| Hotline: 0983.970.780

Bất lực với các xưởng gỗ dăm hoạt động trái phép?

Thứ Hai 25/01/2016 , 20:10 (GMT+7)

Bất chấp các văn bản qui định của pháp luật, tại nhiều địa phương thuộc  tỉnh Nghệ An, hàng loạt xưởng gỗ dăm, gỗ nguyên liệu trái phép mọc lên, ngang nhiên hoạt động trước sự bất lực của các cấp chính quyên sở tại. 

Trong khi đó những nhà máy được đầu tư bài bản hàng triệu đô la lại lâm vào tình trạng “đói” nguyên liệu.

Ngang nhiên dựng xưởng, hoạt động trái phép

Theo điều tra của PV, tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các nhà máy, xưởng sản xuất gỗ dăm, gỗ nguyên liệu do một số cá nhân dựng lên hoạt động sản xuất nhưng không có đủ thủ tục pháp lý, có nhiều dấu hiệu vi phạm các qui định của Nhà nước. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương ít khi sờ đến hoặc cố ý làm ngơ.

Tại xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, xưởng sản xuất gỗ dăm của Công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Thắng Lợi, cơ sở mà người dân ở đây gọi tắt là “xưởng của thầy Lợi” có quy mô “hoành tráng” nhất vùng, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Xe tải rầm rập ra vào, công suất hàng trăm tấn băm dăm mỗi ngày. Tuy nhiên gần như không có động thái nào xử lý từ phía cơ quan chức năng.

Tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Công ty CP đầu tư và sản xuất Thành Phát (Cty Thành Phát) cũng đã xây dựng trụ sở và nhà máy ở địa bàn này để kinh doanh gỗ dăm trái phép.

Được biết, trước đó Cty Thành Phát được tỉnh Nghệ An cho chủ trương đầu tư sản xuất gỗ thanh và than nhiên liệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã thu mua nguyên liệu, tiến hành hoạt động băm dăm trái phép để xuất bán.

Theo quan sát, khu vực sản xuất của Cty Thành Phát được đầu tư bề thế với các dây chuyền hoạt động chuyên nghiệp. Vì hoạt động trái phép nên nhà xưởng này luôn có lực lượng túc trực, theo dõi người lạ. Khi thấy những ai “không liên quan” đến hoạt động kinh doanh trong ngành gỗ thì lập tức “người đưa tin” sẽ nhấc máy báo về cho ông chủ đang ngồi ở một nơi khác điều hành.

Minh chứng là khi chúng tôi mới chỉ vừa tiếp cận bên ngoài khu vực sản xuất, lập tức nhiều thanh niên lạ mặt tiến tới, cản trở không cho đến gần khu vực hoạt động của công ty và sẵn sàng “ra tay” ngăn cản nếu có ý định đến gần. Đặc biệt, mỗi khi có phương tiện dừng lại trước cổng xưởng sản xuất của Cty Thành Phát thì lập tức một vài người trong xưởng “xồng xộc” lao ra “hỏi thăm” rồi đuổi đi...

Chính quyền bất lực?

Trước tình trạng hoạt động bất hợp pháp, tỉnh Nghệ An đã có văn bản yêu cầu xử lý các xưởng gỗ dăm trái phép nhưng nhiều nơi vẫn chưa xử lý quyết liệt, thậm chí có dấu hiệu "làm ngơ" cho các xưởng gỗ dăm này.

Từ năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ngừng cấp phép các dự án nhà máy chế biến gỗ dăm và sản xuất gỗ dăm.  Tại Kết luận số 02-KL/TU ngày 13/5/2011 của tỉnh Nghệ An gửi các sở, ban ngành trên địa bàn, Tỉnh Ủy Nghệ An đã chỉ đạo “… không thu hút đầu tư chế biến gỗ dăm”.

Trong khi đó, tháng 4/2015, Bộ NN-PTNT có công văn số 2775/BNN-CB về việc “hướng dẫn thực hiện thẩm định điều kiện hình thành các dự án mới về sản xuất dăm gỗ”. Tại văn bản này, Bộ Nông nghiệp nêu rõ “Đối với địa phương thuộc các vùng Tây Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng, khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, và Đồng Bằng sông Cửu Long: Xem xét thẩm định theo hướng không phê duyệt các dự án mới về xây dựng cơ sở sản xuất dăm gỗ xuất khẩu theo Khoản 1, mục III, Điều 1 Quyết định số 5115/QĐ-BNN-TCLN ngày 1/12/2014 của Bộ NN-PTNT”.

Dù tỉnh Nghệ An và Bộ NN-PTNT đã có chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể như vậy, nhưng không hiểu bằng cách nào trong giấy phép đăng ký ngành nghề kinh doanh của Công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Thắng Lợi, tại mục kinh doanh số 27, công ty này được phép “tận dụng gỗ tạp vườn, cành, ngọn, bìa, bắp, keo để xay dăm”.

Lợi dụng vào điều này, Công ty Thắng Lợi đã dựng hẳn một dây chuyền băm dăm với công suất hàng trăm tấn mỗi ngày, hoạt động trái phép tại xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp.


Nhà máy gỗ dăm của Công ty Thắng Lợi

Còn với Cty Thành phát, Phó chủ tịch huyện Thanh Chương Nguyễn Hữu Hiền cho rằng, sau khi chính quyền kiểm tra thì lâu nay “họ (Cty Thành Phát) không sản xuất gỗ dăm nữa”.

Tuy nhiên, khi PV cung cấp thông tin, hình ảnh vào tối ngày 20/1/2016 vẫn thấy Cty Thành Phát sản xuất gỗ dăm, xe chở keo vẫn ra vào thì ông Hiền lại bao biện rằng: Cty Thành Phát là công ty sản xuất ván ép và than nhiên liệu, thỉnh thoảng khi huyện kiểm tra vẫn thấy doanh nghiệp băm gỗ nhưng không nhiều. “Vì việc băm gỗ cũng giúp chế biến than nhiên liệu nên khó xử lý”, ông Hiền nói ngắn.

“Do doanh nghiệp chưa có giấy phép đầy đủ, vẫn đang xin cấp phép sử dụng đất. Nên đang trong quá trình giao thời nên họ (cty Thành Phát) cũng “tranh thủ” như PV phản ánh đó, ngày họ không sản xuất nhưng đêm họ mới làm (sản xuất dăm gỗ)”, đến lúc này ông Hiền mới thừa nhận.

Theo ông Hiền, huyện Thanh Chương đã 2 lần đi kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính “yêu cầu không sản xuất gỗ dăm và không hoạt động khi chưa đủ giấy tờ” đối với Cty Thành Phát nhưng doanh nghiệp này đã bất hợp tác, không ký vào biên bản.

Tuy nhiên, điều mà dư luận đặt ra là tại sao UBND huyện Thanh Chương chưa có biện pháp xử lý triệt để? 

Được biết, ngày 24/12/2015, UBND tỉnh Nghệ An có công văn số 9444/UBND-CNTM giao Sở NN-PTNT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan “kiểm tra hoạt động sản xuất gỗ dăm không phép”, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/1/2016.

Tuy nhiên, ngày 21/1/2016, khi làm việc với UBND huyện Thanh Chương, Phó chủ tịch huyện Nguyễn Hữu Hiền cho biết, huyện chưa nhận được sự phối hợp nào của Sở NN-PTNT như chỉ đạo của tỉnh Nghệ An.

Theo ông Trung Thành Công, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, ngày 20/1/2016, Sở NN-PTNT mới đề xuất phương án thanh tra, sắp tới sẽ tiến hành kiểm tra.

Liên quan đến việc UBND huyện Thanh Chương đề nghị cấp phép sử dụng đất cho Cty Thành Phát, Phó chánh văn phòng Trung Thành Công cho biết, xưởng sản xuất Thành Phát ở huyện Thanh Chương đã có sai phạm nghiêm trọng từ khi xây dựng. “Đất chưa được cấp phép mà đã làm về bản chất là đã sai phạm, là sai phép rồi. Xây dựng không phép, sử dụng đất trái phép là đã vi phạm. Đáng lẽ như vậy huyện phải xử lý luôn. Xử lý xong vi phạm mới xem xét các yếu tố khác. Nếu vượt thẩm quyền của huyện thì mới trình tỉnh xử lý”, ông Công cho biết.

Còn về việc xử lý các xưởng gỗ dăm trái phép địa bàn tỉnh, ông Trung Thành Công cho biết, sau khi đoàn thanh tra do Sở NN-PTNT kiểm tra sẽ có hình thức xử lý và sẽ thông tin cho cơ quan báo chí được biết.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất