| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 20/05/2020 , 05:30 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 05:30 - 20/05/2020

'Bị' và 'không biết'

Tục ngữ có câu “nói gian, nó dàn ra mặt”. Khi thốt lên những từ đó, là các vị đã tự lột bản mặt gian dối của mình trước toàn xã hội.

"Bị" và "không biết", đó là hai từ càng ngày càng xuất hiện nhiều. Người mở miệng đầu tiên về từ đó là của một quan lớn ở tỉnh Hà Giang, khi vụ gian lận điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017-2018 được phát hiện, con gái ông được nâng điểm. Được báo chí hỏi, ông xua tay “tôi không biết con tôi bị nâng điểm”.

Tiếp theo Hà Giang, vụ nâng điểm thi ở Sơn La bị phát giác, hàng loạt cán bộ giữ các cương vị rất lớn ở tỉnh này có con được nâng điểm, cũng một mực “tôi không biết con tôi bị nâng điểm”, dù các bị cáo trong đường dây phạm tội này đã nộp lại cho cơ quan điều tra hàng tỷ đồng là tiền của họ nhận từ các vị để nâng điểm cho con em mình.

Đặc biệt là ông giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, trước lời khai của những kẻ liên quan về việc đã nhận của bố mẹ 8 thí sinh, mỗi người hàng trăm triệu đồng để chỉ đạo nâng điểm, ông vẫn khăng khăng “tôi hoàn toàn không biết các thi sinh đó bị nâng điểm. Tôi chỉ nhờ xem điểm trước cho các cháu do quen biết với phụ huynh”.

Rồi tại phiên tòa sơ thẩm mà TAND tỉnh Hòa Bình đang xét xử vụ án gian lận điểm thi xảy ra ở tỉnh này, cũng vậy.

Những phụ huynh của những thí sinh được nâng điểm đều khăng khăng “con tôi bị nâng điểm, tôi hoàn toàn không biết”, dù bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn đã khai rất rõ ràng số tiền mà Tuấn được nhận do các phụ huynh “cảm ơn” lên đến hơn 500 triệu đồng. Mà đó chỉ là 1 bị cáo khai.

Tức là các bị cáo ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều là những kẻ, dù không ai nhờ, cùng lắm là chỉ nhờ xem điểm trước cho con em mình. Nhưng vẫn “gắp điểm bỏ tay người”.

“Bị” và “không biết” không chỉ được thốt ra từ miệng những phụ huynh nói trên, mà còn được thốt ra ở rất nhiều người, ở nhiều ngành khác nữa.

Cán bộ đưa gái vào nhà nghỉ bị phát giác, nhưng “tôi bị gài bẫy”. Lâm tặc mở hẳn một con đường dài 1,5km, rộng 3m và rất nhiều đường xương cá hai bên vào rừng Sông Hinh (Phú Yên) để hạ hàng trăm cây gỗ lớn. Lãnh đạo và cơ quan chức năng huyện “không biết. Tôi sẽ cho kiểm tra”. Cát tặc hút rỗng lòng sông, đất của dân sụt lở ầm ầm gần ngay trụ sở chính quyền, nhưng lãnh đạo cũng “không biết”.

Tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) sừng sững vi phạm các quy định về xây dựng cả chiều cao lẫn chiều ngang, chỉ cách trụ sở UBND quận chưa đầy 1km. Nhưng lãnh đạo quận “không biết”.

Chỉ đến khi tòa nhà hoàn thành, báo chí ồn lên, cấp trên chỉ đạo phải xử lý, mới vội vàng thanh minh thanh nga.

Cái gì cũng “bị” và cái gì cũng “không biết”. Tục ngữ có câu “nói gian, nó dàn ra mặt”. Khi thốt lên những từ đó, là các vị đã tự lột bản mặt gian dối của mình trước toàn xã hội.