| Hotline: 0983.970.780

Philippines học hỏi kinh nghiệm tiêm vacxin dịch tả lợn châu Phi cho lợn nái

Thứ Hai 16/12/2024 , 06:10 (GMT+7)

Những kết quả khả quan trong việc tiêm đại trà vacxin dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam sẽ trở thành những cơ sở đánh giá quan trọng cho các quốc gia khác.

Ông Contante Palabrica (trái) và ông Nguyễn Văn Điệp trao đổi chuyên môn trong chuyến công tác của đoàn chuyên gia Philippines khảo sát mô hình phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Lạng Sơn vào đầu tháng 12/2024 vừa qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Contante Palabrica (trái) và ông Nguyễn Văn Điệp trao đổi chuyên môn trong chuyến công tác của đoàn chuyên gia Philippines khảo sát mô hình phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Lạng Sơn vào đầu tháng 12/2024 vừa qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, từ thực tế vừa qua cho thấy, việc đẩy nhanh tốc độ sử dụng vacxin dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng tại nhiều địa phương đã có những tiến triển tốt.

Từ đầu năm đến nay, một số tỉnh đã triển khai tiêm đại trà vacxin dịch tả lợn châu Phi như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng.

“Các tỉnh triển khai tiêm đại trà vacxin dịch tả lợn châu Phi đều cho kết quả khả quan, vacxin an toàn và hiệu quả. Điển hình như Lạng Sơn, sau 2 tháng triển khai, khoảng 90% ổ dịch đã được dập, sau 4 tháng, đã không còn ổ dịch phát sinh mới”, ông Điệp thông tin.

Đại diện AVAC Việt Nam cho rằng, những kết quả từ thực tế sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng cho những nhà làm chính sách, đặc biệt là những tổ chức trong và ngoài nước như Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và những đơn vị chuyên môn về chăn nuôi thú y, tổng kết kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả của vacxin dịch tả lợn châu Phi khi được triển khai sử dụng trên quy mô lớn. Những kết quả ở Việt Nam cũng sẽ là cơ sở để các nước mạnh dạn thử nghiệm và nhanh chóng đưa vacxin dịch tả lợn châu Phi vào sử dụng đại trà.

Chuyên gia Philippines trực tiếp tiêm phòng vacxin dịch tả lợn châu Phi cho người chăn nuôi Lạng Sơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chuyên gia Philippines trực tiếp tiêm phòng vacxin dịch tả lợn châu Phi cho người chăn nuôi Lạng Sơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Contante Palabrica, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp Philippines, trước khi dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát vào đầu quý III năm 2024, tổng đàn lợn của Philippines có khoảng 1 triệu lợn nái, 15 - 20 triệu lợn thịt.

Tuy nhiên dịch bệnh đã khiến số lượng lợn của Philippines suy giảm mạnh khi có đến 40 - 50% số lợn bị tiêu hủy. Điều này đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế của Philippines, đặc biệt là những người chăn nuôi nhỏ lẻ.

“Giống như Việt Nam, Philippines có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi nông hộ, và đó đều là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất mỗi khi dịch bệnh xảy ra do không thể thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học. Do đó Philippines rất hi vọng vào việc có thể sử dụng vacxin là phương pháp bảo vệ đàn vật nuôi, từ đó giúp người chăn nuôi Philippines yên tâm tái đàn." Ông Contante Palabrica, Cục trưởng Cục Thú y Philippines chia sẻ.

Đại diện Philippines cho biết, sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, quốc gia này đã cấp phép lưu hành vacxin dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Việt Nam vào tháng 7/2024 và đặt mua 600.000 liều, nhận theo nhiều đợt. Những vacxin này khi nhập về đã được tiêm trên lợn thịt tại nhiều trang trại khắp Philippines.

Đến nay, kết quả sử dụng vacxin đều cho thấy an toàn và hiệu quả, lứa lợn được tiêm vacxin đang chuẩn bị được xuất bán.

Philippines hiện đang khảo sát mức độ an toàn của vacxin AVAC ASF LIVE trên đàn lợn nái. Ảnh: Phạm Hiếu.

Philippines hiện đang khảo sát mức độ an toàn của vacxin AVAC ASF LIVE trên đàn lợn nái. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Hiện nay vacxin này cũng đã được sử dụng tại 1 số trang trại khác cho kết quả tương tự. Vì thế, tôi đã đi tất cả các tỉnh của Philippines để cung cấp thông tin chi tiết về vacxin cho người chăn nuôi. Nhiều trang trại đã bày tỏ mong muốn được sử dụng vacxin để phòng bệnh cho đàn lợn của mình. Khi nhận được thông tin từ Việt Nam rằng loại vacxin này có hiệu quả trên cả lợn nái và đực giống, trong khi Philippines cũng đang tiến hành thử nghiệm tiêm trên lợn nái nên đoàn công tác đến Việt Nam để tiến hành khảo sát”, ông Contante Palabrica thông tin.

Theo đó, đoàn khảo sát của Philippines sẽ căn cứ vào dữ liệu từ nhà sản xuất AVAC để đánh giá mức độ an toàn của vacxin AVAC ASF LIVE trên đàn lợn nái. Sau đó sẽ tiến hành thử nghiệm thực tế trên lợn nái tại Philippines.

Sau khi có kết quả, Bộ Nông nghiệp sẽ trình bày các đề xuất lên Chính phủ Philippine ban hành việc phê duyệt sử dụng vacxin AVAC ASF LIVE trên đàn lợn nái và không qua kiểm soát của Chính phủ như hiện tại, hướng đến việc cấp phép lưu hành tự do, sử dụng vacxin rộng rãi trên toàn quốc.

Chính phủ Philippines đã đặt hàng Việt Nam 500.000 liều vacxin AVAC ASF LIVE cho lợn thịt theo quy trình kiểm soát. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chính phủ Philippines đã đặt hàng Việt Nam 500.000 liều vacxin AVAC ASF LIVE cho lợn thịt theo quy trình kiểm soát. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Contante Palabrica cho biết thêm, Chính phủ Philippines đã đặt hàng Việt Nam 500.000 liều vacxin AVAC ASF LIVE cho lợn thịt theo quy trình kiểm soát. Tuy nhiên, việc tiêm vacxin cho lợn nái cũng được coi là rất quan trọng. Do đó, Philippines mong muốn tiến hành khảo sát và đánh giá việc sử dụng vacxin này trên lợn nái tại các hộ chăn nuôi ở Việt Nam nhằm đưa ra những quyết định phù hợp.

“Chúng tôi rất hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ sớm phê duyệt sản phẩm vacxin này cho lợn nái, điều này sẽ làm cơ sở vững chắc cho chúng tôi trong việc phê duyệt vacxin tương tự tại Philippines”, đại diện Philippines bày tỏ.

“AVAC hiện có khoảng trên 10 quốc gia đã đăng kí làm nhà phân phối vacxin dịch tả lợn châu Phi như Malaysia, Indonesia, Nigeria, Tanzania, Nepan, Myanmar, Ấn Độ… Tuy nhiên hiện nay các dữ liệu nghiên cứu về dịch tả lợn châu Phi và vacxin còn rất hạn chế, Tổ chức Thú y Thế giới cũng chưa có tiêu chuẩn để đánh giá vacxin. Chính vì vậy, tôi hi vọng những kết quả khả quan trong việc sử dụng đại trà vacxin dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam hay tại Philippines sẽ trở thành những cơ sở đánh giá quan trọng cho các quốc gia khác”, ông Nguyễn Văn Điệp chia sẻ.

Xem thêm
Cải thiện chất lượng bò thịt tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Pháp

HÀ NỘI Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Thủ công nghiệp Ile-de-France (CMA IDF) nâng cao chất lượng bò thịt Việt Nam.

Thách thức của nông dân trong quản lý cỏ dại trên ruộng lúa

Cỏ dại được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính làm giảm năng suất lúa, tạo ra thách thức lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Giống dừa xiêm xanh Tam Quan, lựa chọn số 1 cho vùng Nam Trung bộ

Dừa xiêm xanh Tam Quan được các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ bình tuyển là giống dừa uống nước ngon nhất Nam Trung bộ…

Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU: [Bài 1] Tuyệt đối không vượt ranh giới

Tiếp thu những khuyến nghị của EC, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực trong việc khắc phục các tồn tại về chống khai thác IUU.

Trước tuyên bố áp thuế đối ứng 46% của Mỹ: Doanh nghiệp gỗ 'không bi lụy, than khóc'

Dù không dễ thực hiện, ý tưởng sẽ được chính quyền Trump ủng hộ, còn Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam coi như biện pháp ứng phó lâu dài với thuế đối ứng.

Bình luận mới nhất