| Hotline: 0983.970.780

Người chăn nuôi lợn được 'giải vây' nhờ vacxin

Thứ Hai 16/12/2024 , 21:28 (GMT+7)

Lạng Sơn Dịch tả lợn Châu Phi bủa vây, làm thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, cứu cánh duy nhất với người dân là công tác phòng bệnh từ sớm từ xa bằng tiêm phòng vacxin.

Lạng Sơn là một trong những điểm nóng bùng phát dịch tả lợn Châu Phi thời gian qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lạng Sơn là một trong những điểm nóng bùng phát dịch tả lợn Châu Phi thời gian qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Dịch bệnh bủa vây

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lạng Sơn, hiện, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có khoảng 175.000 con. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng đàn lợn của tỉnh Lạng Sơn đã bị giảm hơn 9.000 con, tương đương 3,3%, nguyên ngân chủ yếu đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo đó, từ đầu năm đến đầu tháng 12/2024, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại hơn 4.500 hộ tại 790 thôn, 162 xã và 11 huyện, thành phố tỉnh Lạng Sơn. Số lượng lợn phải tiêu hủy đã tăng 6,5 lần so với năm 2023. Tổng số lợn chết và tiêu hủy lên tới hơn 16.600 con, tổng trọng lượng gần 725.000kg.

Năm 2024 dịch bệnh xảy ra nhanh và có chiều hướng lây lan từ tháng 5 đến tháng 8. Số ổ dịch tăng 2,5 lần so với năm 2023, bình quân một ngày tỉnh Lạng Sơn đã phải tiêu hủy khoảng 290 con lợn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lạng Sơn nhận định, dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ phát sinh và lây lan do chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, việc vệ sinh tiêu độc khử trùng chưa được triệt để nên virus có cơ hội phát tán ra diện rộng trong khi bệnh lại chưa có thuốc điều trị.

Tuy đàn lợn chưa bị bệnh dịch nhưng ông Nong Văn Pai vẫn rất lo lăng và e ngại. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tuy đàn lợn chưa bị bệnh dịch nhưng ông Nong Văn Pai vẫn rất lo lăng và e ngại. Ảnh: Phạm Hiếu.

Là một trong những hộ chăn nuôi tại thôn Hợp Tiến, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, tuy quy mô chỉ ở mức nhỏ lẻ nhưng đối với ông Nong Văn Pai, đàn lợn 10 con nái, 60 con lợn thịt lại là khối tài sản lớn của cả gia đình người chăn nuôi.

“Vừa qua dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh mẽ tại địa phương. Vào thời điểm đó, tuy đàn lợn của gia đình chưa có con nào bị dịch bệnh nhưng tôi vẫn rất lo lắng, e ngại vì bệnh dịch tả lợn Châu Phi này chưa có thuốc chữa. Một khi lợn đã mắc bệnh thì chỉ có cách tiêu hủy, người chăn nuôi như tôi sẽ bị thiệt hại rất nặng nề”, ông Nong Văn Pai cho hay.

Cuối tháng 9/2024, được chính quyền địa phương, hỗ trợ, cấp phát vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE miễn phí, ông Pai đã ngay lập tức triển khai tiêm cho đàn lợn để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm. Qua trực tiếp theo dõi, đánh giá hàng ngày, sau khi được tiêm vacxin, đàn lợn của ông Pai vẫn phát triển khỏe mạnh, bình thường, cho đến nay đã đủ điều kiện để xuất bán.

“Trong chăn nuôi lợn, việc tiêm các loại vacxin là rất cần thiết do dịch bệnh có thể xuất hiện quanh năm. Cùng với đó, để có thể mang lại hiệu quả bền vững, cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Cụ thể, cần giữ chuồng trại sạch sẽ, phun khử trùng định kỳ, hạn chế ruồi muỗi, động vật cũng như người lạ vào chuồng nuôi. Đặc biệt, con giống phải khỏe mạnh và được tiêm đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh theo định kỳ”, người chăn nuôi chia sẻ kinh nghiệm.

Đối với bệnh chưa có thuốc chữa như dịch tả lợn Châu Phi, phương pháp phòng tránh hữu hiệu nhất vẫn là tiêm phòng vacxin. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đối với bệnh chưa có thuốc chữa như dịch tả lợn Châu Phi, phương pháp phòng tránh hữu hiệu nhất vẫn là tiêm phòng vacxin. Ảnh: Phạm Hiếu.

Với việc sử dụng vacxin AVAC ASF LIVE có giám sát năm 2023 đã mang lại kết quả khả quan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn đã liên hệ với Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam đề nghị hỗ trợ vacxin để tiêm phòng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chi cục đã tiếp nhận 3.200 liều vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE và tổ chức triển khai tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn 10 xã của 5 huyện, thành phố.

Kết quả đã tiêm được hơn 3.000 liều, đạt 94,2% so với tổng đàn trong diện tiêm. Sau khi tiêm phòng có 27 con, chiếm 0,9%, xảy ra hiện tượng phản ứng sau tiêm phòng, lợn ăn kém, bỏ ăn. Có 16 con, chiếm 0,5%, bị chết sau tiêm phòng.

Triển khai tiêm phòng dịch tả lợn Châu Phi trên diện rộng

Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp trong năm 2024, xác định biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm phòng vacxin, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn triển khai tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi trên diện rộng.

Chuyên gia thú y Philippine (bìa phải) khảo sát mô hình phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Lạng Sơn vào đầu tháng 12 vừa qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chuyên gia thú y Philippine (bìa phải) khảo sát mô hình phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Lạng Sơn vào đầu tháng 12 vừa qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngay sau khi nhận vacxin từ nhà cung cấp, Chi cục đã cấp hơn 55.300 liều vacxin dịch tả lợn Châu Phi cho tất cả các huyện, thành phố theo số lượng lợn trong diện tiêm phòng đã đăng ký. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố đã cấp phát vacxin cho nhân viên thú y các xã, phường, thị trấn kịp thời tiêm phòng, đảm bảo kỹ thuật theo đúng kế hoạch.

Theo đó, từ ngày 22/7 đến 2/8, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai tiêm phòng đồng loạt vacxin dịch tả lợn Châu Phi trên gần 44.000 con, đạt 88,38% so với tổng đàn trong diện tiêm phòng. Có 17 con lợn phản ứng chết trong vòng 72 giờ sau tiêm phòng, chiếm tỷ lệ 0,039%.

Kết thúc đợt tiêm phòng đồng loạt, Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát tiêm bổ sung cho đàn lợn đến tuổi tiêm phòng phát sinh. Tính đến nay đã tiêm được trên 61.400 con.

Người dân sử dụng vacxin dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu

Người dân sử dụng vacxin dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn đánh giá, sau khi triển khai tiêm phòng trên diện rộng tất cả các xã phường trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh cơ bản đã được ổn định. Đến nay, tất cả các ổ dịch tả lợn Châu Phi tại Lạng Sơn đều đã qua 21 ngày.

“Virus dịch tả lợn Châu Phi có đặc điểm là sức đề kháng cao trong môi trường chăn nuôi. Thế nhưng hiện nay việc sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi của chúng ta vẫn còn giới hạn đối tượng tiêm, chỉ tiêm cho lợn thịt trên 4 tuần tuổi. Vì vậy các đối tượng lợn nái, lợn đực giống, lợn sắp giết thịt, lợn mới phát sinh vẫn chưa được tiêm phòng”, ông Nguyễn Nam Hùng phân tích.

Sau khi Lạng Sơn triển khai tiêm phòng trên diện rộng, dịch bệnh cơ bản đã được ổn định. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sau khi Lạng Sơn triển khai tiêm phòng trên diện rộng, dịch bệnh cơ bản đã được ổn định. Ảnh: Phạm Hiếu.

Do đó, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn đề nghị Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu vacxin để có thể triển khai tiêm phòng cho mọi loại lợn và mọi lứa tuổi để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh. Đồng thời kiến nghị Bộ NN-PTNT bổ sung vacxin dịch tả lợn Châu Phi vào danh sách vacxin tiêm phòng bắt buộc.

Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, đến nay việc triển khai tiêm vacxin AVAC ASF LIVE đại trà tại Lạng Sơn cho thấy vacxin an toàn và hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh.

“Tuy nhiên hiện vacxin vẫn chưa được cấp phép sử dụng trên đàn lợn nái và lợn sinh sản. Cục Thú y đang triển khai quá trình đánh giá vacxin cho lợn nái và lợn sinh sản. Sau khi có những đánh giá và cho phép chính thức, việc sử dụng vacxin cho lợn nái và lợn sinh sản cùng với lợn thịt sẽ giúp việc triển khai tiêm đại trà vacxin dễ dàng và hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Văn Điệp nhận định.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Giảm được 10,5 triệu m3 nước/năm trong canh tác đậu phộng nhờ tưới tiết kiệm

BÌNH ĐỊNH Với biện pháp tưới bằng béc phun trong canh tác cây đậu phộng, mỗi năm Bình Định giảm được 10,5 triệu m3 nước.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.