Hà Nội sau hợp nhất là một thành phố khổng lồ với 7,14 triệu dân và thường xuyên có trên 2 triệu lao động, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh đến cư trú và làm việc. Người ta tính toán, để đáp ứng thực phẩm cho 9 triệu dân đó, mỗi năm Hà Nội cần khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54.000 tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau…
Nơm nớp lo thực phẩm không an toàn
Hiện nay sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 69% nhu cầu thịt gia súc các loại, 32% cá các loại, 97,7% trứng gia cầm, 19% sữa, 38% gạo tẻ, 60% rau củ tươi và 18% hoa quả tươi các loại…Số thiếu hụt còn lại đều do các tỉnh khác cung cấp.
Vấn đề quản lý độ an toàn của lượng thực phẩm ngoại tỉnh này luôn là một bài toán khó giải cho Hà Nội. Trong quá khứ đã có nhiều vụ mất ATVSTP khiến cho lòng tin của người tiêu dùng bị xói mòn.
Chính vì vậy mà hơn bao giờ hết, người ta kỳ vọng vào cái “bắt tay” giữa Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội với 17 Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản các tỉnh, thành phía Bắc có nhiều sản phẩm cung cấp cho Hà Nội và ngược lại. Mô hình chuỗi cung cấp nông sản an toàn thực phẩm cũng đã được triển khai dựa trên tinh thần này...
Bước đầu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có tinh thần hợp tác trong việc tham gia mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn với nhau. Tuy nhiên, tồn tại vẫn còn nhiều: Thông tin về một số cơ sở kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản do các tỉnh cung cấp luôn thay đổi, thiếu chính xác nên khó khăn cho công tác quản lý. Một số sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa được xây dựng thương hiệu, thông tin nhận diện nhằm quảng bá, tạo lòng tin người tiêu dùng, cũng như không cung cấp được thường xuyên mà chỉ theo mùa vụ gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát theo chuỗi ATTP.
Thông tin hai chiều từ Hà Nội với các tỉnh có lúc bị ngắt quãng, rời rạc. Một lượng lớn các sản phẩm được giao dịch buôn bán tại các chợ đầu mối thường hoạt động từ 3h-5h hàng ngày khó khăn trong công tác quản lý. Nhiều hộ kinh doanh tại các chợ chỉ có quầy hàng tạm bợ, chưa được xây dựng thành gian hàng để đảm bảo việc bảo quản, kinh doanh sản phẩm…
Có mặt tại hội nghị sơ kết công tác phối hợp quản lý chất lượng ATTP Hà Nội với các tỉnh ngày 26/11 rất nhiều ý kiến được đưa ra. Ông Phạm Thế Cường-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Sơn La thì phân trần về sự cố “cà chua bẩn” vừa qua: Chúng ta mới kiểm soát được 20% theo chuỗi, còn 80% lượng hàng tiêu thụ vào các chợ đầu mối thì chưa làm được nên có cả chuyện hàng giả mạo danh.
Sự việc cà chua an toàn của Mộc Châu vừa qua quá dư lượng BVTV cho phép chúng tôi đã truy ra không phải là sản phẩm của chuỗi an toàn mà do không đủ lượng hàng, người quản lý đã lấy thêm hàng ngoài vào. Chúng tôi đã nhắc nhở nếu tiếp tục làm hành vi như vậy sẽ phải thông tin cho đối tác từ chối thu mua sản phẩm.
Ông Nguyễn Tiến Hưng-Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Big Green khẳng định: Nên duy trì liên kết theo chuỗi vì một DN dù lớn cũng không thể đủ sức quản lý nổi. Tồn tại lớn nhất hiện nay là ý thức về VSATTP của người sản xuất, người kinh doanh và cả người tiêu dùng rất kém. Vì thế, ngoài chuyện tăng cường giám sát ở ngay vùng sản xuất và nơi tiêu thụ còn phải tăng cường tuyên truyền hơn nữa…
Ông Nguyễn Như Tiệp-Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho rằng, tỷ lệ phần trăm không an toàn hiện nay rất nhỏ nhưng người tiêu dùng rất hoang mang, bởi lẽ không biết tránh mua ở đâu và chọn mua ở đâu.
Bởi thế cần có dấu hiệu là tem nhãn để cho họ nhận diện. Nếu không làm được điều này sẽ không thể giải quyết được tận gốc của vấn đề ATTP. Có sản phẩm tốt, có dấu hiệu nhận diện rồi cần phải quảng bá, tuyên truyền sao cho thật rộng rãi để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng…