Lấp lỗ hổng trong hệ thống thú y
Hoài Ân là huyện phát triển chăn nuôi mạnh nhất tỉnh Bình Định. Về nuôi heo Hoài Ân được mệnh danh là “vựa heo nhất miền Trung”. Hiện nay, dù giá heo đang thấp nhưng đàn heo ở đây đang vẫn đạt xấp xỉ 260.000 con.
Mấy năm nay nông dân Hoài Ân lại phát triển mạnh nuôi bò vỗ béo, có hộ nuôi đến 100 con bò lai, trong thời gian gần đây Hoài Ân còn nhân rộng mô hình nuôi gà thả đồi. Đàn vật nuôi trên địa bàn càng nhiều áp lực công việc của cán bộ thú y các cấp càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề.
Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, những năm qua, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở huyện này được khống chế, giúp người chăn nuôi trên địa bàn yên tâm tái đàn là nhờ không ít vào lực lượng thú y. Ở Hoài Ân có 14 xã, 1 thị trấn có đầy đủ 15 cán bộ thú y cấp xã, cả 82 thôn trên địa bàn huyện cũng được phủ kín thú cấp thôn.
"Cả thú y xã lẫn thú thôn đều do UBND xã hợp đồng và chi trả chế độ từ ngân sách xã. Theo quy định, thú y cấp xã được hưởng hệ số 1 của lương cơ bản là 1.490.000đ/người/tháng. Còn thú y thôn từ xưa đến nay tiền hỗ trợ vẫn ở mức 200.000đ/người/tháng, trong khi họ phải vừa giám sát dịch bệnh của đàn vật nuôi trên địa bàn vừa tham gia vào công tác tiêm phòng. Nếu phát hiện có dịch bệnh xảy ra họ lại phải cấp tập báo cáo ngay cho thú y cấp xã và chung tay xử lý. Công việc nhiều là vậy, 200.000đ mỗi tháng không đủ họ đổ xăng đi làm, thế nhưng họ vẫn hăng hái tham gia là vì tình làng nghĩa xóm”, ông Nguyễn Thanh Vương chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, từ năm 2006 đến nay, HĐND tỉnh Bình Định thông qua việc “phủ sóng” thú y xã và thú y thôn trên địa bàn. Thế nhưng, đến năm 2015, khi Luật Thú y có hiệu lực thì chỉ cấp xã mới được bố trí cán bộ thú y, cấp thôn không có.
Tuy nhiên, chăn nuôi ở Bình Định phát triển rất mạnh, do đó rất cần mạng lưới thú y cấp thôn để giám sát dịch bệnh, nhằm kịp thời ngăn chặn dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi, vậy nên các xã phải trích ngân sách để kiện toàn mạng lưới thú y thôn.
“Hiện Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã tham mưu cho Sở NN-PTNT Bình Định trình HĐND tỉnh trong kỳ họp vào tháng 7 tới với nội dung đề nghị cán bộ thú y xã được hưởng chế độ như công chức không chuyên trách cấp xã với hệ số lương 1,3 và được hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, cho biết.
Kiện toàn hệ thống thú y cấp huyện
Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, từ năm 2019 đến nay, Bình Định đã hợp nhất các Trạm chăn nuôi và Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện.
Tuy nhiên, sự hợp nhất này có cái lợi là tinh giảm được nhân sự, nhưng lại nảy sinh cái hại là sau khi hợp nhất, chuyện dịch bệnh trên đàn vật nuôi không còn là trách nhiệm riêng của ngành thú y, mà là trách nhiệm chung của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, nên cán bộ phụ trách thú y không toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ.
Đó là chưa kể đến chuyện giám đốc trung tâm là người xuất thân từ ngành trồng trọt nên chỉ đạo không sát sao với ngành thú y hoặc ngược lại, khiến việc thực hiện các nhiệm vụ bị chệch choạc, không đâu vào đâu.
Cũng theo ông Diệp, vì lẽ trên, hiện nay Bình Định đang kiện toàn lại hệ thống thú y cấp huyện. Không phải là thành lập mới, nhưng hồi xưa hoạt động như thế nào thì giờ khôi phục lại vậy. Bình Định đang lập đề án rút những biên chế hồi xưa công tác ở hệ thống thú y huyện để lập lại các trạm thú y cấp huyện.
“Ngành nông nghiệp Bình Định đang xây dựng dự thảo kiện toàn lại hệ thống thú y huyện, dự kiến sẽ thông qua Tỉnh ủy Bình Định vào cuối năm nay. Hợp nhất 3 trạm thú y, khuyến nông và bảo vệ thực vật thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thì tinh giảm được 2 cấp trưởng và những cấp phó, nhưng do đặc thù của ngành nông nghiệp là người được đào tạo lĩnh vực trồng trọt không thể hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực thú y, nên nếu không có đơn vị chuyên trách ngành thú y cấp huyện sẽ rất khó phát triển ngành chăn nuôi”, ông Diệp chia sẻ.
“Trong thời gian qua, do phụ cấp cho thú y cấp huyện bèo bọt quá, khoản tiền nhận được không bõ bèn gì so với công việc bề bề nên có nhiều người bỏ việc. Hơn nữa, khi cán bộ thú y đã thuộc biên chế của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp do huyện quản lý, nên khi dịch bệnh xảy ra, ngành chức năng tỉnh điều động thú y huyện cũng gặp nhiều khó khăn”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định.