| Hotline: 0983.970.780

Một số việc cần làm để phục hồi canh tác bèo hoa dâu ở Việt Nam

Bèo hoa dâu có thể tham gia thị trường tín chỉ các bon

Thứ Hai 20/03/2023 , 13:30 (GMT+7)

Với truyền thống canh tác rất thành công bèo hoa dâu, Việt Nam không thể bị tụt hậu so với thế giới trong xu thế phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ hiện nay.

Báo Nông nghiệp Việt Nam mới có loạt bài "Bèo hoa dâu, thế giới đã thức tỉnh, sao Việt Nam vẫn bội bạc?", cung cấp nhiều thông tin hữu ích, mà rất tiếc đã phần nhiều bị sao nhãng lâu nay, về một loài thực vật hữu ích cho môi trường nói chung và canh tác nông nghiệp nói riêng. Chia sẻ về chủ đề này, tòa soạn nhận được bài của TS Phạm Gia Minh và xin gửi đến bạn đọc.

Chuyện trên thế giới

Ở Ấn Độ, nơi đất chật, người đông người ta trồng bèo trong các bể bạt đặt trên những khoảnh đất cằn cỗi không thể canh tác hoa màu hoặc xếp thành nhiều tầng mà vẫn đáp ứng được nhu cầu protein cho gia súc và gia cầm của nông hộ với chi phí thấp. Nếu Việt Nam trước đây có mô hình nông nghiệp tuần hoàn V.A.C do GS Từ Giấy đề xướng đã phát huy hiệu quả thì chính bèo dâu ở Ấn Độ đang là một bộ phận cấu thành của mô hình V.A.C hiện đại, phù hợp với điều kiện địa phương khi nông dân dùng phân bò bón bèo và bèo lại làm thức ăn cho bò, gà, cá đồng thời cung cấp phân bón cho rau, lúa.

Trong cuốn sách “Câu chuyện bèo hoa dâu - Azolla, một tiếng gọi từ tương lai” có dẫn ví dụ anh nông dân Ashish ở tỉnh Pataliputra hàng năm chỉ tốn có 1 USD mua lá cây neem để chống sâu bệnh cho bèo và phân chuồng từ 2 con bò của gia đình mà đã có thể thu hoạch một lượng bèo đủ để cung cấp cho đàn gia súc, gia cầm và bón rau giúp giảm đáng kể chi phí. Đấy mới chỉ là lợi ích của bèo dâu đối với hộ nông dân nhỏ, lẻ.

Empty

Hệ thống canh tác thẳng đứng tự động hóa cao của Aerofarms. Ảnh: NVCC.

Hiện nay ở một số nước công nghiệp phát triển người ta đã có các mô hình Azolla Biosystem (Hệ thống sinh học bèo hoa dâu) và Azolla Biohub (Trung tâm kết nối các hệ thống sinh học bèo hoa dâu). Những hệ thống này cho phép tạo ra các điều kiện tối ưu cho sự phát triển, sinh sản quanh năm của bèo hoa dâu phục vụ cho mục đích sản xuất quy mô lớn. Đầu ra của các hệ thống sinh học bèo hoa dâu là những sản phẩm đa dạng như phân bón, thức ăn gia súc, dược phẩm, nhiên liệu sinh học hay đơn thuần chỉ là hấp thụ CO2. Những hệ thống này có thể hình thành ngoài trời một cách tự nhiên hoặc lắp đặt trong nhà với kết cấu nhiều tầng, dùng ánh sáng led và tưới, tiêu, bón phân theo chương trình tự động.

Hiện nay các nhà khoa học đang thử nghiệm giống bèo hoa dâu lai có thể hấp thụ tới 60 - 70 tấn CO2/ha/năm. Từ lượng CO2 được bèo dâu hấp thụ có thể tính ra lượng dưỡng khí O2 mà bèo dâu nhả vào không khí giúp cải thiện môi trường sống. Đồng thời với hấp thụ CO2, bèo dâu còn cố định nitrogen khí trời, sản xuất ra khoảng 800 - 1.200kg đạm thực vật/ha/năm cho đồng ruộng.

Cơ quan NASA của Hoa Kỳ và một số cơ sở nghiên cứu ở Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Anh… đã làm thực nghiệm để rút ra những kết luận định lượng quan trọng: Mỗi ha bèo hoa dâu có thể hấp thụ 2.587kg CO2/năm (trong điều kiện lượng CO2 đạt nồng độ 338ppm của không khí thường) vậy là cao gấp 8 lần một ha rừng và 32 lần một ha cỏ tự nhiên. Nồng độ CO2 càng cao thì bèo hoa dâu lại hấp thụ được càng nhiều, cụ thể là ở mức 1.000ppm azolla sẽ hấp thụ 4.460kg CO2/ha/năm và ở mức 1.600ppm bèo dâu sẽ hấp thụ 6.569kg CO2/ha/năm.

Empty

Bèo hoa dâu ở châu Phi. Ảnh: NVCC.

Xác bèo giúp đất tơi xốp nên phục hồi sự phát triển của các loài tôm, cá… và chăn nuôi thủy cầm ở ruộng lúa. Khả năng cố định đạm từ khí trời của bèo dâu cao gấp 3 lần các cây họ đậu khác nhờ đặc điểm di truyền khác biệt của nó.

Không để Việt Nam tụt hậu

Trên cơ sở những phát hiện định tính của khoa học thế giới, chúng ta thử giả định Việt Nam có 4 triệu ha lúa nước cấy 2 vụ/năm và 4 tháng để ruộng trống mà được thả bèo dâu thì sẽ hấp thụ được ước chừng 10 triệu tấn CO2/năm và phát ra trên 7,2 triệu tấn O2. Lượng khí nhà kính này tương đương với công suất hấp thụ CO2 của 32 triệu ha rừng - một diện tích mà Việt Nam không thể có được. Với 4,8 triệu tấn đạm tự nhiên bón ruộng, đất trở nên tơi xốp, phì nhiêu và phục hồi hệ vi sinh vật cần thiết cho cây trồng cho các năm sau.

Jonathan Bujak - đồng tác giả cuốn sách 'Câu chuyện bèo hoa dâu Azolla - một thông điệp từ tương lai'. Ảnh: TS Phạm Gia Minh cung cấp.

Jonathan Bujak - đồng tác giả cuốn sách “Câu chuyện bèo hoa dâu Azolla - một thông điệp từ tương lai”. Ảnh: TS Phạm Gia Minh cung cấp.

Alexandra Bujak - đồng tác giả cuốn 'Câu chuyện bèo hoa dâu Azolla một thông điệp từ tương lai'.

Alexandra Bujak - đồng tác giả cuốn "Câu chuyện bèo hoa dâu Azolla một thông điệp từ tương lai".

Các sinh vật nhỏ sống ở ruộng nước như tôm, tép, cá, ốc, cà cuống… làm thức ăn cho người và các thủy cầm giúp phục hồi cân bằng hệ sinh thái tự nhiên vốn vắng bóng chim chóc và tôm tép, gián tiếp phục vụ ngành du lịch sinh thái. Giảm dần quá trình ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do lượng phân bón hóa học hấp thụ không hết thải ra môi trường gây ra hiện tượng phú dưỡng các nguồn nước, kích thích tảo độc phát triển, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và vật nuôi, cây trồng. Nông dân giảm được ít nhất 20% chi phí cho phân bón và thức ăn gia súc.

Để bèo hoa dâu sớm được phục hồi ở Việt Nam, cần khơi dậy động lực của các cơ quan ngành nông nghiệp, môi trường và của người nông dân. Động lực sẽ thức tỉnh khi lợi ích được nhận diện và tạo môi trường phát triển.

Ở cấp độ vĩ mô thì với những con số mặc dù mới chỉ là khái toán về lượng khí CO2 hấp thụ hàng năm cùng với những ích lợi về phân bón và cải thiện môi trường, rõ ràng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tại hội nghị COP 26. Chi phí của ngân sách vào khắc phục ô nhiễm môi trường cũng sẽ giảm.

Empty

TS Phạm Gia Minh bên một ruộng bèo hoa dâu. Ảnh: NVCC.

Ở cấp độ vi mô, nông dân nếu được giảm ít nhất 20% chi phí phân bón và thức ăn gia súc, đồng thời giá trị sản phẩm hữu cơ do họ làm ra sẽ cao hơn, dễ bán hơn do thêm sức cạnh tranh. Đó là chưa nói tới thu nhập bổ sung từ tôm, cá trên ruộng lúa hữu cơ do sử dụng bèo hoa dâu. Để đạt được những mục tiêu trên, thiết nghĩ phải có những giải pháp phù hợp về phương diện kỹ thuật, công nghệ và hình thức tổ chức mang tính cơ chế:

Về kỹ thuật và công nghệ

Cần tổng hợp lại các bài học kinh nghiệm dân gian cũng như phát hiện khoa học về canh tác bèo hoa dâu ở Việt Nam và trên thế giới, tiến tới hình thành một thư viện phong phú về Azolla.

Một ví dụ là bí quyết giữ giống bèo hoa dâu qua mùa nóng bằng cách trồng bèo trên bè chứa bùn thả trên ao dưới mái che nắng (do Nguyễn Công Tiễu phổ biến trong Khoa học Tạp chí tháng 3/1935)  hay cách ủ bèo để sâu, nấm chết mà cha ông ta đã áp dụng thành công. Vào những năm 1980 nhóm các nhà khoa học Việt Nam do TS Nguyễn Hữu Thước lãnh đạo đã tạo ra công nghệ sinh sản hữu tính và giống lai cho bèo dâu… mà ngày nay gần như đã thất truyền.

Khuyến khích dịch và viết thêm những tài liệu về canh tác bèo dâu, ứng dụng những công nghệ mới của thế giới dưới dạng dễ đọc, dễ hiểu và dễ ứng dụng, thậm chí kiểu như truyện tranh manga Nhật Bản. Huy động chất xám trong nước để sáng tạo ra các công cụ cơ giới hóa các khâu làm bèo như dập bèo, thu hoạch và sấy khô bèo theo công nghệ dùng năng lượng mặt trời, bón phân, rải thuốc trừ sâu, nấm bệnh trên bèo bằng thiết bị bay drone như đã phổ biến ở đồng bằng Nam bộ.

Ứng dụng công nghệ vi sinh như sử dụng các loại lợi khuẩn trong sản xuất các chế phẩm từ bèo dâu như phân bón, giá thể và thức ăn gia súc. Thu thập các giống bèo hoa dâu bản địa đồng thời du nhập có chọn lọc và tạo ra các giống bèo hoa dâu lai có tính chịu nhiệt, chịu mặn và năng suất cao, đồng thời xây dựng quỹ gen phục vụ công tác nghiên cứu lâu dài.

Các trường đại học có chuyên ngành nông nghiệp và môi trường nên đưa môn học về bèo hoa dâu vào chương trình đào tạo kết hợp với những kiến thức về thổ nhưỡng, nông hóa và sức khỏe của đất trồng.

Empty

Mô hình trồng bèo hoa dâu làm dược liệu ở Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Về hình thức tổ chức mang tính cơ chế

Ở tầm vĩ mô cần chính sách thúc đẩy canh tác bèo dâu trong đường lối chung là phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và thực hiện cam kết về giảm phát thải khi nhà kính tại hội nghị COP 26.

Do các HTX nông nghiệp với những tổ làm bèo ngày nay không còn nữa, thiết nghĩ trong cơ chế thị trường nên có những công ty chuyên sâu canh tác và kinh doanh bèo nhằm cung cấp giống và các vật tư trồng, tư vấn xây dựng và dịch vụ vận hành các hệ thống sinh học bèo theo hướng hiện đại, chế biến sâu để đưa ra thị trường các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh hình thức canh tác quy mô lớn vẫn nên duy trì các hình thức canh tác nhỏ, hộ gia đình có ứng dụng bèo hoa dâu theo mô hình V.A.C miễn là có hiệu quả.

Ngành thủy điện, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Bắc bộ cần có những điều chỉnh phù hợp lịch xả nước để thuận tiện cho việc canh tác lúa có kết hợp bèo hoa dâu. Xây dựng các quy chuẩn về tín chỉ các bon trong lĩnh vực canh tác bèo và chính sách khuyến khích nông dân tương tự như việc trồng rừng...

Việt Nam hoàn toàn có thể đề xuất UNESCO công nhận bèo hoa dâu - Azolla là một di sản vật thể của văn hóa lúa nước trên cơ sở những công nhận gần đây của giới học giả quốc tế cho rằng Việt Nam là nước đầu tiên đặt nền tảng khoa học cho việc kết hợp canh tác bèo hoa dâu với trồng lúa nước.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.