Nấu cao từ bèo hoa dâu để bào chế thuốc
Ấy vậy mà khi tôi nhắc đến bèo hoa dâu, mắt bà Lê Thị Hà chợt ánh lên những tia sáng kỳ lạ. Bà kể, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa xưa có Trung tâm Nghiên cứu bèo hoa dâu, ngoài hai giống nội có nhập cả giống bèo từ Viện Lúa quốc tế về vì giống của ta năng suất thấp, chịu nóng kém. Khi ấy ông Nguyễn Thanh Dương chồng bà đang là tiến sĩ, dạy ở Khoa Chăn nuôi của trường Đại học Nông nghiệp I còn bà đang ở Ủy ban Nông nghiệp huyện Kiến An, TP Hải Phòng. Bà muốn về Hà Nội để đoàn tụ gia đình nhưng họ ra điều kiện nếu ông chuyển về Trung tâm Nghiên cứu bèo hoa dâu thì bà mới có hộ khẩu Thủ đô được:
“Đó là một sự đánh đổi vì chồng tôi rất mê dạy, nghiên cứu và trường Đại học Nông nghiệp I cũng muốn giữ ông, còn bèo hoa dâu hồi đó thì đang đi vào đà lụi bại bởi phân hóa học nhập về rất rẻ, dùng rất tiện. Tôi về Trung tâm Nghiên cứu bèo hoa dâu năm 1983, lúc đó ông bắt đầu nghiên cứu chuyển hướng ứng dụng bèo vào làm thức ăn cho trâu bò và gia cầm.
Một đề tài nghiên cứu chỉ có ít tiền, phải chắt chiu, dè xẻn nên ông đành nhờ những học sinh hay bạn của mình để mua được giống với giá rẻ. Khi nuôi gà thí nghiệm, dù nhà ở rất gần cơ quan nhưng tôi chỉ về vào buổi đêm. Hễ lúc nào trời chuyển gió là phải thức trắng để chăm sóc gà bởi để chúng rét là các thông số thí nghiệm đã bị sai rồi.
Sau thí nghiệm, chúng tôi liên hệ với Trại gà cầu Diễn, Trại gà Nhân Lễ ở Hà Nội để xin thử nghiệm. Lúc đầu họ sợ bị sụt sản lượng nên phải làm hợp đồng ghi rõ nếu giảm thì phải đền, còn nếu tăng thì được hưởng phần trăm. Kết quả, số lượng trứng loại một tăng, tỷ lệ con giống loại một tăng nhưng chúng tôi không được hưởng thêm phần trăm như đã ký kết mà ông Dương cũng chẳng có ý kiến gì. Nhà có bốn miệng ăn, chồng mấy năm làm Giám đốc Trung tâm cũng chỉ say sưa nghiên cứu, một mình tôi ngoài thí nghiệm phải lăn ra làm như một nông dân thực sự, nuôi gà, nuôi lợn để bán, lo cho gia đình.
Từ sự khả quan thử nghiệm trên vật nuôi của chúng tôi, bên Học viện Quân y mới có ý tưởng ứng dụng chế phẩm chiết xuất từ bèo hoa dâu cho nhân y. Xưa người ta đưa nhiều loại cây lên vũ trụ đều không thành công nhưng ông Phạm Tuân đưa bèo hoa dâu thì lại sống được, chứng tỏ nó có chất chống lại phóng xạ…”.
Trong dân gian từ xưa đã có những bài thuốc được đúc kết từ sự quan sát của con người xem các con vật ăn những gì mà không chết, ngược lại có thể khỏi được bệnh hay lành được vết thương, khỏe lên trông thấy thì thử dùng. Sau năm 1975, Học viện Quân y đã bắt đầu nghiên cứu về phylamin chiết xuất từ bèo hoa dâu.
Khi chiếu xạ toàn thân trên chuột rồi cho chúng uống phylamin thì tỷ lệ sống sót sau 30 ngày là 22,3%, trong khi lô đối chứng không uống chết 100%. Khi cho các bệnh nhân chiếu xạ sau khi điều trị ung thư uống phylamin thì 18/20 người lúc ra viện thể trạng tốt, trong khi đối chứng không uống là 8/20. Khi cho 158 bệnh nhân ung thư hạch, phổi, tiêu hóa uống phylamin kết quả sức khỏe tốt lên, nhiều người sống được quá 5 năm.
Người ta còn thử nghiệm hiệu quả tăng lực bằng cách để chuột vào chiếc chuông nước bơi đến kiệt sức rồi cho uống phylamin và nghỉ 1 giờ, sau đó bơi tiếp, so sánh lần bơi thứ 2 với lần. Kết quả khá mỹ mãn.
Việc ứng dụng bèo hoa dâu vào trong nhân y qua ba giai đoạn: Giai đoạn một, thực hiện từ năm 1982 - 1991 chọn giống bèo hoa dâu, sơ chế thuốc (phylamin), phân tích thành phần hóa học, tính chất dược lý. Giai đoạn hai từ năm 1991 - 1995 chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước nghiệm thu đạt xuất sắc. Giai đoạn ba từ năm 1996 - 1998 chương trình nghiên cứu cấp Bộ nghiệm thu đạt xuất sắc.
Qua nghiên cứu 1.236 động vật thí nghiệm và hàng trăm bệnh nhân kéo dài ngót 20 năm người ta đã nhận ra bèo hoa dâu có 3 tác dụng chính: Tăng cường sức đề kháng, miễn dịch; Phòng chống tác hại của chất phóng xạ (năm 1986 Việt Nam từng gửi thuốc bào chế từ bèo hoa dâu cho Liên Xô để chữa trị các bệnh nhân bị nhiễm xạ trong vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl) hay dùng cho các bệnh nhân ung thư phải chiếu xạ. Nó có giá rất rẻ, mỗi năm với mấy trăm ngàn người mắc ung thư, nếu dùng Việt Nam sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn; Tăng khả năng sinh sản cho đàn ông.
Năm 1994 Cục Sở hữu Công nghiệp đã cấp bằng độc quyền sáng chế cho 3 tác giả gồm Lê Thế Trung, Trần Văn Hanh (Học viện Quân y) và Nguyễn Thanh Dương (Trung tâm Nghiên cứu Bèo hoa dâu) về phương pháp sản xuất thuốc phylamin từ bèo hoa dâu. Họ và các đơn vị nghiên cứu được hưởng một tỷ lệ trích lại từ việc sản xuất thuốc. Đến năm 2009 thì bằng độc quyền sáng chế hết hạn, công nghệ được chuyển giao cho ngành dược sản xuất mà không cần bản quyền.
Sau khi bà Hà về hưu thì bên dược liệu mới hợp tác để sản xuất bèo hoa dâu. Có những năm bà đạt sản lượng 30 tấn khô, thu nhập tới 400 triệu, gấp cả chục lần lúc còn làm. Chỉ 2 năm nay sức khỏe yếu bà mới phải nghỉ nhưng câu chuyện về bèo vẫn thôi thúc ở bên trong: “Tôi đã từng có ý tưởng nuôi bèo hoa dâu để ăn sống nhưng gặp vấn đề là bèo sinh trưởng ở môi trường bùn nước nên có mùi đặc trưng như “cám lợn”; thứ hai là dễ nhiễm sâu bệnh, trứng giun các loại. Nếu nuôi trong môi trường nước sạch, sử dụng phân bón dạng dung dịch thì có thể ăn sống được.
Lúc bé, còn ở quê Thanh Hóa, chính mấy chị tôi đã rửa sạch bèo hoa dâu, giã ra rồi làm bánh khúc. Ăn cũng khá dù mùi không thơm tho gì, tuy nhiên phải nghĩ đến tác dụng làm thuốc của nó chứ không chỉ nghĩ đến ngon. Ba đồng tác giả của sáng chế dùng bèo làm thuốc hiện đều đã mất trong đó ông nhà tôi mất cuối cùng. Đôi lúc tôi lại nghĩ đến những đêm thức trắng, một mình bên hai chảo quân dụng nấu bèo bằng than kíp lê, một thùng chiết chạy điện để chiết xuất dịch phylamin làm trà Bảo Thọ”.
Thằng nào còn thì vẫn phải uống trà Bảo Thọ nhé
Câu chuyện của bà Hà khiến cho tôi chú ý đến một dòng trà độc đáo nhất Thế giới vẫn đang len lỏi tồn tại ngay giữa lòng Hà Nội này mà nhiều người Việt không hề biết. Sau vài cú điện thoại, cuối cùng tôi cũng gặp được truyền nhân của dòng trà ấy, anh Đoàn Hùng Sơn - Trưởng phòng Kỹ thuật của Tổng Công ty Chè Việt Nam. Khẽ nhấp chén trà màu đỏ hồng, bốc khói thơm nghi ngút trong tiết trời xuân tôi nhận thấy vị ngọt dịu lạ nơi cổ họng.
Anh kể: “Ngoài chế viên nang làm thuốc người ta còn nghiên cứu đưa phylamin chiết xuất từ bèo hoa dâu vào chè để thành một thức uống. Bố tôi là Đoàn Hùng Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chè là chủ nhiệm đề tài này. Khi tẩm ướp phylamin vào nhiều loại như chè xanh, chè đen thì ông nhận thấy chè đen (hồng trà) hợp lý hơn cả. Khi tẩm phylamin vào chè nó có mùi hơi ngai ngái nên phải đấu thêm một số thứ như cỏ ngọt, đinh hương… để làm chất điều vị. Cái tên trà Bảo Thọ do bố tôi nghĩ ra ra bởi ông thấy nó tốt cho sức khỏe, tăng tuổi thọ, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư. Tại lễ hội chè lần thứ nhất trà Bảo Thọ đã giành được huy chương vàng.
Lúc đỉnh cao, quãng năm 1999 - 2000, bố tôi mỗi lần sản xuất cỡ vài tấn. Tôi học kiến trúc, tiếp nối niềm đam mê trà của bố nên về Tổng Công ty Chè Việt Nam làm. Giờ tôi duy trì việc sản xuất trà Bảo Thọ, mỗi năm làm khoảng 5 đợt, mỗi đợt cỡ 1 tạ cho những người truyền tai nhau, đã quen uống chứ chưa có bán trên thị trường, mà đúng ra không đủ điều kiện bán vì chưa đăng ký. Mỗi kg chỉ có 500.000 đồng, lợi nhuận chỉ vừa đủ bù đắp chút chi phí sản xuất.
Đầu tiên là người ta thử nghiệm trên chuột rồi mới thử nghiệm trên người, sau một thời gian đo đạc thấy hiệu quả rõ rệt chỉ sau 1 - 2 tháng uống trà Bảo Thọ.
Những ai đã trải nghiệm trà Bảo Thọ đều thấy uống vào cảm thấy trong người nhẹ nhàng, khỏe mạnh. Như bố tôi dùng rất đều trong suốt 30 năm, một lần đi ngoài ra máu, khám thì mới biết là ung thư đại tràng. Bác sĩ nói khối u đã định hình trong người ông cỡ 5 - 7 năm rồi nhưng không lan ra bất kỳ chỗ nào cả, rất lạ. Phẫu thuật xong là ông trở lại bình thường, đến năm 85 tuổi mới mất nhưng không phải do ung thư mà do tai biến.
Trong nhóm nghiên cứu về trà Bảo Thọ có bố tôi và các ông Lê Thế Trung, Trần Văn Hanh, Nguyễn Thanh Dương, Phạm Khuê… Sau này, về già, mọi người đến thăm lúc đã ốm yếu lắm rồi nhưng ông Lê Thế Trung vẫn bảo rằng: “Thằng nào còn là vẫn phải uống trà Bảo Thọ nhé”. Không hề được quảng bá nhưng tới bây giờ vẫn có những người đến tận nhà tôi để hỏi mua trà Bảo Thọ. Về sau họ gọi điện bảo ship hàng tiếp, địa chỉ hóa ra toàn là cán bộ cũ trong Học viện Quân y hay Bệnh viện 103, những người đã tiếp xúc với trà Bảo Thọ từ hồi còn làm việc. Điều đó khiến cho tôi cảm thấy vui nhưng cũng thấy tiếc cho một sản phẩm có tác dụng tốt mà lại được ít người biết đến”. (Còn nữa)