| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An tập trung phòng chống bệnh dại

Thứ Sáu 13/12/2024 , 13:32 (GMT+7)

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, khi đã nhiễm virus sẽ không chữa trị được. Từ tính chất nghiêm trọng đó, Nghệ An xác định phải chủ động.

Xác định mối nguy tiềm tàng của bệnh dại mang lại, hàng năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An đều chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời tham mưu cho Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành nhiều Văn bản, Chỉ thị triển khai phòng, chống bệnh dại trên diện rộng.

Nội dung này thực sự cấp thiết nếu nhìn vào diễn biến của bệnh dại những năm gần đây. Tính rộng trên phạm vi cả nước, năm 2023 có đến 82 người chết vì bệnh dại, phân bổ tại 30 tỉnh, thành phố, tăng đến 12 trường hợp so với năm 2022.

Nhờ sự tham mưu kịp thời của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, quá trình phòng chống bệnh dại trên địa bàn Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Nguồn Internet.

Nhờ sự tham mưu kịp thời của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, quá trình phòng chống bệnh dại trên địa bàn Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Nguồn Internet.

Tính riêng từ đầu năm 2024 đến ngày 20/2, trong vòng chưa đầy 3 tháng cả nước xảy ra 17 ổ bệnh dại động vật, khiến 18 người tử vong, ấy là chưa kể 70.000 người khác phải điều trị dự phòng do bị động vật cắn, con số đáng quan ngại.

Nghệ An nằm trong số các địa phương có nhiều nguy cơ, thể hiện qua tổng đàn chó gần 400.000 con. Số lượng vật nuôi quá lớn nhưng nhiều huyện chưa quản lý tốt, nhìn chung tình trạng thả rông chó còn phổ biến, nhất là khu vực nông thôn, thành thử kéo theo nhiều nguy cơ mất an toàn dịch bệnh.

Nằm trong kế hoạch chung, từ công tác tham mưu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, tháng 3/2024 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị “về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại đông vật và bệnh cúm gia cầm” yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan triển khai thực hiện kịp thời Chỉ thị số 1296/CT-BNN-TY ngày 20/2/2024.

Đối với bệnh dại phải tăng cường công tác quản lý, thống kế chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; hướng dẫn, yêu cầu các chủ hộ cam kết thực hiện khai báo, đảm bảo nuôi nhốt chó mèo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, không gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng tỷ lệ tiêm phòng vacxin trên 70% tổng đàn; xử lý nghiêm các trường hợp cố ý không chấp hành công tác tiêm phòng, không đeo rọ mõm cho chó, hoặc để chó thả rông ở nơi công cộng.

Ông Trần Võ Ba, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Thời gian qua công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, các cấp chính quyền đã nêu cao trách nhiệm, quan tâm hơn đến nhiệm vụ chuyên môn được tỉnh giao phó, nhờ đó kịp thời phát hiện sớm dịch bệnh, chủ động bao vây trong diện hẹp nên hạn chế tối đa mức độ thiệt dại do bệnh dại gây nên”.

Các bên liên quan phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hơn, trên hết là ý thức, trách nhiệm của chính người nuôi được thể hiện đúng lúc là chất xúc tác tạo nên bước chuyển khá căn cơ.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, trong 10 tháng đầu năm toàn tỉnh chỉ ghi nhận 14 ổ dịch, phân bổ rải rác tại địa bàn 6 huyện, cơ quan chức năng chỉ phải tiêu hủy 36 con chó mắc bệnh, mức độ chẳng đáng bàn so với tổng đàn gần 400.000 con.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Cam Gia Luận bên bờ vực tuyệt chủng vì dịch bệnh

HẢI PHÒNG Tôi đứng bần thần bên túp lều hoang trong vườn cam Gia Luận vàng úa của anh Vũ Hoài Nam, nguyên Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.