| Hotline: 0983.970.780

Biến cây cà phê trở thành cây chủ lực ở miền núi Sơn La

Thứ Bảy 19/12/2020 , 13:53 (GMT+7)

Sơn La là mảnh đất nhiều tiềm năng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả như mía đường, cao su, cam, bưởi,... đặc biệt là cây cà phê.

Mùa cà phê trĩu quả, một hình ảnh thường thấy ở các huyện miền núi tỉnh Sơn La mỗi khi đến vụ thu hoạch cà phê.

Mùa cà phê trĩu quả, một hình ảnh thường thấy ở các huyện miền núi tỉnh Sơn La mỗi khi đến vụ thu hoạch cà phê.

Ông Nguyễn Xuân Thao ở xã Hua La, thành phố Sơn La (Sơn La) được người dân nơi đây đặt cho biệt danh "Vị phù thủy cà phê".

Bởi chỉ trong thời gian ngắn, ông đã nhanh chóng "phù phép" cây cà phê biến thành cây vàng trên những vùng đất trống, lâu nay bỏ hoang hóa hoặc trồng những loại cây kém hiệu quả. Cà phê của ông là loại cà phê trồng và sản xuất theo quy trình hữu cơ, là sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Sơn La, có thị trường xuất khẩu ổn định.

Đến Sơn La, ai cũng không xa lạ với Hợp tác xã Cà phê Bích Thao do ông Nguyễn Xuân Thao làm Giám đốc được thành lập từ năm 2017, đến nay có 11 thành viên, với tổng diện tích trên 10ha cà phê.

Ngoài các thành viên chính, hợp tác xã còn kết nạp thêm 800 hội viên tham gia sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê, với diện tích lên đến hơn 1.000ha cà phê. Ít ai biết được rằng, vùng đất này trước đây ít người canh tác, bởi chất đất nghèo kiệt vốn có của vùng miền núi, nhưng ông Thao vẫn "liều" đưa cây cà phê vào trồng.

Cà phê sau khi thu hoạch được chọn lựa, chế biến cẩn thận trên dây chuyền hiện đại, đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất.

Cà phê sau khi thu hoạch được chọn lựa, chế biến cẩn thận trên dây chuyền hiện đại, đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất.

Đất không phụ công người, chỉ trong thời gian ngắn, kể từ khi ông Thao “phù phép” vùng đất trống này, đến nay Hợp tác xã Cà phê Bích Thao đã ký kết thu mua sản phẩm cà phê tươi cho người dân trên địa bàn từ 2.000 - 4.000 tấn mỗi năm, trong đó trực tiếp chế biến cà phê thành phẩm, cà phê bột từ 10-12 tấn/năm, sản phẩm cà phê đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Một điểm nổi bật trong sản xuất cà phê của hợp tác xã là áp dụng phương thức canh tác và sản xuất hữu cơ, hoàn toàn không dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Quá trình này tất nhiên phải trải qua nhiều công đoạn thử nghiệm, học tập, và nhiều lần ông Thao đã hứng chịu thất bại do quá mới mẻ. Hiện cà phê hữu cơ rang, xay thành bột xuất  khẩu có giá 450.000 đồng/kg.

Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách hàng, Hợp tác xã Cà phê Bích Thao đã đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc phục vụ chế biến như máy rang xay, máy phân loại cà phê theo màu sắc và làm nhà kính để sản xuất, chế biến cà phê mật ong, trà siro từ vỏ cà phê…

Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín cà phê đặc sản Sơn La đến với người tiêu dùng. Nói không quá, ông Thao đã góp phần biến cà phê Sơn La từ cô gái Lọ Lem thành một nàng công chúa.

Những nhân cà phê thơm nức, thành quả của những người trồng cà phê Sơn La trong đó có ông Nguyễn Xuân Thao.

Những nhân cà phê thơm nức, thành quả của những người trồng cà phê Sơn La trong đó có ông Nguyễn Xuân Thao.

Đồng thời, hợp tác xã đã tích cực ứng dụng khoa học- công nghệ trong khâu sản xuất, áp dụng quy trình quản lý chất lượng, nên nhiều diện tích cà phê của hợp tác xã được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Năm 2019, triển khai chương trình phát triển cà phê quốc gia của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hợp tác xã được Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat (Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên) tư vấn, hỗ trợ trồng thử nghiệm 15ha trồng cà phê chè giống mới THA1 và N6, N7, N9.

4 giống cà phê này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Sơn La nên cây sinh trưởng, phát triển và cho quả sai. Đây là những giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, chủ yếu chế biến để xuất khẩu, đem ngoại tệ về cho đất nước.

Sản phẩm chất lượng cao của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao hiện nay là cà phê bột nguyên chất và trà siro vỏ cà phê, đây là 2 mặt hàng độc đáo của HTX được nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công phục vụ xuất khẩu.

Việc hợp tác xã đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cà phê của địa phương, đảm bảo các điều kiện để bình xét công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia đã thể hiện tư duy sản xuất nông nghiệp bài bản và khát vọng khẳng định thương hiệu, chất lượng cà phê miền núi Sơn La, không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.