| Hotline: 0983.970.780

Bất ổn giống cao su miền Trung

Thứ Ba 29/10/2013 , 09:49 (GMT+7)

Ông Nguyễn Ngọc Truyện (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su VN) cho rằng phải tuyệt đối tuân thủ cơ cấu giống, nên việc có tới gần 2 vạn ha cao su bị bão đánh đổ, gãy chắc chắn có nguyên nhân từ giống. NNVN đã quay trở lại “thủ phủ” chuyên cung cấp cây giống ở miền Trung tại tỉnh Bình Phước để tìm hiểu.

+ Phần lớn giống cao su bán ra miền Trung là giống chống chịu kém!

Trong bài phỏng vấn của NNVN với ông Nguyễn Ngọc Truyện (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su VN) ngày 25/10, ông Truyện cho rằng phải tuyệt đối tuân thủ cơ cấu giống, nên việc có tới gần 2 vạn ha cao su bị bão đánh đổ, gãy ở Bắc Trung bộ chắc chắn có nguyên nhân từ giống.

NNVN đã quay trở lại “thủ phủ” chuyên cung cấp cây giống ở miền Trung tại tỉnh Bình Phước để tìm hiểu.

Trong vai một thương lái ở tỉnh Quảng Trị vào Bình Phước cần mua 40 ngàn cây giống cao su (trồng 72 ha, mật độ 550 cây/ha), chúng tôi đến cơ sở kinh doanh giống cao su Bích Thuận nằm trên QL13 thuộc địa bàn xã Thành Tâm (tách ra từ thị trấn Chơn Thành), huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để bàn “hợp đồng”.


Ra ngõ gặp giống cao su (tại QL13, địa bàn xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước)

Chị Thuận, chủ cơ sở đón tiếp khách niềm nở và không quên hỏi câu xã giao: “Em vào đây mấy ngày rồi, có quen ai không mà biết cơ sở này?”. Chị Thuận thú thật, giống cao su hiện nay tất cả đều ế, cũng giống như giá mủ, giá giống cây xuống thấp so với những năm qua. Vì vậy, nếu mua vào thời điểm này thì rất thuận lợi về giá cả và số lượng cỡ nào cũng đáp ứng đủ.

Tại đây có 2 loại: tum trần giá 3.000 đ/cây, tum bầu là 7.000 đ (do công làm tốn kém, tỷ lệ cây sống cao), ngang bằng với giá giống cao su của 5 năm về trước. “Ở ngoài đó mua giống hầu hết là tum trần vì dễ vận chuyển, nếu em mua 40 ngàn cây thì đủ vận chuyển 1 xe Hyundai 5 tấn. Nhưng bên em phải chịu chi phí vận chuyển nghen, còn bên chị giới thiệu phương tiện cho” - chị Thuận đon đả nói.

Khi được hỏi ở đây bán giống gì, có giống cao su nào chống chịu đổ ngã không, chị Thuận tỏ ra rành rẽ kỹ thuật trả lời một mạch: Hiện nay có 3 loại giống cao su cao sản vừa cho NS cao vừa chống đổ ngã tốt (!?), đang bán chạy là Lai Hoa 9250, PB260 và RT1, còn các giống cũ hơn như RIM600, GT1, PB235, RRIV4 vẫn có nhưng khách hàng có nhu cầu mới bán.

Trong đó, giống RRIV4 cách đây 4-5 năm trước bán ra ngoài miền Trung rất chạy do năng suất cao, nhưng sau này vì cây bệnh nhiều và chống đổ ngã kém nên nhà nước cấm trồng.


Tum trần và tum bầu đang “tồn kho” ế ẩm

Lấy lý do cần khảo sát giá cả thêm, chúng tôi chia tay chị Thuận để tiếp tục đến một cơ sở kinh doanh giống khác. Thật bất ngờ, chỉ có 1 đoạn trên QL13 chưa đầy 50 m nhưng đếm cả thảy có đến 10 cơ sở kinh doanh giống cao su như Út Lâm, Nguyên Quang, Cả Cần, Ngọc Phú, Chín Tích... nằm sát nhau.

Thậm chí, nhiều cơ sở nằm sát nhau chỉ cách 1 bước chân như Thái Sơn, DNTN Trần Điệp, hoặc Trần Hậu Thuấn và Kiên Quí. Nhìn chung các cơ sở đều trong cảnh kinh doanh đìu hiu vì không bán được giống.

Anh Việt, chủ cơ sở giống Út Lâm, lắc đầu ngao ngán nói: “Giá vốn 1 cây tum trần đã là 2.800 đồng, còn tum bầu là 5.000 đồng, nhưng hiện bán bằng giá vốn đã khó. Trong khi đó, năm 2010, 2011, giá mủ cao (có năm bình quân đạt 90-100 triệu đồng/tấn - PV) bán sướng tay, cứ 1 cây giống lãi 2.000-3.000 đồng. Năm nay, ngoài miền Trung mưa bão cao su gãy đổ nhiều, chưa biết có trồng lại hay không mà chưa thấy khách hàng quen ngoài đó liên lạc!”.

Chúng tôi đến DNTN Sáu An, chủ DN là bà Trần Thị Thanh Xuân, quê Nghệ An, chồng bà ở Quảng Trị, là một DNTN nổi tiếng có rất nhiều “mối ruột” lớn ở miền Trung chuyên cung cấp cây giống cho bà con nông dân tiểu điền. Bà Xuân cho hay, gia đình bà thuê tất cả trên 10 ha để SX giống, trong 2 năm gần đây lỗ gần 4 tỷ đồng vì cây giống không bán được.

“Trước đây tôi bán cây giống cho thị trường miền Trung nhiều lắm, chủ yếu là Quảng Trị, Thanh Hóa và Nghệ An. Một năm bán 500 ngàn cây giống (trồng cho 900 ha) là bình thường. Khách hàng tập trung gồm 2 đối tượng.

Một là, các tổ chức đơn vị như Sở NN-PTNT, phòng NN- PTNT các huyện mua giống bằng tiền của nước ngoài tài trợ thông qua dự án đa dạng hóa nông nghiệp, sau đó về cấp giống cho nông dân trồng; dự án này có từ năm 2000-2006. Hai là, các thương lái quen biết vào đặt hàng, cứ từng đợt khoảng 100 ngàn cây tum trần, sau đó vận chuyển ra bán lại.

Tuy nhiên, hai năm gần đây, các dự án trồng mới không có, nhà nước lại cấm phá rừng trồng cao su nên đầu ra kém, hiện chỉ bán nhỏ lẻ cho các hộ cao su tiểu điền thanh lý trồng mới với số lượng không nhiều.

Không phải DN chúng tôi mà còn rất nhiều DN và cơ sở khác cùng chung số phận, giống tum trần tồn kho bao la, bao nhiêu giống ghép rồi mà chưa thể nhổ bán được. Trong khi DN phải thuê đất, thuê công nhân ghép, mua dây băng ghép... May ra ở miền Trung trồng lại cao su thì DN trong này cũng đỡ khổ. Bởi cây tum trần đang độ tuổi nhổ được có đường kính từ 12-22 li, còn cây nào để lâu quá trên 22 li là người ta không mua, trồng dễ chết, phải thuê lao động chặt bỏ...” - bà Xuân nói.

Tiếp xúc với chúng tôi ngày 26/10, ông Võ Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Tâm cho biết, hiện có 2 đối tượng chính cung cấp giống cao su cho bà con tiểu điền. Thứ nhất là loại hình DN, có diện tích SX giống qui mô, có tư cách pháp nhân và giấy chứng nhận kiểm nghiệm chất lượng giống. Ở địa phương có 12 DN như vậy. Thứ hai, hộ cao su tiểu điền nhỏ lẻ làm giống với số lượng hàng trăm hộ không thống kê được, chất lượng cây giống thả nổi.

Tại địa phương, các DN như Sáu An, Trần Hậu Thuấn, Trần Thuật (quê Hà Tĩnh), Ba Được là những DN lớn chuyên cung cấp cây giống cho miền Trung (tập trung các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa). Trong đó, cơ sở Trần Hậu Thuấn có năm xuất cả 1 triệu cây giống (trồng 1.800 ha).

“Tuy nhiên họ xuất giống gì thì không ai biết được, ở địa phương chỉ biết đang có 3 giống được SX phổ biến là Lai Hoa 9250, PB260 và RT1. Trong đó, giống Lai Hoa mới có 3 năm nay, chưa khai thác nên chưa biết năng suất thế nào, nó có thích hợp với khí hậu, gió bão ở miền Trung hay không?”, ông Bắc cho biết.

Còn ông Phan Thanh Châu, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Minh Long, huyện Chơn Thành khẳng định, hai xã Minh Long và Thành Tâm được coi là “thủ phủ” SX cây giống của tỉnh Bình Phước và là nơi cung cấp cây giống cho các tỉnh Bắc Trung bộ lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Châu giới thiệu chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Đình Lâm, chủ cơ sở SX giống Tư Lâm, nổi tiếng bán giống nhiều nhất cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa, một năm cũng xuất cả 1 triệu cây giống. Ông Lâm khoe vừa bán 500 ngàn cây giống ra miền Trung.

Khi được hỏi giống gì, bằng kinh nghiệm nhiều năm ông Lâm nói: “Các giống mà tôi đưa ra cho miền Trung gồm Lai Hoa 1, PB260, RIM600, RIM712, GT1, RRIC 121. Trong đó, giống GT1 là giống cũ, có từ thời Pháp, ưu điểm là thấp cây, chống chịu đổ ngã rất tốt, nhược điểm là năng suất mủ thấp.

Mấy năm trước, hàng vạn hộ nông dân miền Trung trồng cao su theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp, các tổ chức đơn vị và cả thương lái ngoài đó vào đây đổ xô nhau mua, thời điểm 2005-2007 xảy ra hiện tượng sốt giống, giá tum trần lên 7.000-8.000 đ vẫn không có mà bán.

Thế nên, nhiều cơ sở nhỏ lẻ bán giống gì không ai kiểm soát được, miễn sao giống cao sản, ngắn ngày là được. Nhưng những giống cao sản ngắn ngày đều chống chịu đổ ngã kém cả” - ông Lâm đúc kết.

+ Theo quyết định cơ cấu bộ giống từ năm 2011-2015 của Tập đoàn CNCS VN ở các tỉnh Bắc Trung bộ là: RRIM 600, RRIM 712, RRIC 100, RRIC 121, RRIV 1, RRIV 124, IAN 873, VNg 77-4, GT1.

Trong khi đó, các DN và hộ SX giống cao su tiểu điền đang SX kinh doanh những giống được quảng cáo là cao sản như Lai Hoa, PB... lại không nằm trong bộ giống theo qui định. Đây cũng là những giống sắp tới sẽ đưa ra miền Trung cung cấp cho các hộ trồng cao su tiểu điền. Điều này thực sự bất ổn.

+ Được biết, Viện Nghiên cứu cao su đang cử cán bộ kỹ thuật ra xã Vĩnh Hiền, nằm phía đông nam của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nơi có 350 ha cao tiểu điền gãy đổ khá nặng để xác định lại giống. Bởi tại đây đang phản ảnh có một số hộ trồng cao su, có nơi bị gãy đổ hoàn toàn do bão nhưng cũng có vùng nằm sát đó lại không hề bị ảnh hưởng.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất