| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng Dự án chăn nuôi bò quy mô lớn ở ĐBSCL

Thứ Ba 28/03/2023 , 06:00 (GMT+7)

Dự án phát triển chăn nuôi bò Sóc Trăng đã giúp nhiều nông dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc Khmer có kinh tế ổn định.

Chăn nuôi bò lâu nay đã là nghề truyền thống của người dân tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer.

Với điều kiện thuận lợi nguồn phụ phẩm dồi dào trong nông nghiệp, ước tính lên tới khoảng 2,12 triệu tấn/năm có thể làm thức ăn cho gia súc.

Từ năm 2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Dự án “Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”, với tổng kinh phí trên 2.208 tỷ đồng.

Đây được xem là dự án chăn nuôi bò quy mô lớn ở khu vực ĐBSCL, với mục tiêu gia tăng giá trị và phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo hướng hàng hóa.

Đồng thời, giúp bà con nông dân giảm áp lực về diện tích trồng cỏ, giảm chi phí thức ăn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Chăn nuôi bò là nghề truyền thống của người dân tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer. Ảnh: Kim Anh.

Chăn nuôi bò là nghề truyền thống của người dân tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer. Ảnh: Kim Anh.

Bà Danh Thị Chành Thy, hộ đồng bào dân tộc Khmer thuộc diện cận nghèo ở ấp Bố Liên 2, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú nay đã vươn lên ổn định kinh tế nhờ sự hỗ trợ từ dự án chăn nuôi bò của tỉnh.

Từ quy mô 2 con bò giống hỗ trợ ban đầu, đến nay quy mô chuồng của gia đình bà đã tăng trên 10 con. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ nguồn tinh bò nhập ngoại, giúp nâng cao chất lượng đàn bò giống.

Bên cạnh đó là xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn từ chăn nuôi bò nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua xử lý bằng ủ phân Compost, nuôi trùn quế,…

Bà Thy cho biết, khi bắt tay chăn nuôi bò, bà như “tờ giấy trắng” về kỹ thuật nuôi. Dự án tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật chăn nuôi, quy trình ủ phân, cán bộ kỹ thuật cũng thường xuyên phối hợp với bà con thăm khám bệnh cho bò, phối tinh.

Qua 4 năm tiếp cận mô hình chăn nuôi bò thịt, giờ đây việc chăn nuôi khá thuận lợi, bản thân bà cũng có thời gian nhàn rỗi để phát triển thêm kinh tế khác cho gia đình, mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi bò không dưới 40 triệu đồng.

Cách gia đình bà Thy một con sông là hộ ông Lý Sông cũng thuộc diện được hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Ông Sông bộc bạch, gia đình trước đây vốn gắn bó với nghề trồng lúa, nhưng thu nhập bấp bênh. Với sự vận động và hỗ trợ từ dự án, năm 2004 ông đã chuyển qua phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi bò sữa.

Ông Sông vui mừng cho biết, nhờ tham gia dự án mà các con ông có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Từ 2 con bò sữa ban đầu đến nay đàn bò đã tăng quy mô lên 20 con, mỗi ngày gia đình thu nhập đều đặn trên 300.000 đồng/ngày từ tiền bán sữa bò.

Bên cạnh đó, ông cũng tiếp tục trồng lúa, tận dụng nguồn rơm làm thức ăn cho bò, nhẹ chi phí đầu tư, gia tăng lợi nhuận cho gia đình.

Tỉnh Sóc Trăng đã liên kết được với 2 doanh nghiệp thu mua sản phẩm từ bò sữa, tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân. Ảnh: Văn Vũ.

Tỉnh Sóc Trăng đã liên kết được với 2 doanh nghiệp thu mua sản phẩm từ bò sữa, tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân. Ảnh: Văn Vũ.

Ông Phạm Minh Tú, Trưởng trạm chăn nuôi và thú y huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đánh giá, thông qua sự hỗ trợ của dự án, đặc biệt là nguồn lực về giống, đã tạo ra giống bò thịt và bò sữa cho năng suất và chất lượng cao, bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo từ nguồn tinh bò nhập ngoại.

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật gieo tinh nhân tạo lành nghề đã qua đào tạo bài bản được phân bố rộng khắp các xã. Nhờ đó, trong thời gian dài, mô hình chăn nuôi bò thịt và bò sữa đã giúp bà con trong huyện xóa đói giảm nghèo, góp phần cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới.

Theo Dự án "Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025", định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu tăng tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2030 đạt 30%, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trong đó, chú trọng tổ chức các hình thức liên kết, hợp tác trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường. Lấy phát triển kinh tế hợp tác làm trọng tâm, xây dựng, nhân rộng mô hình chăn nuôi bò với công nghệ tiên tiến, tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề lực lượng kỹ thuật viên, thú y, gieo tinh nhân tạo.

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật viên chăn nuôi, thú y được đào tạo bài bản, hỗ trợ đắc lực cho công tác phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật viên chăn nuôi, thú y được đào tạo bài bản, hỗ trợ đắc lực cho công tác phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Văn Đốm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng cho biết, lợi thế trong phát triển chăn nuôi bò của tỉnh nhờ đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản từ cơ bản đến nâng cao qua nhiều năm. Cộng với tinh thần gắn bó, quyết tâm phát triển mô hình chăn nuôi mang hiệu quả kinh tế cao này từ bà con nông dân.

Vì thế, trong thời gian tới tỉnh Sóc Trăng tiếp tục nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng đàn bò thịt, bò sữa bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo nguồn tinh bò ngoại nhập. Khuyến khích hộ chăn nuôi phát triển lên thành quy mô trang trại.

Nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ kỹ thuật viên gắn với quản lý nhà nước nhất là chuyển đổi số trong chăn nuôi. Phát triển tốt nguồn thức ăn thô xanh để bà con nông dân tận dụng tốt nguồn phụ phẩm nông nghiệp từ đó kéo giảm được chi phí.

Nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào được bà con tận dụng làm thức ăn trong chăn nuôi bò, tiết giảm đáng kể chi phí đầu tư thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Văn Vũ.

Nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào được bà con tận dụng làm thức ăn trong chăn nuôi bò, tiết giảm đáng kể chi phí đầu tư thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Văn Vũ.

Tỉnh Sóc Trăng cũng định hướng đẩy mạnh mối liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi. Đồng thời hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa để giảm sức lao động trong hoạt động chăn nuôi.

Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, phát triển chăn nuôi bò thịt bình quân mỗi hộ nuôi từ 4 – 5 con, tăng số lượng đàn bò thịt đạt 77.000 con và sản lượng thịt hơi đạt 5.000 tấn/năm. Đào tạo, tập huấn nâng cao đội ngũ dẫn tinh viên, kỹ thuật thú y đạt 60 kỹ thuật viên. Diện tích trồng cây thức ăn cho bò đạt 3.000 ha. Giải quyết việc làm cho 15.000 lao động nông thôn. Đảm bảo 90% hộ chăn nuôi bò thịt có hệ thống xử lý chất thải hoặc có phương án tận dụng chất thải nhằm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đối với bò sữa, phấn đấu bình quân mỗi hộ nuôi từ 5 – 6 con bò sữa. Tăng số lượng đàn bò sữa đạt 11.000 con. Cơ cấu đàn bò cái sinh sản chiếm 60% trong đó đàn bò khai thác sữa chiếm 40% tổng đàn. Sản lượng sữa tươi đến năm 2025 đạt 20.000 tấn/năm, năng suất sữa đạt 4.500 kg/con/chu kỳ.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm