Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận phối hợp UBND huyện Ninh Phước, Thuận Bắc vừa tổ chức tổng kết mô hình cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Mô hình thuộc dự án khuyến nông trung ương giai đoạn 2020 - 2022, được triển khai tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước và xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc với 60 hộ dân tham gia.
Hai xã thực hiện mô hình có nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, tổng đàn bò gần 10 ngàn con, tỷ lệ Sind hóa chỉ chiếm tỷ lệ 48%. Mô hình đã thụ tinh nhân tạo, sử dụng tinh đực giống Brahman, BBB nhằm tạo ra những con lai có ngoại hình và chất lượng cao.
Mô hình thực hiện thụ tinh cho 190 bò cái nền địa phương và tạo ra được 190 bê con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, với bò cái nền sinh sản lai Zebu có ngoại hình đẹp, khối lượng trên 220kg, đủ tiêu chuẩn.
Các hộ tham gia mô hình, mỗi con bò cái nền được hỗ trợ 2 liều tinh đông lạnh, 2 lít nitơ lỏng, 2 bộ dụng cụ thụ tinh (găng tay, ống gen) và 168kg thức ăn khi bò có chửa, 30% chi phí do người dân đối ứng. Ngoài ra, các hộ dân được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò sinh sản, cách nhận biết, phát hiện bò động dục, quản lý và ghi chét số liệu thụ tinh nhân tạo.
Sau 9 tháng triển khai mô hình, 190 bò cái có chửa, dự kiến trong tháng 12/2022 sẽ có từ 5 - 8 con bê con được sinh ra, trọng lượng ước đạt bình quân 28 - 30kg/con, nặng hơn 4 - 6kg so với bê sinh ra từ mẹ cho nhảy đực trực tiếp, sau 6 tháng nuôi giá bán cao hơn từ 2 - 5 triệu đồng. Đặc biệt, bê con sinh ra khỏe mạnh, thích nghi tốt, sinh trưởng phát triển nhanh, dễ nuôi, lớn nhanh.
Theo ông Nguyễn Trọng, dẫn tinh viên có 21 năm kinh nghiệm ở xã Phước Hải, các bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, tầm vóc lớn, phàm ăn và tăng trưởng rất nhanh nên được người chăn nuôi rất ưa chuộng, tỷ lệ xẻ thịt xấp xỉ 70%, thịt thơm ngon nên thương lái mua với giá cao hơn so với bò vàng.
Thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền cho bà con chăm sóc tốt đàn bò, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận sẽ tiếp tục chỉ đạo đội ngũ dẫn tinh viên thực hiện tốt hoạt động thụ tinh nhân tạo trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn, tập huấn cho người chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt thâm canh cũng như các biện pháp phòng trị bệnh cho bò. Từ đó, đẩy nhanh tỷ lệ đàn bò lai hướng thịt có năng suất, chất lượng cao, tạo tiền đề chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa...