| Hotline: 0983.970.780

Bèo hoa dâu, thế giới đã thức tỉnh, sao Việt Nam vẫn bội bạc?

Đền thờ thần bèo và chuyện sản xuất bèo làm dược liệu

Thứ Tư 08/03/2023 , 07:37 (GMT+7)

Hỏi nhiều người trong ngành nông nghiệp ở phía Bắc về bèo hoa dâu đều được trả lời rằng không còn thả nữa, tôi đành tìm cái nôi của nó với hi vọng mong manh…

Lộc từ bãi nước bọt của nhà sư

Đó là làng La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình - nơi từng giữ bí quyết sản xuất giống bèo hoa dâu, vào vụ lúa có những nông dân đi bộ cả trăm cây số để đến đây mua cho bằng được. Người ta còn đồn rằng dân La Vân khấm khá nhờ nghề sản xuất bèo giống nên kiếm đủ mọi cách để giữ độc quyền. Gái làng khác về đây làm dâu phải thề độc không được tiết lộ bí mật ra ngoài, còn gái trong làng nay mai sẽ đi làm dâu nơi khác thì tuyệt đối không được biết đến. Ai mà phạm điều cấm kị sẽ bị thần bèo vật chết...

Trong một ngày xuân nắng trải vàng trên những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, tôi về thăm khu quần thể liên hoàn đình, đền, chùa La Vân. Ông Lê Quang Đấu - đại bái của làng buồn rầu bảo: “Bèo hoa dâu nay chỉ còn trong tưởng tượng của người dân mà thôi. Giờ những người già chúng tôi vẫn thỉnh thoảng nói chuyện với nhau: Rét thế này mà trước kia vẫn lội xuống ao làm bèo nhỉ?”.

Empty

 Ông Lê Quang Đấu - đại bái của làng La Vân, nơi có ngôi miếu giữ tục thờ cúng bằng bèo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Thầy cúng Lê Văn Ánh chuyên xem thẻ nơi đền thì kể thế kỷ 11 nhà sư Nguyễn Minh Không quê ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình khi đi qua đây thấy đất lành chim đậu mới dựng một cái am mái lợp bằng rạ gọi là Bảo Long để tu. Dân làng La Vân lúc đó rất nghèo nhưng thấy có am thì cũng đến cầu kinh, niệm Phật. Vì việc tu hành nhà sư phải đi nhiều nơi, khi rời La Vân ông không cho dân biết. Lúc trời gần sáng họ thấy ngài đội chiếc nón lờ qua cầu Hô bèn thiết tha gọi lại.

Ngài mới bảo dân làng ngửa tay ra rồi nhổ một bãi nước bọt vào và nói: “Dân làng đã quý trọng ta, nhớ đến ta thì ta cho một bãi nước bọt về cứ thế mà dựa vào để sinh sống”. Lạ lùng thay trong tay dân làng lúc này không phải bãi nước bọt nữa mà là một loại bèo nhỏ có những cánh bé li ti. Nghĩ là vật quý họ bèn kính cẩn mang về thả xuống ruộng. Chúng chẳng mấy chốc mà phủ kín, ngăn ngừa cỏ mọc, chống bốc hơi nước, còn mùa nóng, khi chết đi trở thành nguồn phân hữu cơ giúp cho mùa màng bội thu. Bèo hoa dâu chính là lộc nổi của dân làng.

Từ đó La Vân có nghề ương bèo. Cứ cuối hạ vào thu người già lại bảo con cháu dọn sạch các ao chuôm để chuẩn bị thả bèo. Việc kéo ao, đánh ao là của trai tráng, còn đàn bà cơm nước phục vụ. Những người kinh nghiệm nhất đi mót những cánh bèo còn sót lại trên đồng rồi ngồi tỉ mẩn chọn ra những cây to, khỏe nhất thả xuống cái khung vuông bằng thân nứa đặt ở ao. Họ còn đi nhặt phân chó bỏ vào rọ, đặt xuống để bèo ăn mà lấy sức vượt qua những ngày giá buốt.

Empty

Ông Lê Quang Đấu - đại bái của làng La Vân đang thắp hương trong ngôi miếu làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi bèo trong ao chật kín cũng chưa thể đem bán nếu như làng chưa tế phủ bình ở miếu. Hàng năm cứ đến ngày 10 tháng 10 âm lịch, để nhớ về sư Nguyễn Minh Không đã ban cho một cái nghề nuôi sống dân làng, La Vân lại tế phủ bình. Tất cả phường bèo của các thôn phải sắm lễ ra trình gồm một cái thủ lợn, một hộc xôi và không thể thiếu một chậu bèo hoa dâu. Tế xong thì khách đến mua mới được bán, còn gia đình nào lén lút bán, lý trưởng bắt được sẽ phạt rất nặng.

Người ta bán bèo theo từng lào một. Lào tựa như cái rổ con, mỗi cái đổ đầy nặng chừng 1kg bèo, quy ra thóc khoảng 10kg. Nhà thầy cúng Ánh nhiều đời làm bèo, từ ông nội, bố rồi đến khi bản thân khi 17 tuổi đã bắt đầu gánh bèo đi chợ bán. Sau này các hợp tác xã phát triển, người ta đổ về La Vân mua bèo rất nhiều, họ không còn đong bằng lào nữa mà bằng rổ, mỗi rổ bằng 10 - 15 lào tùy kích cỡ.

Ông còn nhớ rõ cứ đến vụ chủ nhiệm hợp tác xã ở tận huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương lại chở hàng công nông thóc đến để đổi bèo. Ai không có thóc thì mua bằng tiền. Bấy giờ xe đạp còn hiếm, người ta toàn đi bộ đến nhà ông ngủ, cả gia đình phải nhường chăn, nhường chiếu, làm cơm cho họ ăn. Sáng hôm sau đong xong bèo họ lại kĩu kịt gánh về. Những giọt nước nhỏ tong tong từ dưới rổ bèo tưới ướt con đường làng kéo dài ra tận ngoài đường cái.

Mỗi năm chỉ có một vụ bèo, đến Tết khi lúa chiêm cấy xong là hết. Trong làng, những nhà có ao bèo giống thì có của ăn của để, thịt gà, cá gỡ đủ kiểu, chỉ hai tháng mà thu được vài tạ đến cả tấn thóc, cất được nhà gạch trong sự khát thèm của những nhà không có ao.

Empty

Thu hoạch bèo hoa dâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Ánh giải thích, bấy giờ nông dân cấy giống lúa dài ngày thì mới dùng bèo hoa dâu được, chứ cách đây hơn 20 năm chuyển sang cấy giống ngắn ngày, gieo vãi hay mạ sân, cây ngắn, dâng nước lên thả bèo vào dễ che mất cả mạ. Thêm vào đó là việc bón phân hóa học rất tiện dụng thành ra nông dân lười thả bèo, nghề sản xuất bèo giống bị tuyệt chủng.

Giờ làng La Vân vẫn giữ lệ tế phủ bình ở miếu vào ngày 10 tháng 10 nhưng bèo hoa dâu đã rất hiếm rồi nên phải cho người đi mót ở các thửa ruộng còn sót về thả vào chậu. Lúc tôi đến, một chút bèo hoa dâu vẫn còn đang thoi thóp sống trên đám cát cạnh miếu. Đó là đám bèo của ngày hội làm trò ngày mồng bốn vừa rồi, trong đó nghề nông phải trình diễn cấy lúa và những đám đất dính với rễ mạ vẫn còn sót ít hạt giống bèo. Dưới ánh nắng hanh hao của mùa xuân chẳng mấy chốc chúng sẽ bị chết khô ở trên cạn, trong khi năm xưa đó cũng là thời điểm mà nông dân tấp nập thả bèo xuống ruộng.

Những cơn mưa làm mất cả trăm triệu

Trong khi tìm đỏ mắt chưa thấy nơi nào còn thả bèo xuống ruộng lúa thì tôi được thạc sĩ Đỗ Văn Hùng - giảng viên trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình dẫn xuống 1 trong 3 điểm đang hợp tác để sản xuất bèo làm dược liệu. Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy những thửa ruộng mênh mông toàn bèo hoa dâu như vậy. Khẽ chạm tay vào mấy cánh bé tí xíu, tôi như tìm lại người bạn ấu thơ của mình.

Empty

Anh Nguyễn Đức Dụ đang dập bèo cho cánh tan ra, nhanh đẻ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đây là năm thứ hai anh Nguyễn Đức Dụ ở xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình thả bèo làm dược liệu, cứ 20 ngày lại thu 1 lứa, tính ra mỗi năm được khoảng 10 lứa vì khi trời nóng bèo rất khó phát triển. “Năm 2022 tôi thả 2 mẫu, thu khoảng 100 triệu trong đó lãi 70 triệu nên năm nay mở rộng lên 8 mẫu. Vừa qua, tôi đã thu 2 lứa, được 7 tấn, còn lứa này mưa liền trong cả tuần khiến cho bèo bị nấm bệnh nhiều, phải thu non, được 1,5 tấn, rồi tháo nước, dùng vôi xử lý lại mặt ruộng…”. 

Người ta dùng cái dây dài cả trăm mét kết với các chai nước để nửa nổi nửa chìm kéo bèo vào như kéo cá, để nước róc vợi rồi mang phơi. Phơi bèo không thể chạy được như thóc vì diện tích quá lớn, kể cả mang về được đi chăng nữa nhưng đang ẩm mà chất đống cũng sinh nhiệt, chuyển màu, phải đổ bỏ. Phơi bèo cũng không được cho xe đi qua bởi làm cho nhựa chảy ra, khi nấu cao không đảm bảo. Trong bèo có khoảng 93% là nước nên phơi xong có cảm giác như bị trộm. Bởi thế cả tuyến đê sông Luộc rộng 3m dài 400m phủ kín bèo mà anh Dụ chỉ thu được cỡ 1 tạ khô. Sau thu hoạch phải dập bèo bằng một thanh tre dài với lực vừa phải, sao cho cánh bèo tách nhau ra nhưng lại không được nát. Dập càng nhiều thì bèo càng đẻ khỏe.

Empty

Thạc sĩ Đỗ Văn Hùng đang xem xét tình trạng bèo bị thối rễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thạc sĩ Hùng kể, năm 2014 anh thả 2 mẫu, đầu tư cả máy sấy, thu nhập cũng khá. Nhưng sản xuất được 1 năm, không thấy công ty dược thu mua nữa nên bỏ bẵng một thời gian, năm ngoái họ lại điện thoại đặt vấn đề hợp tác.

Anh nói: “Trong quá trình bị dừng thu mua, tôi không giữ được giống nữa. Sau khi ký lại hợp đồng tôi đi khắp các cánh đồng nhưng chủ yếu về xã Quỳnh Hồng - chỗ có đền thờ thần bèo, gặp cây nào liền lấy bay gẩy lên, mất 3 tuần mới thu được một rổ. Giờ bèo tổ ong, bèo cái phát triển mạnh, lấn át hết bèo hoa dâu, vả lại giống này rất nhạy cảm với thuốc trừ cỏ.  

So với các loại bèo khác như bèo tấm, bèo tổ ong, bèo lục bình, bèo cái… thì bèo hoa dâu nhân rất nhanh, cứ sau 4 ngày lại gấp đôi nhưng yếu hơn, khi gặp điều kiện bất lợi sẽ ngừng phát triển hoặc nhiễm bệnh ngay. Hiện chưa có tài liệu nào hướng dẫn việc xử lý sâu bệnh trên bèo cả. Gây hại rất nhanh cho bèo là sâu xanh, sâu tơ, tuy nhiên vì là nguyên liệu để bào chế dược liệu nên tôi chủ yếu dùng thuốc sinh học, nếu dùng thuốc hóa học phải trước thời điểm thu hoạch 15 ngày. Bệnh nguy hiểm nhất là khô vằn và đen rễ, thối nhũn, rất khó chữa.

Anh Hùng cũng thử nghiệm cho gà, vịt ăn bèo hoa dâu tươi nhưng phải tẩy giun sán liên tục. Trong bèo có nhiều vi sinh vật nên khi ăn tươi gia cầm cũng hay bị bệnh về đường tiêu hóa.

Empty

Anh Nguyễn Đức Dụ phơi bèo làm dược liệu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vì bèo không như các nông sản khác ăn được, dễ bán nên khi hợp tác ngoài ký hợp đồng phải đặt cọc một khoản tiền. Tiêu chuẩn của bèo hoa dâu dùng để làm thuốc là tạp chất dưới 1%, xanh tự nhiên, không có dư lượng trừ sâu. Một số công ty muốn mua bèo về làm phân nhưng giá thấp quá, chỉ 10.000 - 15.000 đồng/kg nên tôi không chấp nhận”. (Còn nữa)

Xem thêm
Bộ NN-PTNT làm việc với JICA Việt Nam về các dự án hợp tác nông nghiệp

Sáng 19/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc cùng JICA Việt Nam. Lãnh đạo hai bên có những trao đổi quan trọng về các dự án hợp tác nông nghiệp.

Ứng phó bão số 4: Dân không chấp hành lệnh sơ tán sẽ cưỡng chế

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương sẽ cương quyết cưỡng chế trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán dân trước sự cố khẩn cấp.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hàng viện trợ khẩn cấp từ Singapore sẽ chuyển đến Bắc Kạn ngày 20/9

Hàng viện trợ khẩn cấp bao gồm bơm lọc nước, thùng nước đóng chai, bộ vệ sinh cá nhân, chăn cứu sinh, can đựng nước, khẩu phần suất ăn.