Thất thoát hàng tỷ đồng
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Lê Chân, Dự án Hoàng Huy Commerce có tổng diện tích 32.003m2, là dự án dịch vụ, thương mại nằm trên địa bàn 2 phường Vĩnh Niệm, phường Kênh Dương. Diện tích đất thu hồi từ người dân là hơn 15.000m2 với số tiền đền bù hàng trăm tỷ đồng.
Một cán bộ tại Trung tâm Phát triển quỹ đất cho biết, tiền đền bù cho đất nông nghiệp chỉ khoảng 100.000 đồng/m2, trong khi với đất ở và vật kiến trúc trên đất ở có được đền bù với giá ít nhất 1 triệu đồng/m2.
Thanh tra thành phố Hải Phòng xác nhận cơ quan này đã nhận được nhiều đơn thư tố cáo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó chủ tịch quận Lê Chân, cựu Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai, Trưởng phòng TN-MT quận Lê Chân về việc đánh tráo đất nông nghiệp thành đất ở. Một trong những người hưởng lợi là em gái ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó chủ tịch UBND quận Lê Chân.
Ông Ngọc bị cáo buộc đã dàn dựng để biến 3 mảnh đất nông nghiệp thành đất ở, khiến ngân sách Nhà nước thất thoát hàng tỷ đồng tiền đền bù. Thậm chí, chủ sở hữu ba mảnh đất này, trong đó có một người là em gái ông Ngọc, được nhận 3 thửa đất tái định cư nằm sát mặt đường rộng 30m ở thành phố Hải Phòng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, em gái ông Ngọc là bà Nguyễn Thị Thu Hương, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số CI 136806, thửa đất 18A, tờ bản đồ số 34 năm 2005, diện tích 45,5m2, mục đích sử dụng là đất ở đô thị. Bà Hương được cấp GCNQSDĐ vào ngày 14/7/2017, thời điểm này ông Ngọc đang là Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh quận Lê Chân.
Chính ông Ngọc là người ký nháy vào giấy tờ với tư cách là người tham mưu, thẩm định hồ sơ, để lãnh đạo quận Lê Chân khi đó cấp GCNQSDĐ cho bà Ngọc.
Đến năm 2019, khi dự án Hoàng Huy Commerce được Hải Phòng phê duyệt cho triển khai. Nhờ có GCNQSDĐ là đất ở đô thị, bà Hương được bồi thường 2,1 tỷ đồng.
Đến nay, khi thửa đất bị thu hồi và đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng chưa từng làm thủ tục và nộp thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều cán bộ ở UBND quận Lê Chân xác nhận với chúng tôi việc này, cho biết họ “nắm được chuyện nhưng không dám có ý kiến nhiều bởi biết đó là em gái ông Ngọc”.
Không chỉ có bà Hương, người được hưởng lợi từ việc “phù phép” của ông Ngọc còn có vợ chồng ông Lê Văn Hùng và bà Nguyễn Thị Thắm. Theo bản đồ năm 2005 của Hải Phòng, thửa đất số 328 và 329 được ký hiệu là đất 2L (ký hiệu đất trồng lúa). Mặt khác, theo quy hoạch, khu đất này sẽ trở thành đất công cộng, nên chiếu theo các quy định trước nay của thành phố Hải Phòng, sẽ không được phép chuyển đổi thành đất ở đô thị.
Tuy nhiên, với quyền hạn trong tay, ông Ngọc, khi đó với cương vị Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai – Chi nhánh quận Lê Chân, đã thẩm định hồ sơ, ký nháy để lãnh đạo quận Lê Chân phê duyệt, cấp GCNQSDĐ cho bà Hương, em gái ông Ngọc, và 2 GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Lê Văn Hùng, bà Lê Thị Thắm. Đó là các sổ số CE 363165, diện tích 40,00m2, sổ số CC 372639, diện tích 40,8m2.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 3 thửa đất nêu trên đều được cắt ra từ toàn bộ thửa đất số 329, một phần thửa đất 328, hoàn toàn là đất nông nghiệp, không giáp ranh với công trình nhà ở nào từ trước 2004.
Ít nhất một trong số hai thửa đất đứng tên vợ chồng ông Hùng bà Thắm đã được nhận đền bù 5,9 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa số tiền trên, ông Ngọc đã ký nháy thẩm định hồ sơ để vợ chồng ông Hùng, bà Thắm và bà Hương xây nhà “đón đầu” dự án Hoàng Huy Commerce tại phường Kênh Dương, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân.
Lý giải việc diện tích tương đương, song số tiền vợ chồng ông Hùng bà Thắm nhận được nhiều hơn bà Hương, nguồn tin của chúng tôi tại UBND quận Lê Chân cho biết: “Do căn cứ vào vị trí đất, các tiêu chuẩn đền bù của ban bồi thường giải phóng mặt bằng. Tại thời điểm tính toán đền bù, vợ chồng ông Hùng bà Thắm đã kịp xây 2 ngôi nhà 3 tầng, còn đất do bà Hương đứng tên vẫn là đất trống”.
Dù sao đi nữa, Nhà nước vẫn đã thiệt hại hàng tỷ đồng từ việc ông Ngọc “phù phép” đất nông nghiệp thành đất ở mà không tuân thủ đúng quy trình.
Cũng không thể nói thiệt hại chỉ do chủ đầu tư dự án Hoàng Huy Commerce chịu hoàn toàn. Bởi theo quy trình đã được phê duyệt, UBND quận Lê Chân chịu trách nhiệm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.
Chủ đầu tư dự án chỉ ứng trước tiền để bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau khi được giao đất, chủ đầu tư được phép đối trừ số tiền này trong những phần phí, lệ phí phải nộp cho Nhà nước. Có thể kết luận là, ông Ngọc cùng em gái và vợ chồng ông Hùng, bà Thắm được hưởng toàn bộ số tiền có được từ “phù phép” đất, và bên chịu thiệt hại là ngân sách Nhà nước.
Khai khống vượt diện tích để lấy tiền đền bù
Trong quá trình xác minh đơn thư của bạn đọc, chúng tôi còn nhận được những tài liệu cho thấy dưới thời ông Ngọc làm Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh quận Lê Chân, có những thửa đất “trên trời rơi xuống”.
Cụ thể, theo tờ bản đồ số 9 năm 1995 tại huyện Hải An (nay là quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng), có thửa đất 359 với diện tích 470m2, thửa đất 360 với diện tích 1.134m2. Tổng diện tích hai thửa là 1.604m2, thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Bùi Văn Thụy, bà Lê Thị Bấm.
Ngoài ra, nhà ông Thụy, bà Bấm còn sở hữu thửa đất 328, 329 (đã được bán cho nhà ông Hùng bà Thắm và nhà bà Hương - em gái ông Ngọc).
Tại tờ bản đồ số 34 năm 2005, cho thấy thửa đất 359 và thửa đất 360 được xác định lại thành thửa đất số 18, diện tích 1.461m2.
Sau khi ông Thụy, bà Bấm chia đất cho các con, phần đất của ông bà này được cấp GCNQSDĐ là 533,8m2 đất ở, phần còn lại được sử dụng là ngõ đi chung của các nhà.
Khi thành phố Hải Phòng thực hiện dự án tuyến đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, diện tích bị thu hồi của vợ chồng ông Thụy, bà Bấm và các con là 1.027,1m2. Theo số liệu từ tờ bản đồ số 34 năm 2005, diện tích đất còn lại của ông Thụy, bà Bấm và các con là 433,9m2.
Thế nhưng, theo số liệu giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, tổng diện tích được đền bù của ông Thụy, bà Bấm và các con là 524,1m2. Như vậy, con số lệch ra là 90,2m2. Vì sao nhà ông Thụy, bà Bấm lại được đền bù nhiều hơn diện tích đất có trên bản đồ, số tiền đền bù đó đi về đâu và ai phải chịu trách nhiệm là điều cần làm rõ?.
Đơn thư tố cáo ông Ngọc đã được gửi đến các cấp, ban ngành chuyên môn của quận Lê Chân và thành phố Hải Phòng. Ngay cả cơ quan Thanh tra thành phố Hải Phòng cũng đã nhận được đơn này. Theo lý giải của Thanh tra thành phố Hải Phòng, ông Ngọc thuộc diện cán bộ do Đảng bộ UBND quận Lê Chân quản lý, nên thanh tra đã chuyển đơn cho UBND quận Lê Chân để xử lý, trả lời cho người dân.
Tuy nhiên, cho đến nay, các hộ dân ở phường Kênh Dương, phường Vĩnh Niệm vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía ông Ngọc và UBND quận Lê Chân. Trong khi đó, ông Ngọc với những sai phạm nêu trên, vẫn được thăng tiến lên Phó chủ tịch UBND quận Lê Chân, sau đó tiếp tục được bầu vào giữ vị trí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy Lê Chân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 30/5/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mục 3.5 “Quy trình nhân sự cấp ủy”, quy định: “Cơ quan có thẩm quyền xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự được giới thiệu tham gia cấp ủy. Đại hội Đảng bộ các cấp thực hiện thẩm tra tư cách đại biểu theo quy định, cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo thẩm tra, xác minh, kết luận trước khi tiến hành đại hội đối với những nơi có vấn đề phức tạp, nhất là mất đoàn kết nội bộ hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo”. Vì thế, đơn tố cáo đối với ông Ngọc cần phải được xử lý công khai, dứt điểm để tránh dư luận xấu.