| Hotline: 0983.970.780

Biến đặc sản núi rừng thành sản phẩm sản hữu cơ

Chủ Nhật 25/04/2021 , 17:07 (GMT+7)

Nhiều sản phẩm núi rừng của huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đang được mở rộng phát triển theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu.

Trong cuộc làm việc mới đây tại huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) về phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định, huyện Lâm Bình có nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp hữu cơ, bởi nơi đây còn nhiều vùng hoang sơ, lòng đất có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp. Lâm Bình có nhiều lĩnh vực phát triển tốt nông nghiệp hữu cơ như nuôi dê, trồng cây lạc, lúa, chè, nuôi cá đặc sản...

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, để phát triển có hiệu quả nông nghiệp hữu cơ, huyện Lâm Bình cần xây dựng chương trình đào tạo nghề cho dân; phải nâng cao ý thức và chuyển đổi nhận thức trong sản xuất cho người dân.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam tham quan mô hình nuôi dê hữu cơ tại xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam tham quan mô hình nuôi dê hữu cơ tại xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Người dân cần được giải quyết vấn đề kỹ thuật chăn nuôi, tổ chức sản xuất, liên kết để tìm đầu ra ổn định lâu dài. Làm tốt nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp nâng cao giá trị của đặc sản núi rừng mà giá trị cao nhất là bảo vệ sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng.  

Hiện nay, huyện Lâm Bình đã xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ đặc sản núi rừng. Nổi bật như 50 ha chè Shan Khau Mút cổ thụ; mô hình nuôi dê hữu cơ của xã Thổ Bình; mô hình trồng lạc hữu cơ với diện tích hơn 1.900 ha… Các mô hình đặc sản núi rừng này đều đã bước đầu cho người nông dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định.

Với diện tích gần 300 ha lạc, xã Thổ Bình có diện tích trồng lạc 2 vụ lớn nhất huyện Lâm Bình. Sản lượng lạc tươi trung bình đạt hơn 2.000 tấn/năm. Xã đang phát triển vùng sản xuất lạc hàng hóa tập trung, bảo đảm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân. Sản phẩm lạc nhân, lạc củ của xã Thổ Bình đã được công nhận đạt 3 sao OCOP.

Nhiều năm nay, gia đình anh Ma Nhân Nhoi, thôn Bản Pước, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình đều trồng lạc vụ xuân theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa chất. Anh Nhoi cho biết, trồng theo hướng hữu cơ vất vả hơn nhưng sản phẩm làm ra an toàn cho người tiêu dùng và dễ xây dựng được thương hiệu hơn. Năm nào gia đình anh trồng 2.000 m2 lạc, mỗi vụ thu hoạch, trừ hết các chi phí anh lãi gần 10 triệu đồng.

Khoảng 3 năm trở lại đây, mô hình nuôi dê theo hướng hữu cơ phát triển mạnh tại huyện Lâm Bình, trong đó trọng điểm là xã Thổ Bình. Hiện toàn xã Thổ Bình có khoảng 20 hộ nuôi dê với hơn 1.000 con.

Nuôi dê hữu cơ giúp gia đình anh Ma Duy Dân, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình có thu nhập khá. Ảnh: Đào Thanh.

Nuôi dê hữu cơ giúp gia đình anh Ma Duy Dân, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình có thu nhập khá. Ảnh: Đào Thanh.

Dê ở đây được người dân cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn là lá cây và các loại cỏ tự nhiên, không chăn cám công nghiệp bởi vậy thịt thơm ngon khá đặc trưng. Vì là dê “sạch” nên nuôi lớn đến đâu được thương lái thu mua hết đến đấy.

Tuy nhiên một khó khăn với người nuôi dê ở Lâm Bình đang gặp phải là khi thực hiện sản xuất quy mô lớn vẫn lo lắng về đầu ra.

Anh Ma Duy Mân, chủ hộ chăn nuôi dê hữu cơ ở thôn Nà Mỵ, xã Thổ Bình cho biết, hiện nay do chất lượng thịt đảm bảo nên dê bán khá tốt. Giá dê thương phẩm với dê cái bán 120 nghìn đồng/kg và 140 nghìn đồng/kg với dê đực.

Thế nhưng các mối thu mua chưa thực sự ổn định nên người nông dân nơi đây rất hoang mang khi mở rộng quy mô. Anh Mân nhớ lại cách đây hơn 1 năm, dê thương phẩm chỉ có giá 80 nghìn đồng/kg. Với giá này, người nông dân gần như không có lãi.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết, trên thực tế, huyện Lâm Bình có tiềm năng rất lớn để phát triển đặc sản núi rừng theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

Thế nhưng để mô hình đặc sản núi rừng theo hướng nông nghiệp hữu cơ được mở rộng phát triển và thành sản phẩm hàng hóa thì còn nhiều điều phải làm. Đặc biệt khi phát triển quy mô lớn, vấn đề khó khăn nhất là khâu tổ chức sản xuất bài bản và tiêu thụ sản phẩm.

Trong tương lai, huyện sẽ tập trung quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng để được công nhận vùng sản xuất hữu cơ; xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý với các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.