| Hotline: 0983.970.780

Bất chấp rét đậm, nông dân ồ ạt gieo mạ!

Thứ Ba 10/01/2012 , 09:45 (GMT+7)

Bất chấp thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong thời gian qua, nông dân tại nhiều địa phương ĐBSH vẫn liều lĩnh “phá lịch”...

* Mạ trà xuân trung, xuân sớm sắp chết rét

Bất chấp thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong thời gian qua, nông dân tại nhiều địa phương ĐBSH vẫn liều lĩnh “phá lịch”, gieo mạ vụ ĐX 2011 – 2012 sớm hơn lịch thời vụ cho phép.

Cho tới ngày hôm qua, mặc dù thời tiết tại miền Bắc vẫn bao phủ rét đậm, rét hại với nhiệt độ 9 – 10oC nhưng rảo quanh một số địa phương tại ĐBSH, nông dân vẫn ào ào ra đồng gieo mạ. Đáng lo ngại nhất là nhiều giống lúa ngắn ngày, chỉ phù hợp đối với trà xuân muộn (có lịch gieo mạ từ sau ngày 20/1/2012) nhưng cũng đã được nông dân đưa ra gieo sớm hơn lịch thời vụ tới hơn 10 ngày.

Tại khu vực các xã ven đê sông Hồng thuộc huyện Mê Linh (Hà Nội), cho tới chiều hôm qua (9/1), mặc dù trời rét buốt nhưng nông dân nhiều xã vẫn đổ xuống kín các cánh đồng để gieo mạ. Ở xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh), hầu hết diện tích mạ phục vụ cấy vụ ĐX 2011 – 2012 hiện tại đã được người dân cơ bản hoàn thành.

 

Nông dân xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh, Hà Nội) ồ ạt gieo mạ bất chấp trời rét đậm

Hỏi vì sao lại gieo mạ quá sớm so với lịch thời vụ, đúng vào thời tiết rét đậm như vậy, chị Trần Thị Hiền (thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim) đang tất tưởi phủ nilon cho mấy thửa mạ mới gieo xong, cầm cập hai hàm răng bảo: “Dân ở đây chẳng biết lịch của Trung ương thế nào cả, mấy ngày trước chỉ nghe HTX lên loa thông báo ngâm giống và gieo mạ trong tuần này (từ ngày 9/1). Nhà tôi vụ này có 8 sào, tôi gieo 5 sào giống Q5 và 3 sào giống C70. Nghe HTX nói giống C70 dài ngày nên phải gieo sớm như thế này".

 Cũng theo chị Hiền: "Dân ở đây gieo giống C70 rất nhiều, nên nhà nào muốn gieo những giống khác thì cũng phải gieo cùng lúc với C70 luôn chứ sau này cấy… xôi đỗ làm sao được?”. Rõ ràng ở đây có sự không "ăn khớp" giữa cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương với nông dân- một đằng thì không khuyến cáo gì, một đằng thì mò mẫm tự làm, bất chấp thời tiết. Hậu quả cuối cùng là số mạ gieo sớm sẽ khó mà "trụ vững" trước tiết trời rét cắt da cắt thịt như hiện nay.

Theo tìm hiểu của PV, cho tới ngày hôm qua, nhiều khu vực tại huyện Tiên Du (Bắc Ninh), Văn Lâm, Mỹ Hào (Hưng Yên)…, tình trạng nông dân gieo mạ “chạy trước” lịch thời vụ cũng xảy ra khá phổ biến.

 Dọc khu vực thị trấn Lim và các xã Liên Bão, Lạc Vệ, Hiên Vân… thuộc huyện Tiên Du (Bắc Ninh), đến thời điểm này hầu hết diện tích mạ vụ ĐX đã được gieo xong. Đa số nông dân cho biết, phần lớn diện tích ở các địa phương trên bà con vẫn có truyền thống gieo cấy giống nếp BM 9603 có thời gian sinh trưởng dài nên các HTX đều thông báo cho nông dân gieo mạ từ rất sớm. Các xã này hầu hết đã gieo mạ xong cách đây một tuần. Mặc dù có che chắn nilon cẩn thận nhưng do trời quá rét nên mạ gần như không nảy được mầm, hoặc nảy mầm rồi vàng khè hoặc trắng xóa.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như các huyện Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Tường…, hầu hết diện tích mạ thuộc của các giống lúa dài ngày để cấy vụ xuân sớm cho những vùng trũng hiện tại đã gieo được từ 15 – 30 ngày. Tuy nhiên, hầu hết các diện tích này nông dân đều không che chắn nilon nên đang bị hiện tượng vàng, trắng lá, ngừng sinh trưởng do rét đậm rét hại kéo dài, một số diện tích đã bị chết.

Bà Nguyễn Thị Tính, một nông dân thôn Hưng Ngọc (xã Hương Canh, huyện Bình Xuyên) cho biết, toàn bộ diện tích mạ phục vụ cho 1 mẫu đất vụ sản xuất này đã gieo gần 1 tháng nhưng đến nay một phần đã bị chết vì rét. Bà Tính nói ra Tết Nguyên đán, sẽ phải thay thế bằng giống Khang Dân.

Trao đổi về tình trạng nông dân gieo mạ quá sớm, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, do năm 2012 là năm nhuận (có hai tháng 4) nên thời tiết sẽ lập xuân muộn (vào ngày 4/2/2012). Đồng thời, cơ cấu vụ ĐX năm nay, Cục Trồng trọt đã đề nghị các địa phương chỉ đạo dồn 95% diện tích lúa sang trà xuân muộn. Theo đó, lịch gieo cấy vụ ĐX 2011 – 2012 cũng sẽ được đẩy lùi hơn so với mọi năm.

 Cụ thể, trà xuân sớm và xuân trung ở ĐBSH hạn chế tối đa diện tích gieo cấy (chiếm khoảng 5% tổng diện tích), bắt đầu gieo mạ từ ngày 25/11/2011 và kết thúc vào ngày 25/12/2011. Trà xuân muộn mở rộng tối đa, gieo mạ trong khoảng từ ngày 20/1 đến ngày 31/1/2012 (mạ sân từ 25/1 đến 10/2/2012). Cục Trồng trọt cũng đã đề nghị các địa phương vùng ĐBSH cố gắng chuyển các giống lúa ngắn ngày và toàn bộ các giống lúa nếp sang trà xuân muộn.

Như vậy, theo Cục Trồng trọt thì việc một số địa phương không tăng cường khuyến cáo, để nông dân gieo mạ quá sớm, đặc biệt lại là các giống nếp và lúa ngắn ngày như Khang Dân vào trước ngày 20/1/2012 như hiện tại là hết sức nguy hiểm. Không những thế, thời tiết trong vòng 2 tuần trở lại, cũng như dự báo trong 10 ngày sắp tới (cho tới ngày 20/1/2012) vẫn rét đậm, rét hại. Vì vậy từ nay đến ngày 20/1, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo hướng dẫn nông dân tuyệt đối không ngâm ủ và gieo mạ.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm