| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa dễ nhiễm đạo ôn, vẫn được đưa vào cơ cấu sản xuất

Thứ Ba 21/03/2023 , 17:40 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Do rất mẫn cảm với bệnh đạo ôn nên trong số 1.300ha lúa vụ đông xuân 2022-2023 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế bị nhiễm bệnh đạo ôn, giống J02 đứng đầu về diện tích…

Vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế gieo cấy khoảng 28.000ha. Hiện nay, lúa trà đầu đang giai đoạn đứng cái, diện tích đại trà đang giai đoạn đẻ nhánh rộ.

Thời gian qua, bệnh đạo ôn đã xuất hiện, gây hại hàng trăm ha lúa đông xuân. Đáng chú ý, theo ghi nhận tại địa phương này, bệnh đạo ôn chỉ xuất hiện trên một số giống lúa như J02, BT7, nếp… Ngoài nếp là giống truyền thống của địa phương do nông dân giữ lại để gieo trồng, các giống như J02, BT7 là những giống do ngành nông nghiệp địa phương đưa vào cơ cấu và do doanh nghiệp cung ứng.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 1.300ha lúa bị bệnh đạo ôn, trong đó tập trung chủ yếu ở giống lúa J02. Ảnh: Công Điền.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 1.300ha lúa bị bệnh đạo ôn, trong đó tập trung chủ yếu ở giống lúa J02. Ảnh: Công Điền.

Đơn cử như tại huyện Phú Vang, một trong những vùng trọng điểm về cây lúa của tỉnh Thừa Thiên – Huế, thời gian gần đây, bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại trên diện rộng, trong đó chủ yếu trên giống J02 đang thời kỳ đẻ nhánh rộ khiến người dân rất lo lắng.

Niên vụ này, HTX Nông nghiệp Phú Hồ (huyện Phú Vang) gieo cấy khoảng 370ha lúa giống JO2, trong đó hơn 150ha theo hình thức liên kết sản xuất, còn lại là diện tích gieo cấy tự phát của người dân. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, HTX Nông nghiệp Phú Hồ là một trong những địa phương có tỷ lệ nhiễm bệnh đạo ôn khá nặng của huyện Phú Vang và tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Những ngày này, nông dân đứng ngồi không yên vì bệnh đạo ôn đang hoành hành. Trên nhiều cánh đồng của HTX đã xuất hiện lỗ chỗ những đám cháy lụi vì bệnh đạo ôn. Mặc dù đã được cơ quan chức năng khuyến cáo sử dụng các loại thuốc BVTV để phun phòng bệnh nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Vang cho biết, đến nay, diện tích nhiễm đạo ôn trên địa bàn huyện khoảng 100ha, trong đó nặng nhất là tại các xã Phú Hồ (25ha), Phú Lương (30ha), Phú Mỹ (20ha)…

Để hạn chế bệnh đạo ôn phát triển và lan rộng, các đơn vị chức năng đã triển khai hướng dẫn nông dân điều tiết mực nước trong ruộng phù hợp để giữ ấm cho cây lúa, bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm, bón bổ sung phân vi sinh, phân kali qua lá... giúp lúa sinh trưởng phát triển tốt để tăng khả năng chống chịu bệnh.

Theo tìm hiểu, giống lúa J02 là giống lúa thuần dòng Japonica có nguồn gốc từ Nhật Bản, được Viện Di truyền Nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn. Giống lúa này được đưa vào khảo nghiệm và sản xuất đại trà tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ niên vụ 2017 - 2018 đến nay.

z4147710478046_f9c7917b456598d8916f8e6394f113cc

Bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại trên một số giống lúa chủ lực khiến nông dân lo lắng. Ảnh: CĐ.

Đây là giống đã được đưa vào cơ cấu giống của tỉnh Thừa Thiên – Huế, do Công ty Cổ phần Giống cây trồng và vật nuôi Thừa Thiên – Huế độc quyền cung ứng cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Riêng vụ đông xuân năm nay, công ty này cung ứng cho nông dân tỉnh Thừa Thiên – Huế gần 100 tấn giống, tương ứng với diện tích gieo trồng khoảng 4.000ha.

Trả lời câu hỏi vì sao giống lúa J02 mẫn cảm với bệnh đạo ôn là vậy, nhưng vẫn được tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào cơ cấu sản xuất, ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng: Tất cả các giống lúa đưa vào sản xuất phần lớn đều có 2 mặt. Đơn cử như giống J02 thì ưu điểm là năng suất ổn định, chất lượng gạo ngon, giá bán cao, nhưng có nhược điểm so với các giống lúa khác là dễ bị nhiễm đạo ôn.

Ông Lê Văn Anh cũng phân bua rằng, trong số diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn vừa qua thì chỉ có một số ít cục bộ là nhiễm nặng, tuy nhiên so với tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh cũng là điều bình thường(?!).

“Chúng tôi cũng đã hướng dẫn, khuyến cáo người dân nhưng họ không chịu phun phòng hoặc phun không đúng thuốc. Nếu phun không đúng thuốc thì sắp tới đây sẽ có một số diện tích cháy. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn đã phun trừ để theo dõi xử lý khi bệnh có nguy cơ tái phát”, ông Lê Văn Anh cho biết.

Ông Đặng Văn Chung, đại diện Công ty Cổ phần Giống cây trồng – vật nuôi Thừa Thiên – Huế cho biết, JO2 là giống đã doanh nghiệp đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế khoảng 5 năm nay.

Riêng năm nay, đơn vị cung ứng hơn gần 100 tấn giống JO2, tương đương với khoảng 4.000ha canh tác cho nông dân tỉnh Thừa Thiên – Huế. Cơ cấu giống của giống này chiếm gần 20% tổng diện tích lúa toàn tỉnh.

Nông dân tỉnh Thừa Thiên – Huế phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: CĐ.

Nông dân tỉnh Thừa Thiên – Huế phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: CĐ.

Theo ông Chung, giống lúa J02 có khả năng chịu rét, ngập úng rất tốt. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận, giống J02 rất mẫn cảm với bệnh đạo ôn.

“Trong quy trình, chúng tôi có khuyến cáo là giống nhiễm đạo ôn lá, cổ bông nếu như không phun phòng. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo chỗ nào có thể làm và chỗ nào không nên làm", ông Chung nhấn mạnh.

Nói về việc bệnh đạo ôn bùng phát mạnh trên cây lúa thời gian qua, trong đó chủ yếu là các bộ giống do Công ty cung ứng, theo ông Chung, nguyên nhân giống lúa J02 nhiễm đạo ôn là do thời tiết bất lợi, trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế. 

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến nay đã có trên 1.300ha lúa của tỉnh bị nhiễm bệnh đạo ôn với tỷ lệ bệnh 5 - 10%, cục bộ tỷ lệ bệnh 20 - 50%, tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và TP Huế...).

Các giống bị nhiễm bệnh đạo ôn trong vụ đông xuân này tập trung chủ yếu ở như JO2, BT7, nếp… do Công ty Cổ phần Giống cây trồng và vật nuôi Thừa Thiên - Huế cung ứng.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.