Tuy nhiên, đến nay mới chỉ rục rịch xây dựng 1 cơ sở, nhưng tiến độ như... rùa bò.
Chấn chỉnh giết mổ tràn lan
Bình Định hiện có trên 500 điểm giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC), hầu hết của tư nhân hình thành tự phát, nằm rải rác trong khu dân cư. Đáng quan ngại là điều kiện giết mổ của các cơ sở không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ lây lan dịch bệnh.
Kiểm tra tiến độ xây dựng cơ sở giết mổ động vật của Cty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định
Với quyết tâm chấn chỉnh tình trạng trên, năm 2015 Bình Định phê duyệt Đề án "Quy hoạch cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020", đồng thời chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt bằng nhiều giải pháp.
Theo đó, giai đoạn 2015 - 2017, Bình Định sẽ đầu tư xây dựng mới 13 cơ sở giết mổ động vật. Tại TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước mỗi địa phương 2 cơ sở; TX An Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão mỗi địa phương 1 cơ sở. Tổng công suất giết mổ mỗi ngày đêm khoảng 36 con bò, 1.260 con heo và 10.000 con gia cầm. Nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ và cá nhân đưa GSGC vào giết mổ đều được tỉnh hỗ trợ.
Tỉnh Bình Định giao Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức công khai quy hoạch và chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật; đồng thời giám sát thực hiện quy hoạch, kịp thời trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và cơ chế, chính sách cho phù hợp. Trước mắt, từ năm 2015 - 2016 sẽ xây dựng thí điểm 2 cơ sở giết mổ tại TP Quy Nhơn, sau đó nhân rộng các địa phương khác.
Khó đảm bảo lộ trình
Tuy nhiên đến nay mới chỉ có Cty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật công suất 400 con heo/ngày đêm tại khu vực 9, phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn). Tiến độ thực hiện rất chậm. Các hạng mục tường rào cổng ngõ, khu giết mổ, chuồng nuôi gia súc, khu xử lý nước thải, trạm điện... vẫn còn dở dang.
Nhiều hạng mục xây dựng dở dang
Ông Đào Văn Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, Sở đã phối hợp với UBND TP Quy Nhơn hướng dẫn Cty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật.
“Mặc dù trong quá trình thực hiện dự án chúng tôi thường xuyên đến hiện trường để đôn đốc, nhắc nhở DN thực hiện đúng quy định và quy trình đầu tư theo các phân khu chức năng.
Tuy nhiên, do DN chưa bám sát chủ trương chính sách và quy định của tỉnh, chưa hoàn chỉnh hồ sơ xây dựng, thiết kế, đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn thực hiện xây dựng một số hạng mục công trình. Vì vậy, qua kiểm tra, ngành chức năng của tỉnh và TP Quy Nhơn đã yêu cầu DN tạm dừng xây dựng các hạng mục để hoàn thiện các thủ tục cần thiết”, ông Hùng cho biết.
Cũng theo ông Đào Văn Hùng, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP Quy Nhơn và DN để cùng nhau giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại; hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện việc đánh giá tác động môi trường và hồ sơ xây dựng; xây dựng phí dịch vụ giết mổ trình HĐND tỉnh xem xét.
Thực hiện đề án quy hoạch cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn là một trong những giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, với tiến độ như hiện nay, Bình Định rất khó có thể đảm bảo được lộ trình đề ra. |