Ngày 6/12, mẹ chở N.T.A.D. (8 tuổi, ngụ tại Hóc Môn, TP.HCM) bằng xe máy thì bị xe tải chạy từ phía sau cùng chiều va quẹt tay lái, làm cả hai mẹ con té. Bé D. đập mông, lưng, hông trái trượt dài trên mặt đường khoảng 2- 3m.
Sau đó, D. tỉnh táo, than đau nhiều các vết xây xát, không ói, không nhức đầu, không chảy máu mũi tai được gia đình đưa nhập viện Bệnh viện Xuyên Á sơ cứu và chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ở giờ thứ 4 sau tai nạn.
Tại đây, bé D. được các bác sĩ cấp cứu hỗ trợ hô hấp, truyền dịch, truyền máu, ghi nhận xây xát da mảng lớn vùng hông trái, thắt lưng mông, vết thương phức tạp vùng tầng sinh môn dài 10cm, dọc từ rãnh liên mông đến hậu môn, rách gần hết niêm mạc hậu môn, gây tụt ống hậu môn vào trong, lộ cơ thắt hậu môn, lóc da mô mỡ dưới da vào sâu 10cm xung quanh ống hậu môn và mặt sau xương cùng.
Kết quả chụp CT-scan não, ngực, bụng ghi nhận bé D. dập thùy dưới phổi trái, chấn thương lách độ II, chấn thương thận phải độ I, gãy xương cánh chậu trái.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn quyết định phẫu thuật cắt lọc vết thương, khâu đính thành trực tràng với da xung quanh, tạo hình lại hậu môn, đặt dẫn lưu hai bên rãnh trực tràng, khâu tạo hình lại tầng sinh môn, lớp dưới da, cơ nâng hậu môn, mở đại tràng xuống ra da làm hậu môn tạm, cố định khung chậu.
Sau phẫu thuật 3 ngày, bệnh nhi biểu hiện sốt, vùng da cùng cụt, thắt lưng, hông trái căng phồng, kém tưới máu và biểu hiện tụ dịch nhiều bên dưới.
Các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình hội chẩn, chẩn đoán bé D. bị tổn thương Morel-Lavallee, được can thiệp cắt lọc vết thương diện rộng và đặt hệ thống hút áp lực âm tưới rửa liên tục vết thương.
Sau gần 2 tuần chăm sóc vết thương trong điều kiện vô trùng tối đa, phối hợp với điều trị hỗ trợ hô hấp, kháng sinh, giảm đau, dinh dưỡng với đầy đủ dưỡng chất năng lượng cao, vết thương trẻ mọc mô hạt khá tốt, nên được ghép da dạng lưới để tăng diện tích phủ vết thương.
Sau gần 3 tháng điều trị tại Khoa hồi sức Ngoại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tình trạng bé D. cải thiện dần, vết thương ghép da tiến triển tốt, bé tỉnh táo, được chuyển khoa Ngoại chỉnh hình điều trị tiếp.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đây là trường hợp tổn thương lóc da Morel-Lavallee kích thước lớn được điều trị thành công nhờ phối hợp các chuyên khoa ngoại tổng hợp, ngoại chỉnh hình, hồi sức ngoại, dinh dưỡng, chăm sóc giảm nhẹ, tâm lý, vật lý trị liệu,…
Đồng thời, áp dụng các kỹ thuật hiện đại về chăm sóc vết thương như hệ thống hút áp lực âm tưới rửa liên tục vết thương, cắt lọc vết thương không đau qua hệ thống máy siêu âm chuyên dụng, các dung dịch, gạc chăm sóc vết thương cao cấp (có tính sát khuẩn cao, hấp thụ các dịch tiết, mô hoại tử, kích thích vết thương mọc mô hạt tốt, không gây dính, đau,…), cũng như sự hỗ trợ, động viên về tâm lý cho trẻ.
Tổn thương Morel Lavallee là tổn thương lóc da và mô mềm, trong đó da và tổ chức dưới da tính từ lớp cân nông bị lóc khỏi tổ chức cơ. Tổn thương được cho là làm đứt các nhánh mạch xiên và tạo nên khoảng trống để máu, dịch huyết tương và tổ chức mỡ hoại tử tràn vào. Tổn thương này rất dễ bị bỏ sót do tình trạng lóc cả lớp cân nông và thường gặp ở những vị trí có lớp mỡ dưới da dầy như vùng đùi, mông,..
Chẩn đoán tổn thương Morel-Lavallee gặp nhiều khó khăn do tổn thương lóc của da và tổ chức dưới da tính từ lớp cân nông nên rất khó đánh giá chính xác và dễ bị bỏ sót. Về mặt lâm sàng, cần thăm khám kỹ toàn diện đặc biệt là vùng hông lưng,…
Việc chẩn đoán đôi khi không thể dựa vào lâm sàng đơn thuần mà có thể phải dựa vào siêu âm hoặc chụp phim cắt lớp hoặc cộng hưởng từ. Vì vậy, một số trường hợp được phát hiện tình cờ khi chụp phim để đánh giá các tổn thương của xương chậu hoặc ổ cối. Do đó, để chẩn đoán được thì thường phải nghĩ tới tổn thương này trước và sau đó có thể phối hợp thêm các biện pháp chẩn đoán hình ảnh để xác định chẩn đoán.