| Hotline: 0983.970.780

Biển xâm thực, tính mạng hàng ngàn người dân Quảng Nham bị đe dọa

Thứ Hai 23/10/2017 , 13:15 (GMT+7)

Những năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tuyến bờ biển thuộc địa phận xã Quảng Nham (Quảng Xương, Thanh Hóa) thường xuyên phải gánh chịu tác động nặng nề của triều cường, gió bão đã dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

16-03-40_1
16-03-40_2
Sóng biển xâm thực với tần suất ngày một lớn trên địa bàn xã Quảng Nham

Ngày qua ngày, hàng trăm hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu luôn sống trong thấp thỏm, âu lo tột độ… 
 

Nỗi lo không dứt

Tuyến bờ biển xã Quảng Nham có chiều dài hơn 4,2 km, điểm cuối tiếp giáp với cửa sông Yên. Không chỉ là nơi sinh sống lâu đời của 515 hộ dân với 1.890 nhân khẩu thuộc 2 thôn Tân và Tiến, vùng đất này chính là âu tránh trú bão tự nhiên cho cả ngàn phương tiện đánh bắt hải sản của xã Quảng Nham và nhiều xã lân cận khác.Tuy nhiên do thường xuyên phải hứng chịu tác động trực tiếp từ thủy triều, gió bão, cộng với ảnh hưởng nặng nề của tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên toàn bộ khu vực này đang bị xâm thực hết sức trầm trọng.

Qua khảo sát thực trạng, từ năm 2005 đến nay bờ biển Quảng Nham bị lấn sâu đến cả trăm mét. Sự việc kéo dài miết từ năm này sang năm khác đã “cuốn trôi” hàng chục ha diện tích rừng phòng hộ ven biển cũng như tác động mạnh đến tầng địa chất tự nhiên. “Lớp màng bọc” bên ngoài bị đánh tả tơi khiến tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng có thể bị đe dọa bất kỳ lúc nào, nhiều người quan ngại với tình hình trên chẳng mấy chốc toàn bộ 282 ha đất sản xuất và rừng phòng hộ của 2 thôn Tân, thôn Tiến sẽ hoàn toàn biến mất. Khu tránh trú bão tự nhiên cũng sẽ không còn, đồng nghĩa với miếng cơm, manh áo của hàng ngàn ngư dân sẽ trôi tất theo dòng nước dữ. Một viễn cảnh không ai mường tượng đến cách đây 16 năm.

16-03-40_3
Hàng chục ha diện tích rừng phi lao chắn sóng bị cuốn trôi

Thuộc dự án di giãn dân của UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2001 có 200 hộ chuyển đến lập nên thôn Tân, đến năm 2003 có thêm 220 hộ khác tụ tập sinh sống nâng số hộ lên 420 với trên 1.000 nhân khẩu. Đến vùng đất mới mang theo nhiều kỳ vọng lớn lao về một cuộc sống ấm no, đủ đầy nhưng rồi tất cả ngờ người nhận ra “đời không như là mơ” với hàng loạt những vấn đề bí bách nảy sinh. Đường xá, giao thông đi lại khó khăn đã đành, người dân thôn Tân còn phải quay quắt chống chọi với sự hà khắc đến từ thiên nhiên, hết triều cường lại đến thiên tai bão lũ, xâm nhập mặn, sạt lở liên hồi, tất cả kết dính thành một vòng xoay tưởng như bất tận thay nhau “đọa đày” cả về thể xác lẫn tinh thần của bà con làng biển.

Không chịu nổi cảnh sống mòn, nhiều gia đình quyết dứt áo ra đi khiến dân cư thưa thớt dần, lúc này toàn thôn chỉ còn lại vỏn vẹn 185 hộ với 784 con người, với đà này e rằng đây chưa phải là con số cuối cùng.

Ông Nguyễn Duy Hải, trưởng thôn Tân bùi ngùi: “Năm nào tình trạng sạt lở cũng diễn ra, trước đây toàn thôn có 120 ha rừng phi lao chắn song nhưng giờ chỉ còn trên dưới 70 ha mà thôi. Bão số 10 vừa qua tiếp tục lấn sâu thêm dưới 10m, có những nhà chỉ cách khu vực sạt lở chừng vài bước chân, rõ ràng cuộc sống của người dân đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ”.

Hiện thôn Tân có 60 hộ dân sinh sống ngay sát bờ biển, thành thử mỗi bận thiên tai “ghé thăm” thì nhà nào, nhà nấy đều lo ngay ngáy.

16-03-40_4
16-03-40_5
Trưởng thôn Nguyễn Duy Hải lo ngại cuộc sống của người dân trên địa bàn không được đảm bảo

Áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng buộc anh Hoàng Đình Cường cùng con trai là Hoàng Đình Vũ phải xa nhà biền biệt, lênh đênh khắp chốn trên những chuyến vươn khơi dài ngày. Sóng yên biển lặng thì không sao, nhưng khi có sự cố thì nỗi lo toan như tăng lên gấp bội phần, mỗi người một phương tâm trạng cồn cào không sao kể xiết. Nói đâu xa, khi bão Doksuri đổ bộ vào đất liền bản thân cha con anh Cường đang trú ngụ tít mãi địa phận Cẩm Phả (Quảng Ninh), lúc này ở nhà chị Đinh Thị Dậu (vợ anh Cường) cùng 3 người con chỉ biết ôm lấy nhau nguyện cầu:

“Cơn bão vừa qua có cường độ mạnh chưa từng thấy, kéo theo từng đợt sóng lớn cao đến vài mét thi nhau vỗ liên hồi vào những bờ kè dựng tạm, sóng đến đâu càn quét tan hoang đến đó. Gió rít kèn kẹt, thổi thốc xuyên qua khe cửa như muốn giật tung tất cả, bão đi qua mới dám tin là mình vẫn còn sống, đến giờ cảnh tượng kinh hoàng ấy vẫn cứ ám ảnh lấy tôi”, chị Dậu sụt sùi nhớ lại.

Đã thành thông lệ, một năm đôi ba lần người dân xóm biển lại í ới gọi nhau, hì hục gia cố tuyến bờ kè, việc chung nên chẳng ai dám nề nà, người khuân đá, kẻ chôn cọc, miệng nói, tay làm trong nhịp độ hết sức khẩn trương, gấp gáp. Nhưng rồi cũng chả thấm vào đâu, cứ sau 1 trận bão là mọi thứ lại tan hoang hết cả, sự việc lặp đi lặp lại hết lần này lượt khác khiến niềm tin của bà con lại bị “bào mòn” thêm ít nhiều: “Sức người có hạn, chúng tôi chịu đựng suốt 16 năm qua là đủ lắm rồi. Sống hôm nay chẳng biết đến ngày mai, mở mắt ra đã đối mặt với muôn vàn áp lực thì thử hỏi còn động lực đâu để sống tiếp”, chị Đinh Thị Ngân, một người gắn bó từ ngày lập Thôn nói như mếu.
 

Cần lắm một tuyến kè kiên cố

Để đối phó, hàng năm UBND huyện Quảng Xương chỉ đạo xã Quảng Nham chuẩn bị vật tư, nhân lực và lên phương án phòng chống sạt lở theo phương châm “bốn tại chỗ”, tuy nhiên hiệu quả mang lại chẳng khác nào “muỗi đốt inox”.

16-03-40_6
Nhiều hộ dân thôn Tân thấp thỏm âu lo khi mùa mưa bão đến

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch xã Trần Xuân Lờ nhận định: “Tiềm lực của địa phương quá hạn hẹp không thể đảm đương nổi, nhất thiết phải có sự vào cuộc của các cấp, ngành mới gỡ bỏ được nút thắt. Tình trạng này kéo dài ngày nào thì người dân trong vùng bất an ngày đó, vì thế việc đầu tư dự án là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu”.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chủ trương đầu tư dự án “Kè chống sạt lở bờ biển khu vực Quảng Nham” do Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư đã nhận được sự chấp thuận của UBND tỉnh. Sau đó tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung danh mục dự án cấp bách thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020 với kinh phí dự kiến là 125 tỷ đồng, dự kiến sẽ xây dựng một tuyến kè đá chăn sóng dài khoảng 3 km cùng các công trình phụ trợ khác. Thời gian thực hiện kéo dài trong 3 năm (2018 – 2020), khi hoàn thành sẽ mang lại sự ổn định bền vững cho tuyến bờ biển Quảng Nham cũng như bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân, đồng thời góp phần quan trọng trong quá trình phát triển bền vững KT-XH vùng dự án được hưởng thụ.

Đây rõ ràng là tín hiệu hết sức đáng mừng, có điều mọi thứ đang nằm trên giấy khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính chưa đề xuất chủ trương và bố trí nguồn vốn…

Ông Trần Xuân Lờ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham khẳng định, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới những ngày qua trên địa bàn mưa xối xả với mưu lượng lớn đã làm ngập trắng băng nhiều tuyến đường. Riêng khu vực bờ biển thôn Tân, thôn Tiến tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn…

 

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.