| Hotline: 0983.970.780

BĐR999 và BĐR57, những giống lúa của nhà nghèo

Thứ Ba 28/03/2023 , 17:28 (GMT+7)

2 giống lúa thuần BĐR999 và BĐR57 dễ làm, nhẹ phân, cứng cây chống đổ ngã, ít sâu bệnh và chống chịu tốt nắng nóng, năng suất cao, dễ tiêu thụ…

Đầu tư ít, năng suất cao

Ngày 28/3, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức hội thảo đầu bờ 2 giống lúa thuần BĐR999 và BĐR57 tại xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn).

Hiện nay, ở Bình Định, nhiều giống lúa được sản xuất đại trà qua thời gian dài đã thoái hóa, năng suất sụt giảm, nhiễm sâu bệnh nặng. Để có giống mới thay thế những giống đã thoái hóa, trong thời gian qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã lai tạo, chọn lọc ra 2 giống lúa thuần BĐR999 và BĐR57 hội tụ nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

Vụ đông xuân 2022-2023 vừa qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn (Bình Định) và HTX Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Bình Nghi xây dựng mô hình sản xuất giống lúa thuần BĐR999 và BĐR57 với mục đích giới thiệu bộ giống mới, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa cho người dân địa phương.

Nông dân tham quan mô hình sản xuất giống lúa BĐR999 và BĐR57 tại xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân tham quan mô hình sản xuất giống lúa BĐR999 và BĐR57 tại xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình được được triển khai tại thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn). Mô hình giống BĐR999 được sản xuất trên diện tích 6 ha, 35 hộ nông dân tham gia và mô hình giống BĐR57 được sản xuất 2,5 ha với 15 hộ tham gia.

BĐR999 là giống lúa thuần thuộc phân khúc gạo chế biến, đã được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành giống cây trồng theo Quyết định số 264/QĐ-TT-VPPN ngày 28/9/2022; giống BĐR57 thuộc phân khúc gạo chất lượng, đã được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành giống cây trồng theo Quyết định số 265/QĐ-TT-VPPN ngày 28/9/2022.

Qua thực tế sản xuất, những nông dân trực tiếp sản xuất đánh giá 2 giống lúa nói trên rất dễ canh tác, nhẹ phân, ít nhiễm sâu bệnh, cứng cây nên chống chịu đổ ngã tốt, chịu nắng nóng, cho năng suất cao. Gạo BĐR999 trắng trong, cơm cứng, thích hợp chế biến bún, bánh. Gạo BĐR57 trắng, cơm mềm có vị đậm, dẻo nhẹ.

Theo ông Đặng Công Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Bình Nghi, người trực tiếp sản xuất 3 sào lúa BĐR999 (500m2/sào) trong vụ đông xuân 2022-2023 vừa qua, so với các giống lúa thuần nông dân địa phương sản xuất đại trà trước đây, giống BĐR999 rất dễ làm, bón phân chẳng bao nhiêu nhưng cây lúa phát triển rất tốt. Lại ít sâu bệnh, trong vụ đông xuân vừa qua do mưa lạnh kéo dài, làm ảnh hưởng đến khả năng đẻ nhánh của cây nhưng vẫn cho năng suất cao.

Nông dân 'mê mẩn' giống lúa phân khúc chế biến BĐR999. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân “mê mẩn” giống lúa phân khúc chế biến BĐR999. Ảnh: V.Đ.T.

“Mặt khác, do thiếu ánh sáng nên cây lúa sinh trưởng kém, ảnh hưởng đến năng suất. Đất sản xuất trước đây bị lấy lớp đất mặt cung ứng cho các lò sản xuất gạch ngói nên giờ bị thiếu dinh dưỡng, thế nhưng năng suất cho đạt 70-75 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 80 tạ/ha.

Vụ hè thu năm 2022 bà con ở đây cũng đã làm giống này, năng suất cho đạt từ 65-70 tạ/ha. Còn giống BĐR57 cho năng suất bình quân từ 65-70 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 75 tạ/ha. Cả 2 giống đều có khả năng chịu lạnh, chịu nóng và chịu hạn tốt; đặc biệt là kháng tốt rầy nâu và bệnh bạc lá, kháng trung bình với bệnh đạo ôn”, ông Đặng Công Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Bình Nghi, cho hay.

Nông dân “hít” giống lúa chế biến

Cũng theo ông Lý, nông dân địa phương đang rất “hít” giống BĐR999 vì ở đây bà con chuyên sản xuất giống phân khúc chế biến, bởi gạo cung ứng cho sản xuất bánh tráng, bún, bánh hỏi luôn có giá cao hơn gạo chất lượng 1-2 giá, lại tiêu thụ mạnh. “Đặc biệt gạo BĐR999 sản xuất bánh tráng, bánh không bị nứt; khi nhúng, bánh không bị dính mà rời ra. Còn làm bánh bèo, bánh xèo thì bánh rất dai nên thương lái mua rất mạnh”, ông Lý cho biết thêm.

Chị Phan Thị Thu Giang, chủ nhà máy gạo Thanh Hương ở xóm 4, thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định) cam kết với nông dân HTX Nông nghiệp Bình Nghi (huyện Tây Sơn) là nhà máy sẽ thu mua hết lúa BĐR999 nếu bà con mở rộng sản xuất.

Sau khi tham quan mô hình sản xuất 2 giống lúa BĐR999 và BĐR57 và nghe những nông dân trực tiếp sản xuất chia sẻ, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định), cho biết nông dân huyện Tuy Phước chuyên sản xuất giống lúa phục vụ chế biến, giờ các giống cũ đã thoái hóa, hiện nay ngành chức năng địa phương rất cần giống mới cho năng suất cao và chống chịu tốt trước những điều kiện bất lợi là bà con sẽ rất thích.

Giống lúa BĐR999 và BĐR57 chống chịu tốt với sâu bệnh, nắng nóng. Ảnh: V.Đ.T.

Giống lúa BĐR999 và BĐR57 chống chịu tốt với sâu bệnh, nắng nóng. Ảnh: V.Đ.T.

“Trước giờ nông dân rất mê giống ĐV108 vì giống này cho năng suất rất cao, đạt 450-500kg/sào, nhưng giờ giống này có nhược điểm là trong vụ hè thu thường bị bệnh thối thân, thối gốc nên đang cần giống mới để thay thế”, ông Phan Văn Khiêm nói.

“Hiệu quả kinh tế của giống lúa BĐR999 và BĐR57 cao hơn so với  giống đối chứng KD18. Lãi ròng của giống lúa BĐR999 so với  giống KD18 vượt hơn 30%. Những yếu tố tạo nên hiệu quả kinh tế của 2 giống lúa BĐR999 và BĐR57 là do chi phí  thấp nhưng năng suất cho cao hơn”, ông Đặng Công Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Bình Nghi, phân tích.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.