Theo TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Nội thận Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất, hiện bệnh viện đang chạy thận nhân tạo khoảng 200 bệnh nhân, theo dõi lọc màng bụng khoảng 100 trường hợp. Số còn lại có 10-20% bệnh nhân có chỉ định ghép thận để nâng cao chất lượng cuộc sống.
TS.BS Nguyễn Bách cho biết, đây là hai ca ghép thận đầu tiên tại viện, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy. "Những trường hợp bố mẹ, anh chị em ruột hiến thận thường rất thuận lợi về hòa hợp miễn dịch, thêm yếu tố tuổi còn trẻ nên khả năng hồi phục nhanh. Bệnh viện đã đưa ra các tiêu chí ghép thận để vừa phù hợp về chuyên môn, vừa mang tính xã hội, kinh tế sau ghép", bác sĩ nói.
Trường hợp đầu tiên là nam thiếu niên 17 tuổi (ngụ TP.HCM), bị hội chứng thận hư và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bệnh nhân không điều trị. Đến tháng 9/2021, em chuyển đến chạy thận tại Bệnh viện Thống Nhất và chạy thận trong vòng 6 tháng. Đến 10/5, em được ghép thận nhờ nguồn thận hiến từ mẹ (47 tuổi). Sau 8 ngày em được xuất viện, chức năng thận trở lại hoạt động bình thường.
Trường hợp thứ hai cũng là nam thanh niên 17 tuổi (ngụ TP.HCM), phát hiện suy thận khi 15 tuổi khi thấy người nhợt nhạt, mệt mỏi, chán ăn, hay đau bụng đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ kết luận suy thận, phải lọc máu chạy thận hai lần/tuần. Cuối năm 2021, em được chuyển đến nhập viện tại Bệnh viện Thống Nhất. Ngày 14/6, em được ghép thận từ nguồn tạng hiến của chính cha em. Ngày 24/6, em được xuất viện, chức năng thật tốt sau ghép và người cha hiện đã khỏe mạnh xuất viện sau một tuần nằm viện, chức năng quả thận còn lại rất tốt.
PGS.TS Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, sau thành công của hai ca ghép đầu tiên, bệnh viện sẽ duy trì thường xuyên, trở thành kỹ thuật thường quy, ban đầu có sự hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Giai đoạn đầu, bệnh viện sẽ ghép một ca/tháng để có thời gian chuẩn bị, theo dõi bệnh nhân sau ghép kỹ lưỡng. "Hiện các trung tâm ghép thận phát triển nhưng cũng không đáp ứng hết nhu cầu của người bệnh. Vì vậy, Bệnh viện Thống Nhất quyết tâm lên kế hoạch ghép tạng, ban đầu là ghép thận và tiến đến ghép gan, tim, phổi", PGS.TS Đỗ Kim Quế thông tin thêm.
PGS.TS Đỗ Kim Quế cho rằng, quan trọng sau ghép tạng là chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người bệnh được kéo dài.
PGS.TS Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, tại nhiều nước, nguồn hiến từ người chết não chiếm gần một nửa, giúp nhiều người bệnh có được nguồn tạng để ghép. Trong khi đó, nguồn thận hiến tại Việt Nam chủ yếu là người cho sống, khiến nhiều bệnh nhân không có cơ hội được tiếp cận. Phát triển nguồn tạng hiến người chết đang là mô hình các hội ghép tạng trên thế giới và Việt Nam hướng đến.
"Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ hỗ trợ Bệnh viện Thống Nhất trong 10 ca ghép đầu tiên, sau đó sẽ tiếp tục hỗ trợ những ca khó nếu cần. Ghép thận là phương pháp điều trị hiệu quả, chất lượng cao, chi phí thấp so với các phương pháp như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Nhiều người sau khi ghép thận đã đi học, làm việc bình thường, lập gia đình, sinh con khỏe mạnh, điều mà các phương pháp khác khó làm được", Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.