Sầu riêng là một trong những cây ăn quả cho lợi ích kinh tế cao. Nguồn lợi đem lại từ cây sầu riêng cho các nhà vườn là rất lớn. Tuy nhiên, ở bất cứ đâu, hễ có cây sầu riêng thì bệnh nứt thân khô vỏ đều xuất hiện và gây hại. Những nhà vườn chưa biết hoặc chưa quan tâm đến loại bệnh hại này thì vườn thường bị thiệt hại nặng nề.
Triệu chứng bệnh
Vết bệnh thường ở trên thân chính, cành, hoặc trái. Bệnh cũng làm thối gốc rễ, làm cây suy kiệt hoặc chết. Trên trái, bệnh làm vỏ trái thối nâu. Trong điều kiện vườn rậm rạp và ẩm thấp thì có thể thấy vết bệnh được phủ một lớp nấm trắng mỏng, bệnh có thể làm trái bị nứt và cả trái bị thối. Trên thân và cành, phần vỏ cây tại các vết bệnh bị biến màu sậm lại dần. Khi bệnh nặng thì ta thấy vỏ cây bị thâm và khô đi, vỏ cây có thể bị nứt. Vết bệnh lan rộng dần theo chiều ngang và dọc, cây sinh trưởng và phát triển kém dần. Nếu vết bệnh phát triển rộng, ôm hết chu vi phần vỏ cây ở gốc hoặc ở cành thì cả cây hoặc cành đó bị chết khô.
Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển: Bệnh nứt thân khô vỏ cây sầu riêng do nấm Phytophthora sp. gây ra.
Trong điều kiện trồng mật độ cao, đào hố trồng sâu nên gốc luôn bị ẩm, bón phân thừa đạm, cây quá xanh tốt, xum xuê, cành thấp chạm đất, kết hợp vườn bị rợp bóng, hệ thống thoát nước kém…thì chắc chắn vườn sẽ bị bệnh nặng.
Những biện pháp phòng trừ có hiệu quả cao
Nguyên tắc là áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp có thể áp dụng được.
-Trồng cây với mật độ thích hợp tùy giống và tùy vào việc tạo tán cho cây.
-Làm luống theo hướng Đông Tây để mỗi cây có thể nhận được ánh nắng suốt ngày.
-Vùng đất trũng, đất nặng thì không đào hố trồng, mà nên trồng trên luống, đắp cao gốc để đảm bảo gốc rễ được khô ráo sau mưa hay tưới. Nên quét vôi phần thân sát đất.
-Trong mùa mưa, soạn sạch cỏ gốc, không tủ gốc và cần có hệ thống thoát nước tốt.
-Không tưới nước trực tiếp vào thân hay gốc cây bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ tưới nước vùng đất quanh tán cây để giữ cho thân và gốc cây luôn được khô ráo.
-Cắt những cành quét đất vì dễ bị sây sát và nhiễm bệnh từ đất, tỉa những cành sâu bệnh trong mùa mưa để vườn được thông thoáng.
-Bón phân cân đối và đầy đủ, không được dư đạm, không dùng loại có chứa chlor. Bón phân quanh tán của cây. Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục và được ủ với nấm đối kháng Trichoderma sp. càng tốt.
-Bón vôi hoặc SPC-CAL để cải tạo pH và cung cấp đủ Canxi cho cây. Sử dụng phân TANO-601 để cung cấp các vi lượng cần thiết giúp tăng sức chống chịu và chống sượng trái.
-Hạn chế dùng các chất kích thích ra hoa trái liên tục làm cây suy kiệt, làm giảm sức đề kháng bệnh. Tưới hóa chất nhiều cũng sẽ làm hư bộ rễ, tạo điều kiện để vi sinh vật xâm nhập gây bệnh.
-Kiểm tra vườn cây thường xuyên để phát hiện cây bị bệnh nhằm cứu chữa kịp thời.
Khi phát hiện cây bị bệnh ở thân hay cành, dùng dao sắc gọt hết phần vỏ và gỗ bị nhiễm bệnh (phần biến màu), rồi dùng TREPPACH BUL 607SL, hoặc ALPINE 80WG, sản phẩm của Công ty CP BVTV Sài Gòn - SPC quét lên chỗ vừa gọt. Nên kết hợp phun toàn cây và tưới vùng gốc rễ luân phiên bằng 2 thuốc trên, hoặc luân phiên với các thuốc có gốc đồng để phòng ngừa. Đồng thời, cần phun phòng cho các cây lân cận cây bệnh để tránh bị lây lan.
-Trong mùa mưa, nên chủ động phun và tưới thuốc phòng bệnh sẽ giúp làm giảm chi phí phòng trừ.