Bà Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) cho rằng, bình đẳng giới trong an ninh lương thực, đảm bảo an ninh lương thực cho nhóm người yếu thế phải bằng hành động cụ thể.
Theo báo cáo mới được FAO công bố, hơn một phần ba lực lượng lao động nữ trên thế giới đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, từ các quy trình sản xuất thực phẩm cũng như các sản phẩm nông nghiệp phi thực phẩm, cho đến các hoạt động lưu trữ, vận chuyển, chế biến và phân phối thực phẩm.
Tuy nhiên, lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp hiện được trả lương thấp hơn khoảng 20% so với lao động là nam giới. Việc ít được tiếp cận kiến thức và nguồn lực hơn khiến năng suất lao động của nữ giới thấp hơn 24% so với nam giới.
Thực trạng phổ biến ở nhiều quốc gia là phụ nữ chỉ được giữ vai trò "bên lề" trong hệ thống sản xuất nông nghiệp. Lao động nữ phải làm việc trong các điều kiện khó khăn hơn nam giới và đa phần chỉ được giao những công việc tạm thời, bán thời gian, không chính thức hoặc đòi hỏi tay nghề thấp.
Tỷ lệ nam giới sở hữu tài sản hoặc được bảo đảm quyền đối với đất nông nghiệp cao gấp hai lần so với nữ giới tại hơn 40% quốc gia có cung cấp dữ liệu về quyền sở hữu đất đai của nữ giới. Ở nhiều quốc gia, tốc độ cải cách khung pháp lý để bảo đảm quyền sở hữu tài sản liên quan đến canh tác nông nghiệp của nữ giới chậm ở mức đáng báo động.
Trong khi đó, theo các chuyên gia về lương thực của Liên hợp quốc, nếu được bảo đảm đầy đủ các quyền, lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, thực phẩm nói riêng có thể đem tới tiềm năng vô cùng lớn. Báo cáo của FAO chỉ ra rằng, các dự án nông nghiệp trao quyền cho phụ nữ mang lại những lợi ích xã hội rộng khắp.
Theo tính toán của giới chuyên gia, nếu một nửa số nhà sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trên thế giới được hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích trao quyền cho phụ nữ sẽ nâng cao đáng kể thu nhập của khoảng 58 triệu người, tăng khả năng phục hồi cho khoảng 235 triệu người.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) cho rằng, cần lồng ghép bình đẳng giới trong các chính sách, chương trình dự án liên quan đến hệ thống lương thực thực phẩm.
Thứ hai, tuyên truyền, nâng cao năng lực giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để đảm bảo bình đẳng giới. Đối với nữ nông dân, người lao động trong hệ thống lương thực thực phẩm (HTLTTP) cần được nâng cao năng lực về vận động chính sách, có khả năng trình bày những khó khăn và đưa ra đề xuất, với các đối tượng khác kể cả nam để hiểu đúng về bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong HTLTTP.
Thứ ba, cần xây dựng mô hình phụ nữ nông thôn nâng cao vai trò trong HTLTTP như mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường (nữ lãnh đạo); phụ nữ với biến đổi khí hậu với sự vào cuộc của các bên liên quan… từ đó huy động nguồn lực nhân rộng mô hình.
Một vấn đề khác mà bà Hà đề cập, đó là biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến các cộng đồng dân cư. Tùy theo khu vực, biến đổi khí hậu tác động khác nhau. Cộng đồng nghèo và khu vực dễ bị tổn thương như ven biển, vùng sâu vùng xa... bị tác động nhiều hơn.
Phụ nữ yếu thế (phụ nữ nghèo, ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc) được nhận diện là đối mặt những tác động tiêu cực hơn từ biến đổi khí hậu như thất nghiệp, chuyển đổi nghề, lo lắng, an toàn, sức khỏe và dinh dưỡng.
Để giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu, phụ nữ tiếp cận những chương trình an sinh xã hội và phát triển địa phương. Tuy nhiên, do nguồn lực xã hội (trình độ, ngôn ngữ, văn hóa - tín ngưỡng, kinh tế, đất đai, tình trạng gia đình, vị trí sinh sống, năng lực địa phương...) còn hạn chế, họ không thể thích nghi hiệu mặc dù họ vẫn tham gia hiệu quả một số chương trình.
“Biến đổi khí hậu và bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa tác động mỗi người khác nhau. Nhà nước có những chính sách kịp thời và hợp lý cho nhóm dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tiếp cận kịp thời, và năng lực các bên liên quan vẫn còn hạn chế, tất cả mọi người không được hưởng lợi như nhau.
Cần có những chương trình an sinh xã hội và phát triển địa phương hợp lý hơn để nhóm phụ nữ yếu thế có thể tiếp cận và thích nghi an toàn hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, và tiến trình CNH-HĐH: xây dựng mô hình HTX kinh doanh - sinh kế hiệu quả và thích nghi và giảm thiểu BĐKH; xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả hơn và thích nghi và giảm thiểu BĐKH để nâng cao thu nhập cho người dân, và đồng thời nhóm yếu thế địa phương được hưởng lợi từ nhóm ngành này”, bà Hà chia sẻ.
Phải có hành động sớm
Mục tiêu bình đẳng giới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhóm đối tượng yếu thế, thời gian qua, Hội Nông dân đã triển khai bằng hành động cụ thể thông qua các dự án dành cho các nhóm đối tượng này.
Phó Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Nguyễn Thị Việt Hà cho biết, Hội Nông dân đang khởi động Dự án hỗ trợ nữ nông dân và lao động thời vụ trong chuỗi giá trị tôm, lúa gạo tại Việt Nam được triển khai tại các tỉnh ĐBSCL.
Mục tiêu của dự án nhằm góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho lao động nữ trong nông nghiệp.
Dự án này được triển khai tại 5 tỉnh của ĐBSCL - vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, trong đó sản xuất tôm và lúa chiếm lần lượt 95% và 58% sản lượng cả nước, đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế khu vực và cả nước.
Hai phân ngành này sử dụng nhiều lao động, thu hút sự tham gia của hàng triệu nông dân quy mô nhỏ và công nhân, phần lớn tập trung ở các công đoạn sản xuất và chế biến của chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, hai chuỗi giá trị này hiện còn tồn tại một số thách thức trong lĩnh vực an sinh xã hội (ASXH), quyền lao động và bình đẳng giới. Cụ thể là vấn đề rào cản trong tiếp cận an sinh xã hội, vấn đề an toàn vệ sinh lao động, quyền tiếp cận việc làm tử tế và phát triển sinh kế bền vững của các nữ nông dân và lao đồng thời vụ nông nghiệp không được đảm bảo và vấn đề bất bình đẳng giới.
Chính vì thế, nhằm giúp các nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo được tiếp cận an sinh xã hội, chính sách bảo trợ xã hội, việc làm tử tế, sinh kế bền vững, cải thiện điều kiện lao động, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam xây dựng dự án này.
“Kết quả mong đợi của dự án là sẽ có 16.800 nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại 5 tỉnh tham gia dự án được nâng cao nhận thức và năng lực về quản lý vận hành tổ nhóm, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động, an sinh xã hội… 80 tổ nhóm nông dân trong chuỗi giá trị tôm, lúa gạo được củng cố và phát triển, tăng cường năng lực hợp tác và hoạt động tập thể. Có 5 sáng kiến do nữ giới lãnh đạo hướng đến thực hành an toàn vệ sinh lao động, an sinh xã hội và tiếp cận việc làm/sinh kế bền vững được hỗ trợ phát triển. Có 5 sáng kiến hợp tác đa bên được củng cố và phát triển”, bà Hà thông tin.