Bên lề Kỳ họp thứ 9 - kỳ họp chuyên đề HĐND TP.HCM Khóa X ngày 18/4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ thêm với báo chí về thông báo kết luận mới nhất của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM liên quan đến việc thành lập 13 Tổ công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn TP.HCM.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, năm nay số vốn đầu tư công của TP.HCM quá lớn, "sức con người có hạn, lực lượng không tăng theo vốn", do đó việc lập 13 Tổ công tác là để xem triển khai như thế nào và khó khăn vướng mắc như thế nào, theo dõi, giám sát ngay từ đầu, kể cả kiểm toán. “Thay vì làm xong mới đi kiểm tra, kiểm toán thì bây giờ mình đi trước, vừa chia sẻ, vừa động viên, tháo gỡ nhưng vừa nhìn thấy được những khó khăn vướng mắc.
Cái nào cần chia sẻ thì chia sẻ, cái nào cần uốn nắn thì uốn nắn, cái nào cần tăng cường thì tăng cường, cái nào cần xử lý thì xử lý", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng nhìn thận, cán bộ TP.HCM đang quá tải là có thật. Vì vậy, việc tổ chức các Tổ công tác kiểm tra để từ đó nắm bắt được vướng mắc ở đâu, cái nào không làm, cái nào vướng mắc, e ngại, sợ sệt báo cáo vượt cấp.
"Hiện nay còn nhiều vấn đề, thủ tục bị vướng do không đồng bộ về văn bản pháp luật. Đặt mình là người nhận hồ sơ giải quyết, mình có dám giải quyết khi không có ý kiến của cơ quan khác. Tình trạng này hiện nay không chỉ riêng ở TP.HCM mà ở nhiều lĩnh vực, địa phương. Quan trọng hiện nay là khi người ta xin ý kiến mình, mình có cho ý kiến đúng không", Bí thư Nên nêu vấn đề.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định, mặc dù hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, nhưng sự không đồng bộ, thậm chí bất cập nơi này nơi khác, làm cho người thừa hành nhìn thấy vấn đề lo ngại là có lý của họ, chứ không phải hoàn toàn vô lý, chúng ta phải bình tĩnh xem xét.
Tại buổi làm việc của Thường trực Ban Bí thư với TP.HCM vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến, nhưng hầu hết các vấn đề được hỏi đều thuộc thẩm quyền của Thành phố.
Trước vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ với báo chí, hiện nay Thành phố đã có chỉ đạo rà lại hết văn bản, thống kê, phân loại cái nào thuộc thẩm quyền của cấp nào thì báo cáo cho Thành phố. Qua đó, lãnh đạo Thành phố sẽ thấy rõ từng đề xuất, ai là người đang gặp vướng mắc, khó khăn, ai là người e ngại, sợ sệt, báo cáo vượt cấp.
Bí thư Thành ủy TP.HCM phân tích, khi xuất hiện tình huống mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định không còn phù hợp nhu cầu của cuộc sống thì phải nghĩ đến cách để có lợi ích nhất cho quốc gia, dân tộc.
"Nhưng trong bối cảnh đó thì phải có cấp thẩm quyền quyết định, chứ các cấp dưới không quyết được. Có những điều yêu cầu của cuộc sống đặt ra nhưng luật chưa có quy định thì phải đề xuất, chứ không thể không có là không làm", Bí thư Nên nói.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, khi tổng kết Nghị quyết 16, TP.HCM đã đánh giá rằng, chu kỳ kinh tế đã tới giai đoạn phải tái cơ cấu lại. "Khi chu kỳ kinh tế đã tới đỉnh và đi xuống thì có tài ba cỡ nào cũng không thể làm nó đi lên. Và khi chu kỳ kinh tế đi lên thì không thể cản lại. Đó là quy luật".
Vừa qua, các chuyên gia kinh tế đã có nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM - đầu tàu đang bị mất đà, suy giảm, mất tốc lực. Đó là lý do khách quan, nhưng không phải nói để đổ thừa, mà đó là sự thật.
Ông Nên cũng nhìn nhận, 3 khâu đột phá: đổi mới quản lý; phát triển hạ tầng; phát triển nhân lực và văn hóa được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI đặt ra chính là điểm nghẽn.
"Hạ tầng giao thông nghẽn, ai cũng thấy. Thành phố này nghẽn hết các đường ra, lối vào. Để tháo gỡ vấn đề này không phải chỉ ngày một ngày hai mà cần các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Do đó, vừa phải tháo gỡ khó khăn, vừa phải kiến tạo. Và muốn kiến tạo thì phải có nền pháp lý hoàn thiện", Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM thông tin thêm, Thành phố đang xin thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, trong đó có triển khai Nghị quyết 31 (phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), Nghị quyết 24 (về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Nghị quyết giao sứ mệnh cho TP.HCM rất lớn, nhưng điều kiện phương tiện thực hiện phải đảm bảo tương đồng để cỗ máy hoạt động.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng, trong bối cảnh này, làm theo luật có những cái không còn phù hợp.
Ông dẫn chứng, trong thời điểm TP.HCM căng mình chống dịch Covid-19, các bệnh viện tuyến trên chỉ cấp cứu cho 1 bệnh nhân nặng mà cần tới 2-3 bác sĩ và máy thở ECMO, trong khi đó, nếu tập trung cho tuyến cơ sở, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân từ ban đầu, Thành phố sẽ cứu sống được rất nhiều người.
"Lúc đó Thành phố không có lực lượng ở tuyến dưới, việc tăng cường bác sĩ từ tuyến trên về lại chưa có trong quy định. Lúc đó, Thành phố buộc phải điều động vì cuộc sống, vì sức khỏe, tính mạng của người dân. Thực tế, cuộc sống và pháp luật có nhiều cái vênh nhau", Bí thư Nên nhận định.
Ông Nên cũng nhìn nhận, nếu không kiểm soát kỹ về các quyết định, nhất là kinh tế, sẽ sinh ra những phát sinh mới "ai chịu".
Do đó, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng, tinh thần dám nghĩ, dám làm cần phải có văn bản pháp luật để bảo vệ cán bộ khi có rủi ro. "Hiện Thành phố chỉ khuyến khích, động viên đội ngũ làm những gì có thể. Có những việc, người ta đi thanh tra, kiểm tra, điều tra thì họ đối chiếu quy định pháp luật chứ không đối chiếu vấn đề khác. Đừng đi sâu vào một khía cạnh mà không nhìn những vấn đề khác, dễ dẫn tới bức xúc", Bí thư Nên nói.
Bí thư Nên cũng nhìn nhận, việc một bộ phận cán bộ e ngại, sợ trách nhiệm là điều thấy rõ trong hiện tại. Hai năm 2021-2022, TP.HCM lấy chủ đề "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư" tuy nhiên do dịch Covid - 19, nên năm 2023, TP.HCM tiếp tục lấy chủ đề "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội".
"Trong bối cảnh anh em có quá tải, có mệt mỏi, thì phải vừa sức chứ không ép được. Nói như thế không có nghĩa là mình chấp nhận tiêu cực, chấp nhận tránh né, thiếu trách nhiệm...", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.