Không chọn việc nhẹ nhàng
Quỳnh kể, trong quá trình theo học tại Đại học Công nghệ Sài Gòn, Quỳnh đã “bén duyên” với nấm qua người thầy dạy sinh học.
Phan Kim Nhật Quỳnh thu hoạch nấm trong nhà trồng. |
Trong quãng thời gian đó, vừa học, Quỳnh vừa mày mò nghiên cứu về các loại nấm. Không một địa phương nào có phong trào sản xuất nấm mạnh trong cả nước mà Quỳnh không ghé lại để học hỏi, từ các tỉnh miền Tây đến Củ Chi (TP.HCM), Đồng Nai, Bình Thuận… Mỗi nơi đến Quỳnh đều thu lượm một ít kinh nghiệm.
Sau khi trang bị cho mình được một số vốn liếng kiến thức kha khá về nấm, Quỳnh quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp với cây nấm. Sau khi khảo sát, Quỳnh thấy sản xuất nấm rơm là phù hợp nhất, bởi loại nấm này phù hợp với thời tiết ở Bình Định.
Hơn nữa, nguyên liệu rơm để làm nấm ở trong tỉnh thì “vô tư”, với diện tích đất canh tác lúa hàng năm lên đến trên 100.000ha. Hiện nay rơm đang rất ế ẩm, nông dân phải đốt ngoài ruộng. Thêm vào đó, thị trường nấm rơm tươi vẫn còn “bát ngát”, cung không đủ cầu, nấm tươi trong các siêu thị còn thiếu vắng hơn.
Tìm hiểu nguyên nhân Quỳnh được biết, do nấm rơm nông dân sản xuất đại trà không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nên các siêu thị không thu mua để bán. Lội đồng để tìm hiểu quy trình sản xuất nấm rơm của nông dân, Quỳnh thấy với kiểu làm này thì chẳng thể cho ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vả lại, phương thức sản xuất nấm rơm truyền thống của nông dân hiện nay cho năng suất rất thấp. Gom góp lượm lặt từ thực tế, Quỳnh quyết định triển khai mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín với quy trình cho ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sản phẩm nấm trồng trong nhà kín to đều, bóng, sạch hơn nhiều so nấm trồng ngoài ruộng. |
Về quê với mớ kiến thức làm nấm rơm mà trong tay không có vốn liếng, Quỳnh phải “bấu víu” vào bố mẹ để có tiền dựng 2 gian nhà trồng nấm và mua máy cắt rơm.
“Hai gian nhà trồng rộng 50m2/gian với nền bê tông, khung sắt, kệ sắt, giàn lưới, bạt che chi phí mất 100 triệu đồng. Mua máy cắt rơm mất 26 triệu đồng nữa, đó là chưa kể tiền mua nguyên liệu. Để chi phí cho công cuộc làm nấm rơm sạch của em, bố mẹ phải “móc hầu bao” cả mấy trăm triệu đồng để em thực hiện ước mơ của mình”, Phan Kim Nhật Quỳnh bộc bạch.
Để tinh giảm chi phí cho bố mẹ, trong quá trình sản xuất, từ công đoạn ủ rơm, cấy meo giống, chăm sóc, thu hoạch Quỳnh đều đảm nhận tất. “1 cuộn rơm đưa từ ngoài đồng về phải nặng hơn 10kg. Trước khi đưa ra máy cắt để ủ, rơm phải được ngâm nước. Khi ấy trọng lượng cuộn rơm tăng lên phải hơn 15kg, vậy mà em ôm cho vào máy cắt gọn trơn.
Trước giờ, hết ngồi ghế nhà trường, ra đi làm cũng chỉ làm những công việc nhẹ nhàng, bây giờ phải “động chân động tay” như một nông dân thực thụ, cứ tưởng mình không kham nổi. Thế nhưng với lòng đam mê em vượt qua tất cả, công việc cứ quen dần. Sau này, khi mở rộng sản xuất em mới tính đến chuyện thuê nhân công”, Quỳnh chia sẻ.
Từ nấm rơm sạch đến những sản phẩm từ nấm
Theo Quỳnh, trồng nấm rơm trong nhà kín ngăn chặn được các loại sâu bọ, chuột, dán xâm nhập vào khu sản xuất và kiểm soát được không khí nên sản phẩm được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phan Kim Nhật Quỳnh kiểm soát nhiệt độ trong nhà trồng nấm. |
“Trồng nấm rơm trong nhà kín mình kiểm soát được nhiệt độ phù hợp nên nấm cho năng suất cao gấp đôi so với trồng ngoài trời theo phương pháp truyền thống”, Quỳnh cho hay.
Hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín của Quỳnh với 1 tấn rơm nguyên liệu có thể cho ra 100kg/nấm, đạt 10%. Trong khi đó, nông dân trồng nấm rơm đại trà ngoài trời năng suất đạt chỉ 5% (50kg nấm/1 tấn rơm nguyên liệu). Sản phẩm nấm của Quỳnh trông rất đẹp mắt, no tròn, bóng.
“Rơm cần phải được cắt nhỏ ra để khi ủ rơm nhanh chín, và chín đều, đó là yếu tố rút ngắn thời gian. Còn yếu tố quyết định năng suất nấm là công đoạn ủ tơ, trong giai đoạn này nhiệt độ phải đảm bảo dao động từ 35 - 37oC, phủ đều cả nhà nấm, có như vậy tơ mới phát triển tối ưu nhất để cho năng suất cao.
Trồng nấm ngoài trời mình không kiểm soát được nhiệt độ, nếu nhiệt độ không thuận lợi nấm sẽ cho năng suất thấp. Nấm trồng trong nhà kín, hái xong để cả 24 tiếng đồng hồ ngoài tự nhiên nhưng nó không bị biến dạng nhiều, chỉ se khô bề mặt. Còn nấm trồng ngoài trời sau khi hái nếu để lâu nấm sẽ bị mềm nhũn, xàu rũ ra trông không ngon mắt”, Quỳnh cho hay.
Hiện sản phẩm nấm tươi đang được ăn mạnh tại thị trường Bình Định với giá rất cao, được thương lái thu mua 90.000 đồng/kg, giá bán lẻ tại các chợ đến 120.000 đồng/kg. Vào thời điểm ngày rằm và mồng một, có nhiều người ăn chay, khiến giá nấm có thể tăng vọt lên đến 160.000 - 170.000 đồng/kg.
“Ở TP Quy Nhơn, Diêu Trì (huyện Tuy Phước), TX An Nhơn nơi nào cũng có từ 7 - 10 thương lái chuyên đi thu mua nấm tươi cung cấp cho người bán lẻ tại các chợ. Chỉ cần mỗi ngày 1 thương lái thu mua 100kg nấm là các vùng sản xuất nấm trong tỉnh không đủ cung cấp. Đó là chưa kể những thương lái ở Bình Định chuyên thu mua nấm tươi cung ứng cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên. Tiềm năng về đầu ra của nấm tươi là rất lớn, đó là động lực để em triển khai sản xuất quy mô lớn”, Quỳnh phân tích.
Giai đoạn trồng thử nghiệm để tối ưu hóa năng suất cơ bản đã thành công, Quỳnh đang bước đến giai đoạn 2 là mở rộng quy mô sản xuất với 20 nhà trồng với năng suất đạt 100kg nấm tươi/ngày.
Phan Kim Nhật Quỳnh với những sản phẩm chế biến từ nấm rơm. |
Không dừng lại ở đó, Quỳnh còn có kế hoạch sau này sẽ chuyển giao kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà kín cho nông dân trên địa bàn, với quy trình không sử dụng bất cứ chất hóa học nào vào sản xuất, để vừa nâng cao năng suất vừa cải thiện chất lượng nấm phù hợp với tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Hiện em đã làm được một số sản phẩm từ nấm như nấm ngâm tiêu, chả nấm, nấm rơm sấy khô, ba tê nấm. Sau khi chuyển giao quy trình trồng nấm rơm sạch cho nông dân, em sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm để đưa vào chế biến. Về những mặt hàng chế biến từ nấm em đã làm việc qua với các siêu thị ở Quy Nhơn, tương lai rất khả quan. Hiện em chỉ còn chờ chính quyền địa phương cho thuê đất và các cơ quan chức năng giúp đỡ về tài chính để triển khai sản xuất”, Quỳnh bộc bạch.
Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Ðịnh năm 2019 có 25 dự án tham gia, trong đó 10 dự án lọt vào vòng chung kết. Tại cuộc thi này, dự án Cơ sở sản xuất nấm An Nhơn của Phan Kim Nhật Quỳnh được trao giải đặc biệt vì đã đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ cao nhằm khắc phục khó khăn trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. |