Trong khi tất cả các sản phẩm chăn nuôi đều rơi cảnh suy giảm, thì bất ngờ kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂCN từ đầu năm đến nay lại tăng “khủng” gần 40%! Giới trong ngành đều tỏ ra bất ngờ và khó lý giải được hiện tượng khá bí ẩn này…
CHUỒNG “TREO”, TĂCN VẪN ĐỔ VỀ!
Hiện tượng bất thường về độ vênh giữa tình hình chăn nuôi ảm đạm trong nước, với diễn biến sôi động của thị trường nhập khẩu nguyên liệu TĂCN đang gây “cú sốc” cho rất nhiều người.
Cụ thể, theo Bộ NN-PTNT, chăn nuôi từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Đàn heo của cả nước khôi phục chậm do giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá bán heo giảm, một số gia trại, trang trại phải thu hẹp quy mô nuôi. Ước tính tổng số heo của cả nước hiện có khoảng 26,5 triệu con, giảm 0,52% so với cùng kỳ năm 2012.
Tương tự, chăn nuôi gia cầm cũng trong hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, giá gà thịt công nghiệp xuống thấp từ năm 2012 và tiếp tục kéo sang những tháng đầu năm 2013. Giá bán thấp trong khi chi phí đầu vào vẫn ở mức cao dẫn đến thua lỗ, người chăn nuôi không thể cầm cự lâu hơn nên trong khoảng 3 tháng trở lại đây một số trang trại đã phải giảm đàn hoặc bỏ trống chuồng. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước hiện đạt khoảng 304,5 triệu con, giảm 2,01% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước suy giảm, thì bất ngờ, tổng giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong 6 tháng đầu năm 2013 lại đạt tới 1,49 tỷ USD, tăng “khủng” 39,6% so cùng kỳ năm trước.
Một nghịch lý nữa là giá bán heo, gà trong nước đều giảm mạnh (có thời điểm giảm 30 – 40%), nhưng giá TĂCN liên tục đi lên. Cụ thể, giá các loại nguyên liệu TĂCN thuộc nhóm giàu năng lượng và giàu đạm đều tăng, trong đó có một số nguyên liệu tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2012, cụ thể: bột cá tăng 41,5%, khô dầu đậu tương tăng 24%, một số nguyên liệu tăng nhẹ như sắn lát tăng 8,2%, cám gạo tăng 3,7%, ngô tăng 3,6%.
Tương tự, giá TĂCN thành phẩm cũng tăng 8,0% đối với thức ăn hỗn hợp cho gà thịt và tăng 10,2% đối với thức ăn hỗn hợp cho heo thịt.
Sự đối nghịch giữa giá thức ăn và giá bán sản phẩm chăn nuôi nêu trên đã dẫn đến tình trạng thua lỗ, phá sản của rất nhiều gia trại và trang trại tại VN.
Từ đây, một câu hỏi đặt ra: Tại sao trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm rất mạnh nhưng kim ngạch nhập khẩu TĂCN lại tăng rất cao? Liệu có phải các DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tiềm lực tài chính mạnh “đánh hơi” được cơ hội (do nhiều DN trong nước phá sản) nên tăng cường nhập khẩu dự trữ, chờ thời cơ tung hàng ra bán chiếm lĩnh thị trường?
CƠ HỘI “VÀNG” CỦA DN FDI?
Trao đổi với NNVN, ông Phạm Đức Bình – Tổng Giám đốc Cty CP Thanh Bình (Đồng Nai) chuyên về chăn nuôi và kinh doanh thức ăn giá súc, gia cầm nói: “Tôi thấy điều này rất lạ, tất cả các DN kinh doanh TĂCN đều giảm lượng bán trung bình vài chục phần trăm. Bản thân Cty tôi cũng giảm 30% lượng thức ăn bán ra so với cùng kỳ. Đã có nhiều người hỏi tôi chuyện này mà tôi cũng không hiểu vì sao, không thể giải thích được!”.
Ông Bình khẳng định, Cty ông đã dần chuyển sang nguyên liệu nội địa, hạn chế phụ thuộc hàng ngoại nên kim ngạch nhập khẩu cũng giảm theo.
Để tìm hiểu về tình hình tại DN FDI, PV đã liên hệ với ông Chamnan Wangakkarangkul – Phó Tổng Giám đốc Cty CP Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin từ vị Phó Tổng giám đốc cũng rất mơ hồ, chung chung, khi ông cho biết: “Lượng TĂCN Cty CP tiêu thụ từ đầu năm đến nay cũng không tăng hay giảm gì đột biến cả!”.
Tất nhiên thông tin này chỉ mang tính tham khảo, chưa thể kiểm chứng được, nhưng ai cũng biết Cty CP chính là DN FDI có nhà máy chế biến TĂCN đạt sản lượng hàng đầu tại VN (trên 700.000 tấn/năm). Mỗi động thái tăng hay giảm nhập khẩu, chế biến TĂCN của DN này đều tác động rất lớn đến ngành chăn nuôi nước ta.
Cuộc “tổng tấn công” của DN TĂCN FDI sẽ diễn ra cuối năm nay?
Trong khi đó, trao đổi với NNVN về hiện tượng bất thường này, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội TĂCN VN đưa ra nhiều lý giải khác nhau: Trước hết là 6 tháng đầu năm chưa vào mùa bão lụt (khu vực biển Bắc và biển Nam) thuận lợi cho tàu thuyền vận chuyển nguyên liệu TĂCN từ các nước về VN. Thứ hai, mùa vụ thu hoạch nông sản (nguyên liệu TĂCN) ở các nước rơi vào những tháng đầu năm, họ đẩy mạnh bán ra cho các nước khác có nhu cầu với giá bán đầu vụ thấp hơn, vì thế các DN cũng tăng cường nhập khẩu.
Ông Lịch nói: “Chăn nuôi cũng như lúa gạo, con người vẫn phải có nhu cầu ăn thịt nên DN họ nhập TĂCN về vẫn bán được chứ. Nhất là khi khó khăn của nền kinh tế, theo tôi, dường như đã chạm đáy rồi, giờ đang nhích lên, giá heo gà cũng đang đi lên. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách, đặc biệt là tín dụng cho nông dân vay khuyến khích phát triển xuống còn 9 – 11%. Đây là tín hiệu tốt, báo hiệu ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi sẽ tốt hơn. Các DN họ rất nhạy, thấy chính sách cho nông dân vay ưu đãi là họ tìm thấy cơ hội mới cho mình ngay!”.
Về câu hỏi, liệu có phải DN FDI đang ồ ạt nhập khẩu nguyên liệu TĂCN về “ém hàng” chờ thời cơ? Ông Lịch cho rằng, từ trước đến nay các DN FDI luôn nhập khẩu nguyên liệu TĂCN nhiều hơn các DN trong nước (chiếm 60 – 65%). Các DN FDI là những tập đoàn đa quốc gia và lớn mạnh nhất thế giới đều đã có mặt tại VN, họ nắm bắt tình hình rất nhanh nhạy.
Trong bối cảnh nguyên liệu TĂCN trong nước chỉ mới tự túc được 35 - 40%, hàng nhập khẩu mỗi năm đổ về VN rất lớn, việc các DN FDI đẩy mạnh nhập khẩu thời gian qua cũng là bình thường.
Một nguồn tin khác của NNVN cho thấy, việc bỏ ra gần 1,5 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu TĂCN trong 6 tháng đầu năm 2013, chủ yếu vẫn rơi vào DN FDI. Tại sao? Theo hồ sơ của PV, toàn bộ 132 DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực TĂCN do người VN làm chủ sở hữu đều đang gặp khó về tài chính. Tất cả các DN này đều thiếu vốn nhập khẩu nguyên liệu, thiếu vốn mở rộng thị trường và cần được khoanh nợ, cũng như cho vay mới để phát triển và mở rộng sản xuất (đặc biệt thời điểm quý I/2013).
Ngoài ra, chỉ nội trong năm 2012 đã có khoảng 40 DN thuộc sở hữu người VN phải đóng cửa nhà máy hoặc ngưng sản xuất vì “sóng gió” đã quá sức chịu đựng.
Ngược lại, khoảng 15 DN FDI và liên doanh đang sở hữu 44 nhà máy, sản xuất trên 7 triệu tấn thức ăn hỗn hợp quy đổi, chiếm trên 56% thị phần cả nước vẫn đang âm thầm “lấp chỗ trống” (do các DN trong nước ngưng hoặc giảm sản xuất). Để thực hiện được điều này, các DN FDI đang sử dụng sức mạnh tài chính vượt trội và khả năng kinh doanh hết sức bài bản để thực hiện chiến lược: Khó khăn của DN VN đồng nghĩa với cơ hội “vàng” để các DN FDI mở rộng thêm thị phần và dần tiến tới mục tiêu chiếm lĩnh thị trường VN!