| Hotline: 0983.970.780

Bảy Núi - Cây trồng chết khô, giếng cạn trơ đáy

Thứ Sáu 26/02/2010 , 09:35 (GMT+7)

Tại vùng Bảy Núi (An Giang) nhiều diện tích hoa màu đã bị chết khô do thiếu nước. Nhiều giếng nước cũng cạn trơ đáy.

Nhiều cánh đồng lúa và hoa màu ở vùng Bảy Núi đang chết khô từng ngày

Tại vùng Bảy Núi (An Giang) nhiều diện tích hoa màu đã bị chết khô do thiếu nước. Còn những cách đồng lúa nằm cạnh các triền núi gần đến ngày trổ bông cũng tóp đọt. Nhiều giếng nước cũng đã cạn trơ đáy. 

Theo con đường nhựa phẳng lì ven núi chúng tôi tiến thẳng vào tâm điểm vùng khô hạn thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn. Từng đàn bò đang trằn mình dưới nắng gay gắt ngậm từng cọng cỏ khô héo. Nhìn từ dưới lên các sườn núi thấy cây cối bao phủ một màu vàng. Ông Trương Văn Bé ở ấp Sà Lôn, xã Lương Phi chỉ tay về phía 3 công đất vừa trồng đậu xanh và bí đao bị chết cháy nói: Đáng lẽ ra chỉ hơn 1 tháng nữa là thu hoạch nhưng do hệ thống trạm bơm không đưa nước kịp nên đành ngồi nhìn đám ruộng chết từ từ. Bây giờ chỉ còn cách đợi trời mưa thôi.

Cách đó không xa là 2,5 công dưa leo của ông Chau Rumr cũng nằm trần trụi dưới nắng. Ông Chau Rumr cho biết, từ trước Tết đến nay trời đã không mưa. Trước đó nhiều hộ dân trồng màu đã xuống trạm bơm xã Lương Phi đăng ký sử dụng nguồn nước đưa vào nội đồng, bơm trong 3 tháng với giá 45.000 đ/công, nhưng mới bơm được hơn 1 tháng nước đã hết. Bây giờ con đường dẫn nước chính dưới kênh đã cạn. Chúng tôi sang ấp Sà Dùm, xã Lương Phi, anh Ngô Công Thắng có 6 công dưa hấu vụ nghịch đang ra trái non cũng thiếu nước bị chết phân nửa. Số còn lại lá dưa bắt đầu vàng vọt chắc vài ngày nữa cũng tiêu luôn.

Ông Nénl Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Phi cho biết: Các kênh chính lấy nước đã xuống đến đáy nên máy bơm dù làm việc hết công suất để đưa nước vào nội đồng cũng chẳng được bao nhiêu, chỉ tưới được những ruộng trồng màu nằm gần trạm bơm từ 3-5km trở lại. Nguyên nhân do hệ thống trạm bơm công suất nhỏ, đường dẫn lại quá xa nên nước không vào tới các đám ruộng, rẫy nằm cặp tỉnh lộ 955B.

Giải thích nhiều diện tích hoa màu bị nắng nóng dẫn đến chết khô do thiếu nước, ông Trần Văn Mì, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn cho biết: Dự báo năm nay nắng hạn đến sớm và kéo dài nên huyện đang khẩn trương lắp 4 trạm bơm phục vụ cho 1.057 ha đất nông nghiệp để nông dân xuống giống vụ xuân hè. Nhưng cho đến nay 4 trạm bơm này cũng không đáp ứng nổi nhu cầu tưới.

Ông Võ Thạnh, GĐ Trung tâm KTTV An Giang:

Mực nước các sông đầu nguồn sông Cửu Long và vùng trũng Tứ giác đang tiếp tục giảm mạnh. Trên sông Tiền tại huyện Tân Châu mực nước xuống khá thấp dao động từ 0,7- 1,5m, trên sông Hậu tại Châu Đốc mức 0,5- 1,6m, vùng trũng Tứ giác Long Xuyên có điểm dưới mức 22cm và tiếp tục dao động theo triều với chiều hướng giảm. Mực nước thực đo như trên hiện thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 0,4-0,5m. Theo dự báo, mùa khô năm 2010 hạn sẽ diễn ra khốc liệt hơn những năm 2003, 2004.

Thiếu nước tưới cho nông nghiệp là vậy, tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt cũng đang xảy ra nghiêm trọng. Một số bà con ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cho biết, năm nay nắng gay gắt quá nên nhiều giếng nước biến thành giếng hoang vì không có nước. Bà Đặng Thị Hưởng 77 tuổi ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên than thở: "Mấy tháng trước tui thường đến cái giếng gần nhà múc nước về ăn uống, tắm giặt. Bây giờ phải đi cái giếng xa hơn mới có nước. Cao tuổi rồi không gánh được nên phải nhờ mấy đứa cháu ở xóm lấy xe đạp chở với giá 2.000đ/can 30 lít. Sống mấy tháng mùa này cực lắm".

Ở nhiều giếng nước mới tờ mờ sáng người dân đã kéo đến kín miệng giếng xếp hàng. Nhiều người phải tranh thủ đi từ 4 giờ sáng trực bên giếng lấy nước về nhà còn kịp phục vụ bữa ăn sáng và cho súc vật uống. Những người đến trễ hơn phải chờ theo thứ tự như kiểu xếp hàng thời mậu dịch quốc doanh. Vào mùa khô người dân sống ở vùng Bảy Núi từ trẻ em đến người già đều phải đem can nhựa đến giếng lấy nước, hộ xa phải đi 1- 2 cây số là thường.

Không riêng gì các xã vùng cao, vùng xa ven núi mà ngay thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn cũng lâm vào tình trạng người dân phải mua từng can nước. Ngay đầu đường lên ngọn núi Tô (gần đài truyền thanh Tri Tôn) có một giếng nước tấp nập người kéo xe đến lấy. Anh Phạm Sáng, người làm dịch vụ cung ứng nước giếng tại đây nói: Do nằm dưới này thấp nên cái giếng có nước quanh năm. Mỗi ngày tôi múc lên gần 3 phi nước, dùng xe kéo đi bán cũng kiếm được hơn 40.000 đồng.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất