| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp xanh bên dòng sông lịch sử

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thứ Tư 01/05/2024 , 08:38 (GMT+7)

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Thanh trà Huế có vị thơm ngon đặc biệt, khó vùng đất nào có được. Ảnh: Công Điền.

Thanh trà Huế có vị thơm ngon đặc biệt, khó vùng đất nào có được. Ảnh: Công Điền.

Nhờ địa thế đặc biệt, nơi đây trồng được quả thanh trà thơm ngon nổi tiếng, từ hàng trăm năm trước đã trở thành sản vật “tiến vua”.

Thứ quả đặc biệt, đến vua chúa cũng mê

Nằm cách trung tâm TP Huế không xa là làng Thủy Biều (nay là phường Thủy Biều, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), một ngôi làng cổ có diện tích không quá lớn nhưng nổi tiếng ở vùng đất cố đô.

Khác với nhiều ngôi làng ở cố đô Huế đang bị tác động bởi những ồn ả, nhộn nhịp của phố thị thì ở Thủy Biều đến nay vẫn giữ được hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam xưa. Đó là những vườn cây ăn quả rợp bóng, những ngôi rường cổ kính, những con đường làng rợp bóng cây xanh...

Dẫu biết rằng khó có thể cưỡng lại xu thế đô thị hóa đang diễn mạnh mẽ, tác động đến từng con đường, từng ngõ xóm nhưng với người dân Thủy Biều, việc gìn giữ hình ảnh mộc mạc, đơn sơ của ngôi làng với những khu vườn thanh trà trĩu quả là niềm tự hào không dễ gì đánh đổi được.

Vườn thanh trà của gia đình ông Lê Văn Nhân ở phường Thủy Biều có khoảng 150 gốc. Ảnh: Công Điền.

Vườn thanh trà của gia đình ông Lê Văn Nhân ở phường Thủy Biều có khoảng 150 gốc. Ảnh: Công Điền.

Lần theo những trang sử cũ mới hay rằng, phường Thủy Biều xưa kia gồm 2 làng Nguyệt Biều và Lương Quán hợp thành. Tuy nhiên, ngày nay địa danh Thủy Biều được nhắc đến nhiều hơn và đã trở thành tên gọi chung để chỉ tên một phường nằm phía tây nam của TP Huế.

Một trong những điểm đặc biệt của phường Thủy Biều chính vị trí địa lý của nó khi nằm gọn trong sự bao bọc của dòng sông Hương. Cũng chính vì thế, hàng năm Thủy Biều nhận được một lượng lớn phù sa từ sông Hương, tạo nên sự màu mỡ, phì nhiều cho vùng đất này.

Theo những người già ở Thủy Biều, chính vì được thiên nhiên ưu đãi nên Thủy Biều đã trở thành vùng trồng thanh trà nổi tiếng của vùng đất cố đô từ hàng trăm năm nay.

Dân gian vẫn còn lưu truyền chuyện Minh vương Nguyễn Phúc Chu một lần du ngoạn sông Hương, khi đến làng Lương Quán (nay thuộc phường Thủy Biều) thì thấy non nước hữu tình, có hoa thơm trái ngọt nên vị quân vương này đã ghé thăm. Tại đây, dân làng ngắt trái thanh trà làm lễ vật dâng chúa thưởng thức.

Thanh trà Huế là đặc sản tiến vua từ hàng trăm năm trước. Ảnh: Công Điền.

Thanh trà Huế là đặc sản tiến vua từ hàng trăm năm trước. Ảnh: Công Điền.

Vừa ăn xong, chúa tấm tắc khen ngon và lệnh cho dân làng mở rộng trồng thêm. Từ đó, cứ vào giữa tháng 7 âm lịch hàng năm, trái thanh trà chín rộ, dân làng lại chọn ra những quả ngon nhất mang vào kinh thành tiến vua chúa để được ban thưởng. Và thanh trà trở thành nông sản tiến vua từ thuở đó.

Ngọt thơm thanh trà xứ Huế

Chúng tôi đến thăm vườn thanh trà của lão nông Lê Văn Nhân (60 tuổi, phường Thủy Biều) trong cái nắng gay gắt của những ngày đầu hạ. Dù thời tiết đang oi bức nhưng vừa bước qua cánh cửa của khu vườn là một cảm giác dịu mát tỏa ra như muốn níu giữ chân người khách lạ.

Trong khu vườn xanh mướt, rợp bóng cây xanh có diện tích khoảng 4.000m2, gia đình ông Nhân trồng 150 gốc thanh trà. Đây chủ yếu là giống thanh trà truyền thống có từ đời ông bà để lại.

Cùng khách trò chuyện dưới bóng những cây thanh trà xanh mát, ông Nhân kể rằng từ tuổi thơ đến nay, cuộc đời ông đã gắn liền với cây thanh trà cho nên đối với ông, thứ quả này có cũng có hồn cốt như chính mảnh đất hương hỏa nơi vợ chồng ông đang sinh sống.

Ở Huế nhiều vùng cũng có thể trồng được thanh trà nhưng thơm ngon và nổi tiếng nhất chỉ có ở Thủy Biều. Ảnh: Công Điền.

Ở Huế nhiều vùng cũng có thể trồng được thanh trà nhưng thơm ngon và nổi tiếng nhất chỉ có ở Thủy Biều. Ảnh: Công Điền.

Theo ông Nhân, ở Huế nhiều vùng cũng có thể trồng được thanh trà như ở Dương Hòa thuộc thị xã Hương Thủy, Hương Vân thuộc thị xã Hương Trà hay Phong Thu thuộc huyện Phong Điền nhưng có lẽ thơm ngon, nổi tiếng nhất thì phải kể đến thanh trà ở Thủy Biều.

Như một nhà thực vật học chuyên nghiệp, ông Nhân cho biết thanh trà nở hoa vào mùa xuân, khoảng độ tháng giêng trở đi. "Vào mùa hoa nở, chú cứ đến đây sẽ được đắm chìm trong mùi hương của thanh trà. Mùi hương của loài cây thuộc họ bưởi hòa lẫn trong gió xuân lan tỏa mãi khắp các đường làng ngõ xóm là ấn tượng khó quên đối với bất kỳ ai lần đầu đến với vùng đất này".

Rồi khi mùa hè đến là lúc thanh trà ra trái, từng trái có kích thước cân đối, có màu xanh đẹp mắt và rất chắc tay. Sau một thời gian hấp thụ dinh dưỡng từ mạch nước sông Hương, đến khoảng tháng 7 - 8 âm lịch thanh trà bắt đầu bước vào thu hoạch chính vụ. Đây cũng là thời điểm thanh trà có hương vị thơm ngon nhất.

Nhiều người cho rằng, thanh trà là giống bưởi đất Bắc, khi đến Huế nhờ điều kiện khí hậu thổ nhưỡng nơi đây mà cho hương vị riêng. Nhưng theo kinh nghiệm của ông Nhân, nhìn tổng quan, thanh trà Huế có hình dáng nhỏ hơn các loại bưởi khác, có hương vị đặc trưng rất riêng.

Những đường làng ở Thủy Biều rợp bóng thanh trà. Ảnh: Công Điền.

Những đường làng ở Thủy Biều rợp bóng thanh trà. Ảnh: Công Điền.

"Một trái thanh trà Huế chỉ nặng tầm 0,7 - 1kg, không như những loại bưởi khác có trọng lượng lên đến vài ký lô", ông Nhân chia sẻ.

Đặc biệt, theo lời ông Nhân, quả thanh trà ở Thủy Biều khi chín có vị ngọt thanh, chua nhẹ, vỏ ngã màu vàng mơ, bóc vỏ ngửi có vị cay nồng mà chỉ có người Huế chính gốc mới cảm nhận được. Có thể do thanh tra trồng ở đây nhờ vào chất đất, nước sông Hương nên đã tạo nên vị ngọt thanh không lẫn vào đâu.

Ông Nhân kể rằng, trước kia, người trồng thanh trà ở Thủy Biều chủ yếu nhờ vào kinh truyền thống đúc rút từ các thế hệ trước truyền lại. Khoảng 15 năm nay, được sự hỗ trợ của chính quyền trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên mẫu mã, chất lượng quả thanh trà được nâng cao.

Theo ông Võ Đăng Thái, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, vùng trái cây thanh trà đặc sản của Huế với hơn 1.000 hộ dân có vườn trồng, chủ yếu nằm dọc sông Hương. Ở địa phương, thanh trà được trồng ở nhiều nơi nhưng thơm ngon và nổi tiếng nhất là ở Thủy Biều.

"Đến nay, toàn phường có 150ha thanh trà, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Vài năm tở lại đây, để đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị từ trái thanh trà, nhiều gia đình đã chế biến thành các loại đặc sản Huế được khách hàng ưu chuộng như mứt, rượu, gỏi thanh trà… Đây là hướng đi mới, phường rất khuyến khích và sẽ có chính sách hỗ trợ", ông Thái thông tin.

Đặc thù thổ nhưỡng ở Thủy Biều nằm bên dòng sông Hương đã ban tặng cho nơi đây những quả thanh trà thơm ngon nức tiếng. Ảnh: Công Điền.

Đặc thù thổ nhưỡng ở Thủy Biều nằm bên dòng sông Hương đã ban tặng cho nơi đây những quả thanh trà thơm ngon nức tiếng. Ảnh: Công Điền.

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, để tôn vinh những giá trị tinh hoa của nghề trồng và chăm sóc cây thanh trà đến với các thế hệ người dân Thủy Biều nói riêng và người Huế nói chung, hàng năm Thành phố đã tổ chức "Lễ hội thanh trà Huế". Đến nay, Thành phố đã tổ chức được 7 lần, góp phần lan tỏa, quảng bá sản phẩm thanh trà đến với du khách gần xa.

Cùng với đó, từ nhiều nguồn lực khác nhau, Thành phố sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người trồng thanh trà tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là trong khâu giống, chăm sóc, chế biến để đưa sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, phục vụ du lịch, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch.

Thanh trà là loại quả đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Thanh trà Huế”. Loại trái cây đặc sản này cũng đã lọt vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam vào năm 2016 theo bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất