáng ngày 20/1/2022 tại Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Hiện trường vụ cháy tàu BĐ 97641 TS của ông Nguyễn Văn Hiếu vào rạng sáng ngày 20/1/2022 tại Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Sau khi neo tàu của mình, trước khi lên bờ tôi đã rút kẹp bình và ngắt các thiết bị điện để đảm bảo an toàn. Chỉ còn cái kẹp nối bình ắc quy với máy giám sát hành trình thì tôi còn để lại, bởi khi ấy chưa trình sổ cho Ban quản lý Cảng cá Tam Quan. Chỉ sau khi trình sổ thì các chủ tàu mới dám tắt máy giám sát hành trình”, ông Hiếu bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Tam Quan, từ năm 2018, Ban quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy, đồng thời lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở Cảng cá Tam Quan. Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở này được trang bị 2 máy bơm cỡ lớn và một chiếc tàu phục vụ chữa cháy. Do lượng tàu thuyền neo quá đậu nhiều, nên đội phòng cháy chữa cháy cơ sở Cảng cá Tam Quan phải bố trí người trực suốt ngày đêm để kịp thời xử lý các tình huống cháy xảy ra.

Khu neo đậu tàu tại Cảng cá Tam Quan chưa được nạo vét tổng thể, nên khi nước thủy triều rút thì nước rất cạn, khi xảy ra cháy nổ tàu thuyền rất khó di chuyển. Ảnh: V.Đ.T.

Khu neo đậu tàu tại Cảng cá Tam Quan chưa được nạo vét tổng thể, nên khi nước thủy triều rút thì nước rất cạn, khi xảy ra cháy nổ tàu thuyền rất khó di chuyển. Ảnh: V.Đ.T.

“Khi phát hiện có cháy tại cảng cá, thành viên đội phòng cháy chữa cháy cơ sở ngay lập tức liên hệ với Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ số 4, đơn vị trực thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Bình Định) đóng cách Cảng cá Tam Quan khoảng 20km để xin hỗ trợ, đồng thời đưa máy bơm tiếp cận tàu cá bị cháy để dập lửa ban đầu”, ông Khải cho hay.

Cũng theo ông Khải, Cảng cá Tam Quan là cảng cá loại II theo Quyết định số 4954/QĐ-UBND ngày 13/12/2021 của UBND tỉnh Bình Định, Bộ NN-PTNT cũng đã công bố Cảng cá Tam Quan là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo Quyết định số 5014/QĐ-BNN-TCTS ngày 23/12/2021. Cảng cá Tam Quan có tổng diện tích vùng nước cảng 10 ha, độ sâu luồng vào cảng 5m, diện tích đất cảng 3,8 ha, trang thiết bị chủ yếu phục vụ bốc dỡ hàng hóa, số lượt tàu cá về qua cảng 20.000 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 40.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt  20.000 tấn/năm.

Sau vụ cháy, ca bin tàu BĐ 97641 TS của ông Nguyễn Văn Hiếu bị thiêu rụi. Ảnh: V.Đ.T.

Sau vụ cháy, ca bin tàu BĐ 97641 TS của ông Nguyễn Văn Hiếu bị thiêu rụi. Ảnh: V.Đ.T.

Tuy nhiên, diện tích mặt nước tiếp nhận tàu cá neo đậu chỉ được một nửa, do có nhiều vị trí bị bồi lắng, khi nước thủy triều rút thì việc di chuyển tàu thuyền rất khó khăn. Nhất là khi xảy ra sự cố cháy nổ, việc di chuyển những tàu cá đang neo đậu gần tàu bị cháy đến nơi an toàn càng khó khăn hơn.

“Khu neo đậu tàu tại Cảng cá Tam Quan trong 5 năm qua chưa được nạo vét tổng thể, nên khi nước thủy triều rút thì nước rất cạn. Trong khi tàu thuyền đậu gần như san sát nhau, trung bình từ 1.600-1.800 tàu ở khu neo đậu này dẫn tới quá tải, khi cháy nổ xảy ra nguy cơ cháy lan ra các tàu khác rất lớn”, ông Khải cho biết thêm.

Đến nay ông Hiếu mới sửa chữa chiếc tàu bị cháy để thời gian tới vươn khơi đánh bắt. Ảnh: V.Đ.T.

Đến nay ông Hiếu mới sửa chữa chiếc tàu bị cháy để thời gian tới vươn khơi đánh bắt. Ảnh: V.Đ.T.

Trước thực trạng nêu trên, UBND thị xã Hoài Nhơn đã yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với Ban quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn thuê đơn vị tư vấn đánh giá. Trước mắt, UBND thị xã Hoài Nhơn đồng ý chủ trương nạo vét tạm thời. Về lâu dài, Bộ NN-PTNT đã có dự án nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại khu neo đậu Cảng cá Tam Quan dự kiến triển khai trong năm nay.

“Hiện Cảng cá Tam Quan đã được UBND thị xã Hoài Nhơn đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng bờ kè kết hợp bến cập tàu, nhà phân loại thủy sản tại khu E nằm về phía Đông Cảng cá Tam Quan. Khu D nằm phía Tây cảng cá cũng đã được UBND tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng 163m kè đứng, bến cập tàu, giao thông. Hiện nay chúng tôi đã hình thành 1 đội phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, thực hiện công tác tuyên truyền và tham gia chữa cháy tại Cảng cá Tam Quan khi xảy ra sự cố”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, cho biết.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất