| Hotline: 0983.970.780

Bình Định dốc sức xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu 07/10/2022 , 10:40 (GMT+7)

Bây giờ, về Bình Định, đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được vùng nông thôn nào cũng mang diện mạo mới, đó là nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) mang lại.

Nhiều thách thức phía trước

Đầu năm 2022, trong 113 xã trên địa bàn tỉnh Bình Định đăng ký xây dựng NTM có 2 nhóm xã; nhóm 1 có 83 xã, trong đó có 81xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,68%; 2 xã đã hoàn thành hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận năm 2021, chiếm 1,77%. Nhóm 2 có 30 xã, trong đó có 5 xã đã đạt từ 15-18 tiêu chí, chiếm 4,42%; 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, chiếm 16,81%; 6 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, chiếm 5,31%.

Trong năm 2022, toàn tỉnh Bình Định có 4 xã đăng ký về đích NTM  gồm xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh), xã Mỹ Thắng và Mỹ Ðức (huyện Phù Mỹ) và xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân). Ðến nay, cả 4 địa phương nói trên đang gấp rút triển khai thực hiện các tiêu chí, đặt mục tiêu về đích đúng kế hoạch.

Empty

Trong xây dựng NTM, tỉnh Bình Định là điểm sáng về tiêu chí giao thông nông thôn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Bình Định, cái khó của các địa phương trong thực hiện xây dựng NTM trong năm 2022 là hầu hết các xã đều có xuất phát điểm rất thấp, tiềm lực hạn chế. Thế những các tiêu chí để được công nhận xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 có nhiều điều chỉnh theo hướng nhiều hơn, nâng cao hơn. Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 về cơ bản vẫn giữ 19 tiêu chí, nhưng tăng thêm 8 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu tăng thêm này được chia nhỏ ra, cụ thể hơn và nâng cao hơn so với giai đoạn trước.

Cùng với đó, một số tiêu chí với các chỉ tiêu phân cấp cho Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh quy định cụ thể. Ví như giai đoạn 2016-2020, tiêu chí 13 là tổ chức sản xuất chỉ có 2 chỉ tiêu là xã có HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và xã có mô hình sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Thế nhưng trong giai đoạn 2021-2025, với tiêu chí 13 đã tăng thêm 3 chỉ tiêu và phân cấp cho UBND tỉnh quy định cụ thể gồm: Thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Empty

Xây dựng NTM ở Bình Định có sự đóng góp lớn của lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn. Ảnh: V.Đ.T.

Hoặc như tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, ở giai đoạn trước chỉ có 8 chỉ tiêu, giai đoạn 2021-2025 tăng lên 10 chỉ tiêu. Trong đó, theo phân cấp, chỉ tiêu về đất cho cây xanh sử dụng công cộng tại khu dân cư do Bộ NN-PTNT quy định, chỉ tiêu về mai táng do UBND tỉnh quy định cụ thể phù hợp với thực tế của địa phương; các tiêu chí về nước sạch, vệ sinh môi trường cũng được điều chỉnh nâng cao hơn.

Dồn hết nỗ lực

Trong năm 2022, huyện Phù Mỹ có 2 xã bãi ngang là Mỹ Đức và Mỹ Thắng đăng ký về đích NTM. Ở thời điểm đăng ký, xã Mỹ Đức đã đạt 14/19 tiêu chí, xã Mỹ Thắng đạt 13/19 tiêu chí. Theo Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, hiện 2 xã này đang gấp rút triển khai thực hiện các tiêu chí, các tiêu chí có khả năng hoàn thành trước tập trung thực hiện trước, thận trọng từng bước, đảm bảo đúng quy định nhưng phải đi kèm với chất lượng.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện này đang phối hợp chặt chẽ với 2 địa phương nói trên, thường xuyên bám sát để kịp thời có những chỉ đạo phù hợp trong triển khai. Thế nhưng 2 xã bãi ngang nói trên đang đối mặt với những thách thức về những quy định nâng cao các chỉ tiêu cụ thể, ví như tiêu chí phân loại rác tại nguồn phải đạt trên 30%.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, tại gia đình người dân có thể phân loại đạt yêu cầu, thế nhưng khi thu gom, tập kết lại không phân loại nữa, điều này khiến việc phân loại ban đầu mất ý nghĩa. Do đó, với bộ tiêu chí mới, để đáp ứng được các quy định, ngoài nỗ lực của địa phương, các địa phương rất cần sự hỗ trợ của chính quyền các cấp từ huyện, tỉnh cho đến Trung ương. Có được vậy thì việc xây dựng NTM ở những vùng đất khó mới có động lực vươn lên.

Empty

Ở xã vùng cao An Dũng thuộc huyện miền núi An Lão (Bình Định) hiện cũng mang diện mạo mới. Ảnh: V.Đ.T.

Hoặc như ở huyện Hoài Ân, địa phương này đăng ký về đích NTM năm 2022 cho xã Ân Nghĩa, 1 địa phương vùng sâu của huyện. Khi đăng ký, xã Ân Nghĩa đạt 13/19 tiêu chí. Với 6 tiêu chí còn lại, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Hoài Ân hướng dẫn Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Ân Nghĩa phân kỳ thời gian, tập trung củng cố và hoàn thiện các tiêu chí. Với nhiều nỗ lực, trong tháng 5 vừa qua, xã Ân Nghĩa đã hoàn thiện 3 tiêu chí gồm quy hoạch, thu nhập của người dân và tổ chức sản xuất phát triển kinh tế nông thôn.

“Ngay từ đầu năm, Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Bình Định đã phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương tham mưu Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Triển khai bộ tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, để có cơ sở hướng dẫn các địa phương triển khai. Đồng thời ghi nhận các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để trình các cấp thẩm quyền xem xét, từng bước tháo gỡ”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.