| Hotline: 0983.970.780

Bình Định hướng tới rừng gỗ lớn

Thứ Hai 24/05/2021 , 10:31 (GMT+7)

Bình Định hiện có hơn 2.666 ha rừng trồng gỗ lớn, tăng trưởng gỗ bình quân 25 m3/ha/năm. Tỉnh đã phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững với diện tích hơn 37.470 ha

Đổi thay nhận thức trong bảo vệ, phát triển rừng

Sau 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Bình Định đã tạo được chuyển biến tốt trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Hơn 340.000 ha rừng hiện có của Bình Định đã được bảo vệ tốt trong những năm qua, nhờ tỉnh này thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cùng chính sách khoán bảo vệ rừng.

Rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Định, công tác giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh những diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cho các tổ chức, hộ dân sống cạnh rừng đã tạo thu nhập cho bà con, góp phần ổn định cuộc sống, nên đã gắn được họ với trách nhiệm bảo vệ rừng (BVR). Nhờ vậy, độ che phủ rừng của Bình Định tăng trưởng hằng năm.

Theo ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định: Nếu như vào năm 2016, độ che phủ rừng ở Bình Định chỉ 52,5% thì đến năm 2020 đã tăng lên 56,03%. So giai đoạn 2011 - 2015, số vụ vi phạm pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp giảm 54,12%, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 57,31%.

Ban quản lý (BQL) Rừng đặc dụng An Toàn (huyện An Lão) là một trong những đơn vị làm tốt công tác BV-PTR trong những năm qua. Trong nhiệm vụ này, đơn vị đã trực tiếp làm việc với UBND xã An Toàn về công tác bảo vệ, giao khoán rừng và PCCCR.

Hai bên thống nhất chủ trương và cùng tổ chức thực hiện. Những cuộc họp dân thường xuyên được tổ chức để tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan tới BVR và PCCCR đến từng hộ dân trên địa bàn xã An Toàn và thôn O2 thuộc xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh).

Rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

BQL Rừng đặc dụng An Toàn còn phối hợp với Hội phụ nữ và Công an huyện An Lão tổ chức 3 buổi tuyên truyền pháp luật tại 3 thôn với 150 người dân tham gia, đồng thời thực hiện xây dựng mô hình thí điểm truyền thông môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học cấp xã tại khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn.

Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc BQL Rừng đặc dụng An Toàn cho hay: Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân trong công tác BVR và PCCCR trên địa bàn được nâng lên, đã ngăn chặn hiệu quả tình hình khai thác lâm sản, phá rừng trái pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết giai đoạn 2016 - 2020, Bình Định đã thực hiện công tác giao khoán BVR được gần 575 nghìn ha, đạt 110,5% so với kế hoạch. Cũng trong thời gian này, Bình Định đã giao khoán khoanh nuôi, tái sinh rừng được gần 29.500 ha, đạt 42,2% so với kế hoạch.

Công tác giao khoán BVR và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng đã hỗ trợ cho người dân một khoản kinh phí để trang trải cuộc sống. Nhờ đó, đã hạn chế được việc phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép, chặt củi đốt than.

Đồng thời, tạo được mối gắn bó giữa người dân với chủ rừng. Mối liên kết này đã hỗ trợ tích cực cho ngành chức năng trong công tác BVR. Kết quả cho thấy, số vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm 54,12%, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 57,31% so với giai đoạn 2011 - 2015. 

Nhân viên Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định) đi tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhân viên Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định) đi tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hướng tới lâm nghiệp bền vững

Để phát triển ngành lâm nghiệp đi theo hướng bền vững, trong thời gian tới, Bình Định sẽ áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng.

Trong 5 năm thực hiện Chương trình MTQG Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, Bình Định đã trồng được hơn 50.600 ha rừng trồng, đạt 111,3% so với kế hoạch. Trong đó, rừng trồng sản xuất hơn 48.223 ha; rừng trồng phòng hộ, đặc dụng hơn 2.415 ha.

Đối với trồng rừng phòng hộ, những năm gần đây Bình Định đã phát triển trồng rừng hỗn loài trên quy mô rộng với nhiều loài cây bản địa như sao đen, lim xanh nhằm nâng cao hiệu quả phòng hộ, góp phần phục hồi hệ sinh thái rừng, bảo vệ đa dạng sinh học.

Đối với rừng sản xuất tập trung có nhiệm vụ chủ yếu cung cấp gỗ nguyên liệu cho nhà máy chế biến, vì vậy công tác chọn giống cây trồng chất lượng cao rất được chú trọng và rừng được đầu tư theo hướng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng.

Năng suất gỗ rừng trồng bình quân ở Bình Định hiện đạt khoảng 110 m3/ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 43.178 ha, sản lượng đạt gần 4.890 m3.

Vườn giống cây lâm nghiệp của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn phục vụ công tác trồng rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vườn giống cây lâm nghiệp của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn phục vụ công tác trồng rừng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Phát triển cây gỗ lớn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035 của UBND tỉnh Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này đã có 3 đơn vị đầu tư trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn là: Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn,  Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn.

Đến năm 2020, Bình Định đã có hơn 2.666 ha rừng trồng gỗ lớn, trong đó diện tích chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn gần 1.447 ha; trồng lại rừng sau khai thác gần 1.220 ha; rừng trồng mới 298 ha. Dự kiến, rừng trồng gỗ lớn tăng trưởng bình quân 25 m3/ha/năm.

Trong năm 2020, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2020-2025 cho 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn với tổng diện tích được phê duyệt hơn 37.470 ha.

Rừng tự nhiên ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) được bảo vệ tốt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Rừng tự nhiên ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) được bảo vệ tốt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Riêng Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đã được cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích hơn 6.964 ha. Trong đó, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn có hơn 4.183 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, gồm 1.449 ha rừng tự nhiên và 2.463 ha rừng trồng. Công ty cũng đã khoanh nuôi, phục hồi rừng tự nhiên hơn 234 ha và 36 ha nằm trong hành lang ven suối và khu kết nối.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh có hơn 2.780 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, trong đó có 2.562 ha rừng trồng; khoanh nuôi, phục hồi rừng tự nhiên 217 ha. Theo Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, ông Phạm Bá Nghị, rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ làm tăng giá trị của gỗ khi xuất khẩu, lợi nhuận sẽ tăng thêm từ 15 - 20%, đảm bảo các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích kinh tế.

Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, chia sẻ: Hiện nay, các BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục xây dựng phương án quản lý rừng bền vững đối với các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định của Luật Lâm nghiệp và theo Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN-PTNT.

Giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn được sản xuất với quy trình nghiêm ngặt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn được sản xuất với quy trình nghiêm ngặt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Song song với chính sách khoán BVR, trong 5 năm qua, Bình Định đã thực hiện chi trả hơn 23,3 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, chi trả tiền trồng rừng thay thế hơn 15,4 tỷ đồng. Theo ông Ngô Thanh Hoàng Song, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Bình Định, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao hiệu quả BVR. Các chủ rừng có thêm kinh phí để tăng thêm nhân lực tuần tra, quản lý rừng.

“Chúng tôi mong Chính phủ sớm ban hành Chương trình MTQG Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; tăng ngân sách đầu tư có trọng điểm cho công tác quản lý BVR, xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ; tăng biên chế cho lực lượng kiểm lâm, đảm bảo đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu quản lý BVR và năng lực pháp lý thừa hành pháp luật về lâm nghiệp.

Đồng thời, tăng suất đầu tư trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo hướng tính đúng tính đủ chi phí theo định mức, nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng; tăng mức hỗ trợ khoán BVR bình quân từ 300.000 đ/ha/năm lên 500.000 đ/ha/năm".

(Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định)

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.