| Hotline: 0983.970.780

Bịn rịn tiến "56", ngập ngừng đón "02"

Thứ Hai 17/01/2011 , 10:49 (GMT+7)

Vậy là đã 18 năm, từ ngày Nghị định 13 ra đời theo đề xuất của 3 Bộ: Bộ NN-CNTP, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Thủy sản đến nay công tác khuyến nông đã có 3 Nghị định.

Cuối tuần qua, tại Bình Dương, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị Khuyến nông toàn quốc tổng kết việc thực hiện Nghị định 56/2005/NĐ-CP và triển khai Nghị định 02/2010/NĐ-CP về công tác Khuyến nông. Vậy là đã 18 năm, từ ngày Nghị định 13 ra đời theo đề xuất của 3 Bộ: Bộ NN-CNTP, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Thủy sản đến nay công tác khuyến nông đã có 3 Nghị định. 

BỊN RỊN TIỄN “56”

Việc Nghị định 56/2005/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 13-CP đã giúp công tác khuyến nông huy động được các nguồn lực mới, trước hết là xã hội hóa nhân lực làm khuyến nông. Ngoài hệ thống khuyến nông làm chủ lực còn có hệ thống các viện, trường và rất nhiều tổ chức, xã hội làm nên “binh chủng hợp thành”. Cùng với tăng nhân lực là việc tăng tài lực, ngân sách giành cho công tác khuyến nông tăng 20% mỗi năm đều đặn trong nhiều năm liền. Trong 5 năm thực hiện NĐ 56 (2005 – 2010) ngân sách nhà nước đã chi 1.513,43 tỷ đồng cho công tác khuyến nông, cao hơn 2 lần so với giai đoạn 2000 – 2005. Bộ máy khuyến nông cũng phát triển mạnh, toàn hệ thống hiện nay đã có 33.260 cán bộ khuyến nông, 100% tỉnh thành có trung tâm khuyến nông…

Trong các năm qua, mặc dù có nhiều bất lợi do thiên tai nhiều hơn, khốc liệt hơn nhưng tất cả các ngành kinh tế Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản đều phát triển và đóng góp ngày càng lớn. Năm 2010, tổng kim ngạch XK đạt 19,25 tỷ USD tăng 22% so với 2009, sản lượng lúa đạt 39,9 triệu T, tăng 1 triệu T, xuất khẩu gạo đạt 6,8 triệu T tăng 0,8 triệu T …Không thể hình dung khi nói đến những thành tích ấy lại không đề cập đến đóng góp của công tác khuyến nông.

Hơn thế nữa, ngoài chuyên môn, cán bộ khuyến nông còn là tai mắt về nông nghiệp cho chính quyền các cấp; là cán bộ phát triển nông thôn thường trực ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khắn. Cán bộ khuyến nông có mặt trong các chiến dịch chống hạn, chống lụt, chống rầy nâu, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, tai xanh, cúm gia cầm H5N1 …

Tuy nhiên, công tác Khuyến nông theo Nghị định 56 cũng đã bộc lộ những hạn chế, đấy là chưa đáp ứng được cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, tập trung và nặng về bao cấp “xin tiền và chia tiền” và đấy cũng là nguyên nhân để Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông ra đời thay thế cho Nghị định 56

NGẬP NGỪNG ĐÓN “02”

Dịp này, UBND nhiều tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang … đã tặng bằng khen cho ông Tống Khiêm, GĐ Trung tâm Khuyến nông quốc gia vì những đóng góp cho công tác khuyến nông trên địa bàn. Sắp tới, ông Tống Khiêm sẽ bàn giao công việc cho người khác để nghỉ hưu.

So với Nghị định 56, Nghị định 02 có nhiều điểm mới, lần đầu tiên hệ thống tổ chức khuyến nông chặt chẽ, thống nhất theo 4 cấp được khẳng định với một tên gọi duy nhất (cấp quốc gia, tỉnh thành có tên gọi ‘TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG”, cấp huyện có tên “TRẠM KHUYẾN NÔNG”). Nghị định còn quy định chi tiết hệ thống khuyến nông cấp phường xã (xã đặc biệt khó khăn có ít nhất 2 khuyến nông viên); quỹ huyến nông; hoạt động dịch vụ tư vấn sau 18 năm không triển khai được nay được nghị định mới củng cố quyết tâm hơn; phân chia trách nhiệm rạch ròi giữa Bộ NN-PTNT với Chủ tịch UBND các tỉnh thành về công tác khuyến nông. Điều cơ bản nhất của nghị định mới là từ năm 2011, ngân sách trung ương giành cho khuyến nông không chia cho các địa phương nữa mà được chia theo kiểu nông dân được hưởng lợi từ các dự án khuyến nông quốc gia, đơn vị tổ chức khuyến nông được tham gia các dự án khuyến nông quốc gia qua đấu thầu cạnh tranh, được ưu tiên “làm thuê” cho những bên thắng thầu. Chính việc không được chia tiền dễ dàng như các năm trước nên đã nảy sinh tâm lý ngập ngừng, do dự khi triển khai nghị định mới, thậm chí có phản ứng.

Có tình trạng như hiện nay do việc triển khai nghị định 02 không đồng bộ. Thậm chí đến nay, UBND của 63 tỉnh thành chưa có nơi nào triển khai nghị định; Chưa có văn bản của tỉnh nào gửi Bộ Tài Chính đề nghị được hỗ trợ kinh phí khuyến nông (Nghị định 02 quy định nếu ngân sách địa phương không bố trí được thì đề nghị Bộ Tài chính cấp hỗ trợ); một số đọc chưa kỹ, hiểu chưa thấu nhưng do bức xúc trước nguy cơ “ngồi chơi xơi nước” nên đã vội phát biểu “Đã đẻ ra thì phải nuôi, sao lại bỏ đói” …

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, Nghị định 02 vừa là cơ hội, vừa là thách thức “phép thử” cho một số trung tâm khuyến nông và năng lực của lãnh đạo, nhưng thuận lợi vẫn là cơ bản vì với quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng hơn, chủ tịch UBND các tỉnh sẽ huy động được nhiều nguồn lực hơn, phục vụ thiết thực hơn cho công tác khuyến nông của địa phương đồng thời cán bộ khuyến nông có điều kiện phát triển hơn, thu nhập cao hơn khi đồng thời tham gia các dự án khuyến nông liên tỉnh. Trong điều kiện Nghị định 02 ngày 1/3/2011 mới có hiệu lực mà đã có tới 5 trung tâm khuyến nông tỉnh đăng ký tham gia dự án khuyến nông liên tỉnh (dự án khuyến nông quốc gia) là một bằng chứng cho thấy nghị định mới chẳng những là xu hướng tất yếu của phát triển mà còn có tính khả thi cao.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.