Cà Mau có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng, được thiên nhiên ưu đãi, sản sinh ra nhiều sản vật có giá trị kinh tế cao như sò huyết, ốc len, vộp, ba khía, chem chép. Tận dụng lợi thế này, người dân chọn cách đi săn sản vật rừng để cải thiện thu nhập.
Hơn 20 năm qua, ngày nào cũng vậy, cứ tầm 9 giờ sáng là vợ chồng anh Trần Văn Linh (44 tuổi, ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) chuẩn bị đồ nghề, rồi cơm đùm cơm nắm xuống vỏ máy vượt quãng đường hơn chục cây số để vào rừng bắt ốc len, vọp, sò huyết. Đồ nghề mang theo khá đơn giản gồm thùng, cây móc, đôi bao tay và đồ ăn uống trong ngày là có thể hành nghề.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, cán bộ khuyến ngư xã Tân Ân cho biết: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 30 hộ dân sống bằng nghề vào rừng bắt ốc, vọp... mưu sinh. Nghề này cho thu nhập cao, hôm nào trúng cũng kiếm cả triệu đồng, tệ lắm cũng vài trăm. Nhưng hiện nay, nguồn lợi từ rừng đã dần vơi cạn, không còn dồi dào như trước.
Nói về kế hoạch tái sinh và thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho hay, ngành chức năng huyện Ngọc Hiển đã phối hợp với trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu, nhân giống thành công ba khía sinh sản. Hiện địa phương đang xây dựng mô hình nuôi thí điểm.