Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau 1 tuần xuất viện, bệnh nhân N.M.H. (nam) - người được ghép gan từ người cho sống trong mùa dịch COVID-19 tại đơn vị này sức khỏe đã ổn định.
Được biết, bệnh nhân N. bị suy gan cấp và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nặng. Sau 48 giờ, bệnh nhân rơi vào hôn mê cần phải lọc máu, thay huyết tương đồng thời có chỉ định ghép gan khẩn cấp.
Hai ngày sau đó, may mắn các kết quả xét nghiệm về mức độ tương thích của lá gan người hiến, bệnh nhân N. đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành ghép gan từ chính lá gan của người thân bệnh nhân.
Đây là ca ghép gan đầu tiên do Bệnh viện Chợ Rẫy trực tiếp thực hiện trong mùa dịch Covid-19 mà không có sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài.
Năm năm trước, một bệnh nhân khác là ông Võ Quang Hùng bị ung thư gan và có chỉ định ghép gan. Và con gái của ông Hùng đã tiến hành các xét nghiệm để hiến tặng gan cho cha. Tuy nhiên, một tuần trước ghép, bệnh viện Chợ Rẫy nhận được thông tin có một bệnh nhân bị tai nạn chết não và gia đình bệnh nhân đồng ý hiến tạng cứu người.
Ngay sau đó, ông Võ Quang Hùng đã được ghép gan từ quà tặng của bệnh nhân này. Sau 5 năm được ghép gan, sức khỏe ông Hùng đã có nhiều ổn định, các chức năng gan hồi phục và có thể sinh hoạt như người bình thường. Ông Võ Quang Hùng là bệnh nhân đầu tiên được ghép gan từ người cho chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tính đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện ghép gan cho 28 trường hợp, trong đó có 6 ca ghép gan từ người cho chết não.
TS. BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, theo Điều 5, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác: Tất cả mọi người từ đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt người đó là người Việt Nam hay người nước ngoài nếu có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi người hiến đó đang còn sống (hiến da, xương, giác mạc, phổi, thận, gan...) hoặc hiến sau khi người đó đã chết và kể cả hiến xác vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.
Việc mỗi cá nhân hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết hoặc hiến xác phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật. Do đó, nếu một người mới chỉ đủ 17 tuổi 9 tháng, dù có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì không có quyền hiến bộ phận cơ thể của mình như thận, gan hay phổi cho người khác.
"Số lượng người đăng kí hiến tạng nhân đạo tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đang tăng dần. Điều này rất đáng mừng vì chứng tỏ đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận của cộng đồng, xã hội", bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu cho biết.