| Hotline: 0983.970.780

Bệnh viêm da nổi cục lây lan vào Khánh Hòa

Thứ Ba 20/07/2021 , 11:29 (GMT+7)

Bò bị bệnh do không sử dụng định kỳ thuốc diệt ký sinh trùng, tiêu diệt côn trùng gây bệnh như muỗi, ruồi, ve...; không áp dụng các biện pháp an toàn sinh học...

Bò mắc bệnh thả rông, không diệt côn trùng

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, những ngày giữa tháng 7 này, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên bò đã xuất hiện trên địa bàn huyện miền núi Khánh Vĩnh. Cụ thể, ngày 12/7, bệnh VDNC trên bò xuất hiện trên 10/30 con tổng đàn bò tại 7 hộ chăn nuôi bò của 2 thôn Cà Hon và Ba Dùi, xã Khánh Bình.

Huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên bò. Ảnh: LT.

Huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên bò. Ảnh: LT.

Tiếp đến, ngày 14/7, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra phát hiện thêm 6 hộ (gồm 5 hộ mới và 1 hộ cũ) thôn Cà Hon, xã Khánh Bình có 10/26 con tổng đàn bò mắc bệnh. Bên cạnh đó, 3/5 con bò của một hộ thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp và 3/16 con bò của 2 hộ thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông bị mắc bệnh.

Đến ngày 15/7 cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 7/18 con bò của 5 hộ tại các thôn Cà Hon, Ba Dùi, Bến Khế, xã Khánh Bình mắc bệnh. Như vậy, tính từ 12/7 đến 15/7 trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh bệnh VDNC trên bò đã xảy tại 20 hộ chăn nuôi của 5 thôn, 3 xã (Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Đông) làm 33/95 con bò mắc bệnh.

Theo ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đàn bò mắc VDNC trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh xảy ra đối với chủ hộ chăn nuôi thả ngoài đồng, trong quá trình nuôi không sử dụng định kỳ thuốc diệt ký sinh trùng cho trâu, bò và thuốc tiêu diệt côn trùng gây bệnh như muỗi, ruồi, ve....

Các hộ chăn nuôi này không áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình nuôi. Hiện tổng đàn bò tại 3 xã đang có dịch có khoảng 642 hộ chăn nuôi với 2.558 con bò (xã Khánh Đông 132 hộ với 368 con, xã Khánh Bình 230 hộ với 980 con bò, xã Khánh Hiệp 280 hộ với 1.210 con bò).

Hiện bệnh viêm da nổi cục trên bò đã xảy ra 5 thôn, 3 xã ở huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: LT.

Hiện bệnh viêm da nổi cục trên bò đã xảy ra 5 thôn, 3 xã ở huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: LT.

Nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh VDNC tại huyện Khánh Vĩnh được cho là do bò tiếp xúc với các phương tiện vận chuyển gia súc từ các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk đi ngang qua tỉnh lộ 8. Cùng với đó trong quá trình nuôi, người chăn nuôi không sử dụng định kỳ thuốc diệt ký sinh trùng cho trâu, bò và thuốc tiêu diệt côn trùng gây bệnh như muỗi, ruồi, ve...; không áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình nuôi.

Diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng...

Ngày 15/7, Đoàn công tác của Sở NN-PTNT Khánh Hòa và UBND huyện Khánh Vĩnh đã đi kiểm tra thực tế ổ dịch và công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC tại 3 xã Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Đông.

Theo đó, Sở NN-PTNT đánh giá, chính quyền địa phương và thú y xã đã nhanh chóng giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh cũng như nhanh chóng lấy mẫu và xác định nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên lưu ý các địa phương hiện tình hình thời tiết biến đổi cực đoan, biên độ nhiệt trong ngày chênh lệch cao, xuất hiện các cơn mưa bất thường làm cho sức đề kháng của gia súc suy giảm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại véc-tơ truyền bệnh, các loại ruồi, muỗi, ve, mòng... phát triển và truyền bệnh.

Đàn bò mắc bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh xảy ra đối với chủ hộ chăn nuôi thả ngoài đồng và không sử dụng định kỳ thuốc diệt ký sinh trùng. Ảnh: LT.

Đàn bò mắc bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh xảy ra đối với chủ hộ chăn nuôi thả ngoài đồng và không sử dụng định kỳ thuốc diệt ký sinh trùng. Ảnh: LT.

Bên cạnh đó, có nhiều phương tiện vận chuyển gia súc lưu thông vào tỉnh, trong khi nhiều tỉnh trong nước và khu vực đã xuất hiện bệnh VDNC. Vì vậy, nguy cơ trong thời gian tới dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong phạm vi cả tỉnh.

Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, đề nghị UBND huyện Khánh Vĩnh tiếp tục cử cán bộ giám sát chặt chẽ số bò bệnh tại các hộ xã Khánh Bình, Khánh Đông, Khánh Hiệp.

Đồng thời, yêu cầu các hộ chăn nuôi có bò bị bệnh không được thả bò ra bên ngoài, nuôi nhốt tại nhà và thực hiện cách ly, chăm sóc và điều trị bò bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Trường hợp có bò bệnh bị chết thì chỉ đạo UBND cấp xã tiến hành tiêu hủy đảm bảo an toàn dịch bệnh, lập hồ sơ hỗ trợ đầy đủ theo quy định hiện hành.

Cùng với đó, tiếp tục kiểm tra, khoanh vùng ổ dịch, đối với xã có dịch, xã bị dịch uy hiếp, vùng nguy cơ cao; thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc bằng các loại hóa chất diệt virus và khuyến cáo người chăn nuôi chủ động mua hóa chất đặc hiệu tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng ...).

Các xã còn lại yêu cầu người chăn nuôi, trang trại chăn nuôi phải tự chủ động thực hiện khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi thường xuyên bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh, côn trùng ruồi, muỗi, ve, mòng.  

Tổ chức tuyên truyền và ký cam kết với người chăn nuôi, người buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò thực hiện 5 “Không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển trâu bò bệnh, trâu bò chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu bò bệnh, trâu bò chết; không vứt xác trâu bò ra ngoài môi trường; không chăn thả rông trâu bò bị bệnh chung trên đồng cỏ…

Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch bệnh VDNC theo quy định; đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát trâu, bò. Kịp thời phát hiện trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổng vệ sinh, sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi, phun thuốc diệt côn trùng, véc tơ truyền bệnh: ruồi, muỗi, ve, mòng... Chuẩn bị vật tư, hóa chất dụng cụ nhanh chóng kiểm tra, lấy mẫu đàn bò có dấu hiệu mắc bệnh và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn, đặc biệt là tại xã có dịch và khu vực xung quanh.

Sở NN-PTNT cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Khánh Hòa để xem xét, phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC trâu, bò trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

'Cánh đồng không dấu chân' lợi nhuận tăng từ 33 - 38%

BÌNH THUẬN Những cánh đồng sản xuất lúa không dấu chân được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai không chỉ giảm chi phí vật từ đầu vào mà còn giúp nông dân tăng lợi nhuận.  

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.