| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết giữ gìn hôn nhân hạnh phúc của cặp đôi chồng 91 vợ 38 tuổi ở Hà Nội

Chủ Nhật 10/02/2019 , 12:43 (GMT+7)

Gần 12 năm kết hôn, ông Trọng vẫn duy trì thói quen vào bếp giúp vợ nấu ăn hoặc rửa bát mỗi khi vợ bận. Ông thuộc từng sở thích ăn uống, khẩu vị mặn nhạt của người vợ trẻ. Với ông, giúp đỡ vợ việc nhà vừa là bổn phận vừa là trách nhiệm thể hiện sự quan tâm đến gia đình.

12 năm kết hôn chưa bao giờ cãi vã

Chuyện tình của ông Nguyễn Hữu Trọng (sinh năm 1928) và người vợ trẻ Đinh Thị Thoan (sinh năm 1981) ở Yên Sơn (Ba Vì, Hà Nội) được đánh giá là câu chuyện tình kỳ lạ, “có một không hai” ở Việt Nam. Thời điểm làm đám cưới, ông Trọng đã bước sang tuổi 80 còn chị Thoan mới 28 tuổi.

Dù nhận không ít lời bàn tán, châm chọc vì chuyện tình “đũa lệch” thế nhưng cho đến nay, sau 12 năm kết hôn, ông Trọng và vợ vẫn chung sống hạnh phúc. Trái ngọt của cuộc hôn nhân đặc biệt này là hai bé Kim Phúc (11 tuổi) và Hữu Đức (8 tuổi) xinh xắn, thông minh.

Gia đình hạnh phúc của ông Trọng và người vợ trẻ kém 53 tuổi

 

Vợ chồng ông Trọng hiện sống trong một căn nhà khang trang, bề thế nằm trên khu đất rộng 30.000m2 ở Yên Sơn (Ba Vì). Hàng ngày, ông Trọng khám chữa bệnh Đông Y và điều hành trang trại hữu cơ cung cấp thực phẩm sạch ra thị trường. Ở tuổi 91, người đàn ông này trông vẫn trẻ trung, làn da trắng hồng, dáng đi khoan thai và giọng nói hào sảng.

Những ngày đầu năm Kỷ Hợi, căn nhà vợ chồng ông Trọng tấp nập khách vào ra, một phần là bệnh nhân đến chữa bệnh một phần là những người bạn thơ đến chơi, chúc Tết.

Trong khi chồng bận rộn nói chuyện với bạn bè ở trên nhà, chị Thoan – người vợ trẻ của ông Trọng tất bật nấu nướng dưới bếp. Dù cách biệt tuổi tác, nhưng vợ chồng ông vẫn rất tình cảm, lãng mạn. Người đàn ông 91 tuổi thường xuyên dành cho vợ những cử chỉ ân cần, quan tâm. 

Hơn 10 năm kết hôn, cặp vợ chồng lệch tuổi vẫn dành cho nhau sự quan tâm, lãng mạn như thuở đầu mới yêu

 

Thỉnh thoảng, được bạn bè yêu cầu, ông Trọng lại nắm tay vợ dẫn lên nhà giới thiệu với khách quý. Cặp đôi lệch tuổi này không xưng hô với nhau là “anh – em” mà gọi nhau một cách yêu thương là: ba và mẹ bọn trẻ. 

Hơn 10 năm kết hôn, ông Trọng hạnh phúc cho biết, vợ chồng ông chưa khi nào cãi vã, giận hờn nhau: “Chúng tôi tranh luận thì có chứ chưa bao giờ cãi vã. Tôi luôn nói với vợ, em hãy nghe anh nói 3 lần rồi hãy nói lại. Ngược lại, tôi là đàn ông nên luôn tự dặn lòng sẽ nghe vợ nói 5 lần, nếu không hợp lý thì mới nói lại. Chính vì luôn biết nhẫn nại, nhường nhịn nhau nên vợ chồng tôi ít khi to tiếng”, ông Trọng nói.

Mỗi ngày ông Trọng thường dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị công việc. Người vợ trẻ của ông phụ trách việc nấu nướng, đưa đón các con đi học. “Buổi sáng tôi dành 30 phút để tập thể dục, sau đó ngồi lên lịch công việc cho nhân viên thực hiện trong một ngày.

Ăn sáng xong, tôi bắt tay vào việc nghiên cứu thuốc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Còn buổi tối, bao giờ tôi cũng dành 1 tiếng để chơi và dạy con học. Trước khi đi ngủ, hai vợ chồng cũng sẽ dành thời gian tâm sự, nói chuyện với nhau để gắn kết tình cảm.”, ông Trọng chia sẻ.

Vốn có tài đàn hát, thơ ca nên tất cả các môn năng khiếu ông Trọng đều tự mình kèm cặp, dạy dỗ các con

 

"Tôi thường xuyên vào bếp rửa bát giúp vợ"

Gần 12 năm kết hôn, ông Trọng vẫn duy trì thói quen vào bếp giúp vợ nấu ăn hoặc rửa bát mỗi khi vợ bận. Ông thuộc từng sở thích ăn uống, khẩu vị mặn nhạt của người vợ trẻ. Với ông, giúp đỡ vợ việc nhà vừa là bổn phận vừa là trách nhiệm thể hiện sự quan tâm đến gia đình.

