| Hotline: 0983.970.780

Bình Định nở rộ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ Năm 22/04/2021 , 13:59 (GMT+7)

Các HTX, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ ở Bình Định ngày càng nở rộ. Đây là chuyển biến tích cực hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao.

Những HTX đi đầu ứng dụng công nghệ cao

Địa phương đi đầu trong phong trào hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Định là huyện trung du Hoài Ân.

Theo anh Võ Duy Tín, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, trên địa bàn huyện hiện có 22 HTX nông nghiệp, trong đó có 16 HTX đã thực hiện chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và 6 HTX chuyên ngành nông nghiệp mới được thành lập vào năm 2020.

HTX Công nghệ cao La’sfarm là một trong những đơn vị đầu tiên ở Bình Định áp dụng sản xuất rau theo công nghệ cao. Ảnh: Vũ Đình Thung. 

HTX Công nghệ cao La’sfarm là một trong những đơn vị đầu tiên ở Bình Định áp dụng sản xuất rau theo công nghệ cao. Ảnh: Vũ Đình Thung. 

Từ năm 2019, HTX Nông nghiệp Ân Tín (huyện Hoài Ân) đã tiên phong sản xuất lúa sạch. HTX là đơn vị đầu tiên của Bình Định trồng lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Theo ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ân Tín, trong vụ đông xuân 2020-2021, HTX sản xuất 2,5 ha lúa chất lượng cao theo quy trình không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh để tạo ra sản phẩm lúa sạch.

Hiện gạo hữu cơ của HTX đã được cấp giấy chứng nhận, có bao bì, nhãn mác riêng. Bước đầu, HTX bán gạo hữu cơ với giá 20.000 đ/kg và được thị trường trong tỉnh đón nhận tích cực.

“Trong vụ hè thu 2021 tới đây, chúng tôi sẽ nhân rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao để nâng cao khả năng đáp ứng thị trường, đồng thời đầu tư ứng dụng công nghệ cấy mạ và công nghệ sấy lúa để nâng cao phẩm cấp sản phẩm gạo sạch”, ông Bùi Long Xuân chia sẻ.

HTX Nông nghiệp Công nghệ cao La’sfarm (huyện Hoài Ân) cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bình Định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại rau quả. Theo anh Trần Bảo Diệp, Giám đốc HTX Công nghệ cao La’sfarm, HTX đang ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao của Israel như trồng rau trong nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động hẹn giờ và điều khiển sản xuất trên điện thoại thông minh, bón phân vi sinh để tạo ra những sản phẩm theo hướng hữu cơ theo chuẩn VietGAP.

“Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc biệt là dưa lưới đẹp về mẫu mã, đều về kích cỡ, có chất lượng thơm ngon rất được thị trường ưa chuộng”, anh Diệp cho hay.

Dưa chuột thơm do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ được đưa vào trồng theo công nghệ cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Dưa chuột thơm do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ được đưa vào trồng theo công nghệ cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Không chỉ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, huyện Hoài Ân đồng thời còn phát triển nhiều mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản sạch tại địa phương. Ví như HTX Nông nghiệp 19/4 ở xã Ân Tường Tây chuyên trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP.

Vốn liếng ban đầu là 5 ha bưởi da xanh trong vườn nhà ông Nguyễn Hoài Thương (Giám đốc HTX), sau đó HTX liên kết với nhiều thành viên khác nâng tổng diện tích bưởi da xanh của HTX lên 55 ha. Hiện 55 ha bưởi da xanh của HTX trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm có thể cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn quả.

Theo anh Võ Duy Tín, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, chuỗi liên kết sẽ tạo ra sản phẩm đồng dạng về trái và chất lượng. HTX Nông nghiệp 19/4 sẽ đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân và ký hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Ông Tín cho biết, dự án chuỗi liên kết của HTX Nông nghiệp 19/4 được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư là 25 tỷ đồng, chi phí nặng nhất là xây dựng nhà sơ chế, kho lạnh để bảo quản sản phẩm, kho chứa và mua xe vận tải vận chuyển hàng.

Mô hình này là rất cần thiết vì 1-2 năm nữa số diện tích bưởi da xanh đến thời kỳ kinh doanh trên địa bàn huyện Hoài Ân sẽ tăng trưởng rất cao. Đến nay, HTX Nông nghiệp 19/4 đã kết nối đầu mối tiêu thụ sản phẩm với một doanh nghiệp ở Bến Tre. Dự kiến nếu thành công, bưởi Hoài Ân có thể xuất sang thị trường châu Âu và Hàn Quốc.

Anh Trịnh Hưng Công, chủ trang trại sản xuất rau hữu cơ Yuuki Farm ở xã Nhơn Hậu (Thị xã An Nhơn, Bình Định) . Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Trịnh Hưng Công, chủ trang trại sản xuất rau hữu cơ Yuuki Farm ở xã Nhơn Hậu (Thị xã An Nhơn, Bình Định) . Ảnh: Vũ Đình Thung.

Phát triển nông nghiệp sạch phục vụ đô thị

Trên địa bàn huyện Hoài Ân còn có HTX Nông nghiệp Thanh Niên, liên kết lực lượng thanh niên các xã với nông dân để thu mua nông sản sạch trên địa bàn. Khi liên kết với nông dân, HTX sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất rau, quả theo hướng nông sản sạch sau đó kiếm lập gian hàng bán nông sản sạch tại trung tâm huyện để tiêu thụ và kiếm mối tiêu thụ ngoài tỉnh.

Trên địa bàn Thị xã An Nhơn (Bình Định) hiện cũng có nhiều mô hình sản xuất rau sạch, rau hữu cơ đang hoạt động hiệu quả theo định hướng phát triển nông nghiệp sạch phục vụ đô thị gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương. Đơn cử như trang trại sản xuất rau hữu cơ Yuuki Farm theo công nghệ Nhật Bản của anh Trịnh Hưng Công ở xã Nhơn Hậu.

Trang trại Yuuki Farm đang sản xuất và kinh doạnh các loại rau, củ, quả sạch như rau cải, rau xà lách, cà chua, cà rốt… Hằng ngày, trung bình Yuuki Farm xuất bán khoảng 100 kg rau sạch theo đơn đặt hàng của 2 trường mầm non ở TP Quy Nhơn cùng 7 điểm bán rau sạch trong và ngoài tỉnh. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, trang trại của anh Công cho lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng.

Dưa lưới vỏ xanh ứng dụng công nghệ cao tại HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (Thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Dưa lưới vỏ xanh ứng dụng công nghệ cao tại HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (Thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng trên địa bàn xã Nhơn Hậu (Thị xã An Nhơn), dự án sản xuất rau hữu cơ trong nhà lưới của Công ty CP Kei’s Nhật Bản ra đời từ năm 2016. Nhiều giống rau như xà lách, đậu bắp, dưa leo, các loại rau cải… được đưa từ Nhật sang và canh tác theo công nghệ của Nhật trên diện tích 7.500 m2. Nhờ vậy, người dân địa phương được tiếp cận trực tiếp cách làm đất, bón phân, gieo trồng để cho ra đời sản phẩm rau sạch, an toàn.

Hiện tại, mỗi ngày vườn rau hữu cơ của Công ty Kei’s cung cấp hơn 100kg rau, củ, quả ra thị trường với giá bán từ 20.000 - 40.000 đồng/kg.

Anh Dương Quan Sỹ, một nông dân tham gia dự án, chia sẻ: Qua quá trình tiếp cận, hiện những người tham gia dự án đã nắm chắc kỹ thuật trồng trọt và công ty cũng thực hiện khoáng sản phẩm cho người dân, nhờ đó thu nhập của nông dân cũng cao hơn.

"Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ đã chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hiện tại, HTX đã triển khai trồng 3,4 ha rau, củ, quả an toàn theo hướng hữu cơ, chú trọng sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh có nguồn gốc phụ phẩm tự nhiên.

Toàn bộ diện tích trồng rau được phủ màn để hạn chế cỏ dại, bón phân theo định mức bằng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel và sử dụng các thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, công nghệ nano, đảm bảo thời gian cách ly trong quá trình canh tác.

HTX cũng sử dụng lưới chắn côn trùng, chế phẩm nấm đối kháng ủ với phân chuồng. Các sản phẩm rau, dưa lưới, dưa leo của HTX được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn”. 

(Ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó phòng Kinh tế Thị xã An Nhơn).

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.