Thông qua sự giới thiệu của Hội liên hiệp phụ nữ huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu một ngày rong ruổi tìm đến HTX Làng nghề, nơi nhiều chị em phụ nữ dân tộc Khmer “tập tành” đan giỏ lục bình.
Ngồi đợi tầm 30 phút, chị Sơn Thị Lang, Giám đốc HTX Làng nghề ở ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ chở chuyến hàng thu mua từ các chị em xã viên đã về tới. Cất gọn những giỏ lục bình vào kho, chị Lang bắt đầu ngay câu chuyện về quá trình lập nên HTX.
Vốn là nông dân không có nghề nghiệp ổn định, chăn nuôi thất bại, chị Lang tham gia học nghề đan do Hội phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ tổ chức cho chị em đồng bào dân tộc. Thạo nghề và kết nối được doanh nghiệp đặt hàng gia công sản phẩm, chị Lang quyết định thành lập HTX Làng nghề với 3 sản phẩm chính là cơm rượu, dưa muối chua và hàng thủ công mỹ nghệ đan từ lục bình. Trong đó, những sản phẩm đan từ lục bình đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao vào đầu năm 2023.
Từ đây mở ra cơ duyên đưa chị Lang trở thành giáo viên “đứng lớp” dạy nghề đan sản phẩm từ lục bình cho hàng trăm chị em phụ nữ địa phương. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó từ việc chọn nguyên liệu lục bình, phơi khô, bảo quản nguyên liệu, thời gian đan cũng mất từ 1 - 3 ngày, tùy theo từng loại sản phẩm.
Ngoài thị trấn Cờ Đỏ, phong trào phát triển kinh tế từ nghề đan lục bình đã lan rộng ra nhiều xã lân cận, với 1 - 2 tổ/xã. Công việc của chị Lang vì thế cũng nhiều hơn, ngoài hướng dẫn dạy nghề cho chị em, chị còn đảm đương thu mua sản phẩm, vận chuyển hàng giao cho doanh nghiệp.
Những học viên tham gia lớp học nghề rất đặc biệt, có những cô chú ngoài 50 tuổi tận dụng thời gian nhàn rỗi tham gia học nghề để kiếm thêm thu nhập. Trung bình mỗi ngày thợ lành nghề có thể đan được 1 bộ giỏ 3 chiếc, mang về thu nhập 150.000 đồng.
Hiện HTX Làng nghề có 38 thành viên tham gia mô hình đan lục bình, ngoài ra HTX đã liên kết được trên 100 chị em phụ nữ khắp huyện, cung ứng khoảng 3.000 sản phẩm/tháng cho doanh nghiệp.
Để chủ động nguồn nguyên liệu, chị Lang còn vận động học viên tận dụng lục bình có sẵn trên sông, kênh rạch địa phương, thay vì phải đi mua như trước đây. Đồng thời hướng dẫn mọi người cách cắt, phơi để đảm bảo giữ được cọng lục bình đẹp, không bị đen.
Những năm đầu thành lập, xã viên HTX Làng nghề phần lớn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, phải lao động xa nhà. Hiện nay, ngoài sản xuất nông nghiệp là công việc chính, chị em còn kiếm thêm từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng nhờ đan lục bình.
Ngoài ra, thông qua các nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ, chương trình vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm… chị em được tiếp cận nhiều nguồn hỗ trợ, có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, có cuộc sống ổn định, khấm khá, không còn hộ thuộc diện khó khăn.
Chị Lang bộc bạch, những năm đầu, vận động chị em học nghề rất khó khăn, số lượng tham gia không nhiều, vì cho rằng nghề này “đồng lời” không được bao nhiêu. Tuy nhiên, mô hình tốt lan tỏa nhanh, sau một thời gian, từ quan điểm có cái nghề để kiếm tiền, nhiều chị em chuyển sang đam mê và mong muốn gắn bó lâu dài. Một người đi học có thể hướng dẫn cho cả gia đình cùng làm, giá trị sẽ nhân cao hơn.
“Năm đầu tiên mở lớp chỉ khoảng 20 chị em tham gia, dần phát triển, thu nhập ngày càng tăng lên, cuộc sống chị em cũng đỡ hơn, tranh thủ được thời gian rảnh rỗi để làm, khéo tay năng suất sẽ đạt cao”, chị Lang nhiệt tình chia sẻ.
Ngoài sản phẩm gia công cho doanh nghiệp, HTX Làng nghề còn cho ra đời các sản phẩm như nón, giỏ xách, lồng đèn trang trí, vỏ bình hoa… để cung ứng cho thị trường trong và ngoài TP Cần Thơ, tạo sự đa dạng cho sản phẩm đan lục bình.
Bên cạnh đó, chị em còn phát triển thêm sản phẩm dưa ngó lục bình, dưa môn. Tuy nhiên phương thức và quy mô sản xuất còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ.
Bà Nguyễn Ngọc Thẩm, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Đỏ đánh giá, mô hình đan lục bình không chỉ phát huy hiệu quả việc chuyển đổi ngành nghề, mà còn giúp phụ nữ địa phương cải thiện cuộc sống.
Lục bình là loại cây tự phát triển không cần trồng hay chăm sóc, đặc biệt thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu. Thực tế, ở ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, lục bình phát triển mạnh gây cản trở dòng chảy. Từ những giá trị kinh tế cây lục bình mang lại, nếu được đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, kết nối đầu ra cho mặt hàng đan lục bình, khai thác tối đa, loại cây này sẽ tạo ra nguồn kinh tế ổn định cho bà con nông dân.
Huyện Cờ Đỏ có trên 30 nghìn hộ dân, trong đó hơn 7% là dân tộc Khmer, tập trung chủ yếu tại các xã Thới Xuân, Thới Đông, Đông Thắng và thị trấn Cờ Đỏ. Phần đông đồng bào dân tộc Khmer thiếu đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao.
Để tiếp tục phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer, huyện Cờ Đỏ tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc khmer. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, trong đó huy động mọi nguồn lực để xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ Khmer nghèo có khó khăn về nhà ở; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển sinh kế, thực hiện các mô hình kinh tế tập thể.