Đón khách bằng những cổng chào độc đáo
Chuyến xe chở chúng tôi vòng vèo trên con đường bê tông dốc đứng, xuyên qua làn mây mù mỏng tiến lên đỉnh núi. Trong mường tượng của tôi, đi các xã, bản vùng cao, khốn khổ nhất là phải vượt qua những con đường đất lầy lội, trơn trượt. Nhưng đến với Lao Chải 1, tôi khá bất ngờ và ấn tượng với bản làng khang trang, sạch đẹp. Đường bê tông được đổ tới tận cổng nhà người dân trong bản. Dọc hai bên đường, bà con trồng rất nhiều chậu hoa địa lan và hoa hồng cổ. Không gian yên bình, ngập tràn sắc màu khiến tôi cứ ngỡ như lạc vào một ngôi làng cổ tích.
Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 20km, bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường, Lai Châu tọa lạc trên đỉnh núi Khun Há, với độ cao gần 1.500m. Bản có 43 hộ với 247 nhân khẩu, 100% là người Mông.
Đến thăm bản Lao Chải 1, chúng tôi được trải nghiệm từ những nương chè xanh mát mắt, những thửa ruộng bậc thang ở lưng chừng núi, những tảng đá khổng lồ bên đường, đến chiếc “cầu đá tình yêu” - nơi hẹn hò của trai gái được người dân thiết kế lại thành cổng chào; các chòi, lán nhỏ để du khách nghỉ chân; không gian trưng bày các dụng cụ lao động như: dao thái cỏ, cối giã gạo, xay ngô, súng kíp, khèn Mông...
Ấn tượng đặc biệt nhất của chúng tôi khi đến Lao Chải 1 là cánh cổng chào đậm sắc màu vùng cao. Cánh cổng lớn ở đầu bản bằng gỗ và tre nứa được dựng khá cao và thẩm mỹ. Trong bản toàn là nhà gỗ trên nền trệt, kiểu nhà truyền thống của người Mông. Mỗi nhà đều tự tay thiết kế, sáng tạo nên chiếc cổng theo một phong cách riêng. Nhà thì dùng quả thông, hạt quả rừng xâu chuỗi lại, nhà thì tận dụng ống tre, nứa... Không nhà nào “đụng hàng” với nhà nào.
Để có được sự độc đáo này, ông Cứ A Chu, Bí thư Chi bộ bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường, Lai Châu tâm sự, bà con người Mông trước kia không biết trang trí nhà cửa nhưng sau được động viên, dần cũng đã thay đổi và kết quả có được như ngày hôm nay. Bà con hiểu được rằng làm đẹp trước hết là cho chính căn nhà mình, sau đó là đến cho cả cộng đồng.
“Giữ được những căn nhà gỗ truyền thống, không xây nhà bê tông; giữ được những nét độc đáo từ kiểu dáng cho đến màu sắc sặc sỡ của hoa văn trên trang phục dân tộc Mông; giữ được các dụng cụ âm nhạc như sáo, khèn… là những tài sản vô cùng quý giá và cả một sự nỗ lực của bà con Lao Chải 1”, Bí thư Chi bộ Cứ A Chu nói thêm.
Làm thử rồi thích thật
Trồng lan, làm mèn mén, phát triển homestay… là cách mà bà con Lao Chải 1 đang thực hiện để vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ văn hóa bản sắc dân tộc.
Phong trào trồng lan ở Lao Chải 1 đã có từ năm 2015, sau đợt ảnh hưởng của rét đậm rét hại làm 67ha thảo quả của bà con trong bản bị chết. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, lãnh đạo huyện, xã và người dân đi đến thống nhất, chọn hoa lan làm cây trồng chính đa mục đích: Tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con; tạo cảnh quan thôn bản, xây dựng bản văn hóa du lịch; tạo nguồn thu từ việc bán hoa lan và làm du lịch cộng đồng.
Anh Lý A Vừ, người trồng lan ở bản Lao Chải 1 cho hay, điều kiện thời tiết thuận lợi nên việc trồng và chăm sóc hoa lan không hề gặp khó khăn. Hơn nữa, trồng hoa mang lại lợi ích kép, vừa tạo cảnh quan sạch đẹp cho bản để thu hút khách du lịch, vừa giúp người dân có thêm được nguồn thu nhập từ việc bán hoa, đặc biệt vào dịp Tết, hoa lan thường có giá trị rất cao.
“Trước kia gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng sau khi trồng hoa lan đã khấm khá lên hẳn, có tháng thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Thông thường, 50% khách du lịch đến đây sẽ mua hoa, 50% còn lại để bán buôn. Từ khi có khách du lịch, hoa dễ bán hơn hẳn”, anh Lý A Vừ hào hứng khoe.
Bí thư Chi bộ bản Lao Chải 1 Cứ A Chu cho hay: “Khi mới bắt đầu phát triển du lịch, bản Lao Chải 1 chưa nghĩ tới dịch vụ lưu trú cho du khách, việc này gây ra khó khăn cho những du khách ở xa tới để tham quan, trải nghiệm. Thấy được điều đó, tôi đã vận động, hướng dẫn một số hộ dân trong bản làm homestay, đơn cử như hộ gia đình anh Cứ A Lồng”.
Được Bí thư Cứ A Chu dẫn đến thăm homestay của anh Cứ A Lồng, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự khang trang, rộng rãi và sạch sẽ. Có 5 phòng, nhưng nhiều khi khách đông, homestay không đủ phòng để phục vụ.
Trò chuyện với phóng viên, anh Cứ A Lồng chia sẻ: “Trước khi làm homestay, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, thu nhập chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô… Sau khi làm homestay, cuộc sống ngày một khấm khá, mỗi năm thu được gần 150 triệu đồng từ dịch vụ này”.
“Ban đầu, khi chính quyền địa phương vận động làm du lịch cộng đồng, chúng tôi nghĩ không có lợi gì, không làm cũng không sao, nhưng thử một tí lại thấy đẹp một chút, càng thử lại thấy càng đẹp, càng nhiều khách đến lại cảm thấy quyết định của mình là đúng đắn”, anh Cứ A Lồng hồ hởi nói.
Nghĩ và mong về tương lai tươi sáng hơn
Trước đây, Lao Chải 1 là một trong những bản khó khăn của xã Khun Há. Bản có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, địa bàn của bản nằm khá xa trung tâm xã, đời sống của người dân trong bản còn gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế của bản chủ yếu là nông nghiệp, tự cấp, tự túc; nhận thức và trình độ học vấn của người dân chưa cao.
Nhưng đến Lao Chải 1 hôm nay, sẽ thấy một diện mạo hoàn toàn thay đa đổi thịt, trở nên xinh đẹp và rực rỡ với cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đời sống, thu nhập của người dân ngày càng phát triển, nâng lên so với trước. Nhờ đó, Lao Chải 1 bỗng nhiên trở thành một cái tên mới nổi trong tỉnh Lai Châu về du lịch cộng đồng, nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành và du khách gần xa.
Bồi hồi nhớ về quá khứ, ông Cứ A Chu kể: “Trước đây không có phương tiện giao thông, không có điện, cả bản là những ngôi nhà gỗ tạm dưới tán rừng. Ngày đó, nhiều trẻ con không đi học, người lớn không biết chữ”.
“Nhưng bản Lao Chải 1 nay đã khác, nguồn thu đến từ du lịch cộng đồng bằng nhiều cách như trồng hoa lan, bán hàng cho khách, làm homestay cho khách lưu trú… đã giúp bà con tăng thu nhập, thêm gắn bó với bản sắc và vững tin phát triển kinh tế. Đặc trưng nhất của bản Lao Chải 1 là mật ong thảo quả, mang lại giá trị cao. Hiện nay thu nhập của bà con làm du lịch cộng đồng ở bản cao gấp 4 lần so với trước đây, khoảng 40 triệu đồng/người/năm”.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu Trần Mạnh Hùng, đến nay, địa phương đã phát triển được 16 điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh, hơn 30 lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống. Người dân trong vùng là đồng bào Thái, Dao, Lự, Mông... tại các bản du lịch cộng đồng đã có cuộc sống và thu nhập bền vững hơn nhờ làm du lịch.
“Tỉnh cũng đã ban ngành Nghị quyết về bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch và hiện nay, nghị quyết này đang được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện, đảm bảo được yêu cầu. Trong quá trình triển khai thực hiện các mục đích, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết cũng đã được cấp ủy, chính quyền triển khai và quán triệt thực hiện. Một số sản phẩm về phát triển văn hóa gắn với du lịch hiện nay cũng được các địa phương rất quan tâm, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng ở một số địa phương”, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu nói thêm.
Dẫu có thuận lợi mà không biết cách khai thác hiệu quả thì tiềm năng cũng mãi chỉ dừng lại ở tiềm năng. Sự thành công về mô hình du lịch cộng đồng của Lao Chải 1 đã chứng minh rằng, sự thay đổi tư duy mới thực sự là khởi đầu quan trọng. Và hơn cả, đoàn kết là sức mạnh, bà con Lao Chải 1 đã cùng nhau khởi đầu một hành trình mới, góp phần xây dựng bức tranh tổng quan của du lịch Việt Nam ngày càng tươi đẹp hơn.
Lại một mùa Xuân ghé qua, Lao Chải 1 nay lại thêm một tuổi mới. Những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt lấp lánh hy vọng về những đổi thay tại bản làng và một cuộc sống “ấm no” hơn nhờ phát triển du lịch cộng đồng vẫn khát khao bừng sáng.
Chia tay Lao Chải 1, chúng tôi vẫn nhớ câu nói của Bí thư Chi bộ bản Lao Chải 1 Cứ A Chu trong ngày đầu dẫn chúng tôi tham quan nơi đây: “Nếu thăm bản đúng vào dịp Tết, Lao Chải 1 sẽ như một thiên đường hoa lan với đủ mọi màu sắc, đúng như danh hiệu “vườn địa đàng” mà du khách yêu mến đặt tên cho bản”. Nỗi luyến tiếc ấy khiến chúng tôi càng mong một ngày không xa sẽ sớm được trở lại Lao Chải 1 - Bản Xanh yên bình giữa núi rừng Tây Bắc.
Du khách Lê Quốc Trường (TP. HCM) chia sẻ: “Sau 9 năm quay trở lại với Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường, Lai Châu, tôi thật sự bất ngờ vì con đường lên bản đã thật sự khác biệt. Những con đường đổ bê tông sạch đẹp, những chiếc cổng chào độc đáo, sự thân thiện và ấm áp của người dân bản… Người Mông đã làm du lịch cộng đồng khá tốt. Nhẹ nhàng và bình yên, tôi đã tìm thấy một trải nghiệm khác biệt nơi này”.