“Tôi vẫn thường xuyên vào bếp, rửa bát giúp vợ từ khi kết hôn cho đến nay. Chúng tôi chưa bao giờ phải đi ăn nhà hàng. Chỉ cần vợ và con nói, thích ăn món này, món kia là tôi sẽ tự vào bếp chế biến ngay.”, ông Trọng nói.

Dù đã 92 tuổi nhưng ông Trọng trông vẫn trẻ trung, phong độ. Lúc rảnh rỗi ông thường vào bếp giúp vợ nấu ăn, rửa bát.

 

Ngồi bên chồng, chị Thoan khá bẽn lẽn thỉnh thoảng lại nở nụ cười e lệ. Chị bảo, dù chênh nhau hàng chục tuổi nhưng chồng chị rất tâm lý, sống có trách nhiệm và đặc biệt vẫn… lãng mạn như thủa mới yêu lần đầu.

“Bất cứ ngày lễ sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới chồng tôi đều nhớ. Khi thì anh ấy làm thơ, lúc thì lại làm vài món ăn tặng vợ. Có khi hai vợ chồng đang ngồi tâm sự, anh ấy cũng cao hứng nảy ra vài câu thơ “nịnh” vợ rất khéo.”, chị Thoan vui vẻ nói.

Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình ông Trọng

 

Biết vợ thích hoa, ông Trọng cũng dành một khoảng sân lớn để trồng hoa hồng và hàng trăm giò phong lan. Một năm 1-2 lần, cả gia đình lại tổ chức đi du lịch, nghỉ dưỡng để “hâm nóng tình cảm”. 

 

Biết vợ thích hoa, ông Trọng cũng dành một khoảng sân lớn để trồng hoa hồng và hàng trăm giò phong lan.

 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị Thoan là lần chị sinh bé thứ 2 tại bệnh viện Sơn Tây. Lần đó, chị sinh khó, vào viện 2 ngày mà vẫn chưa chuyển dạ. Thương vợ chịu đau, ông Trọng phóng xe máy ra chợ huyện mua lẵng hoa tươi về tặng vợ. 

"Lần đó, chồng tôi vừa về đến bệnh viện là tôi chuyển dạ sinh, bác sỹ yêu cầu chồng tôi bế vợ về phòng. Lúc đó tôi sợ lắm, vừa sinh xong tôi nặng gần 60kg, nghĩ thầm làm sao mà anh ấy bế nổi. Chồng tôi lúc đó ghé tai vợ động viên bảo tôi yên tâm, nắm chặt vào cổ áo mình. Anh bế phốc tôi về phòng, trong sự vỗ tay cổ vũ nhiệt tình của bác sỹ và hàng trăm bệnh nhân bệnh viện", chị Thoan cười nhớ lại.

Cả hai lần sinh con ở cữ, chị Thoan đều được chồng chăm sóc chu đáo từng miếng ăn, giấc ngủ. "Anh ấy rất chu đáo, quan tâm. Động viên vợ từng chút một, có thuốc gì tốt cũng kê cho vợ dùng. Chính vì thế, cả hai lần sinh nở của tôi đều rất nhẹ nhàng, không đau đớn nhiều", chị Thoan kể. 

Chia sẻ về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, chị Thoan cười cho hay mình chẳng có bí quyết gì cao siêu tất cả chỉ là sự nhường nhịn, thấu hiểu lẫn nhau. “Vợ chồng ai cũng có lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Với gia đình tôi, khi chồng nóng thì vợ nhịn, ngược lại lúc vợ giận thì chồng làm hòa. Chuyện to coi như nhỏ, nhỏ coi như không có gì”, chị Thoan nói.

Hàng ngày, ngoài phụ giúp chồng công việc kinh doanh, chị Thoan còn luôn chú ý đến sức khỏe của chồng. Chị cũng luôn chủ động để giữ hòa khí gia đình được vui vẻ. “Muốn anh ấy sống lâu với ba mẹ con, tôi không muốn anh ấy phải suy nghĩ hay tức giận chuyện gì”, chị tâm sự.

 

Trước khi kết hôn với chị Thoan, ông Trọng từng trải qua 3 cuộc hôn nhân đổ vỡ. Ở tuổi 80, ông Trọng đã định “đóng cửa trái tim”, sống độc thân đến hết phần đời còn lại. Tuy nhiên, năm 2007 cuộc gặp gỡ định mệnh với người vợ thứ 4 khiến ông quyết định đi đến quyết định kết hôn chóng vánh chỉ trong một thời gian ngắn.

Thời điểm đó, đám cưới của ông Trọng và người vợ trẻ kém 53 tuổi từng gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Nhiều người bảo ông khoe mẽ, cũng có người bảo ông lợi dụng việc lấy vợ để “PR” cho công việc kinh doanh. Thậm chí, một thời gian dài sau đó, vẫn có nhiều đoàn khách ở xa tìm đến tận nhà ông Trọng chỉ để kiểm chứng câu chuyện tình cảm của ông lão 80 tuổi và người vợ trẻ là có thật.

Vượt qua những lời đàm tiếu của dư luận, cho đến nay hai vợ chồng ông Trọng vẫn chung sống hạnh phúc, chứng minh tình yêu cổ tích trên đời là có thật.

(dantri.com.vn)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm