| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên chủ động chuyển đổi cây trồng 'né' hạn

Thứ Năm 09/04/2020 , 09:53 (GMT+7)

Phú Yên là tỉnh thường xuyên bị hạn hán, do đó một trong các giải pháp phòng chống, ứng phó là chuyển đổi cây trồng ở những vùng nguy cơ thiếu nước.

Người dân xã Hòa An chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Ảnh: Đình Thung.

Người dân xã Hòa An chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Ảnh: Đình Thung.

4 năm chuyển đổi, lợi nhuận tăng hơn 223% so với lúa

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Phú Yên, cho biết, Phú Yên là tỉnh thường xuyên bị hạn hán và hạn hán kéo dài, nhất là trong vụ hè thu. Do đó các giải pháp phòng chống, ứng phó với khô hạn luôn được địa phương triển khai quyết liệt.

Đầu mỗi vụ sản xuất, ngành NN-PTNT có văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ sở sản xuất tiến hành rà soát diện tích sản xuất lúa, chủ động cân đối nguồn nước, khoanh vùng sản xuất, tập trung chỉ đạo sản xuất cho từng vùng (xứ đồng).

Theo đó, đối với vùng chủ động và an toàn về nguồn nước chỉ đạo gieo trồng tập trung, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cao. Vùng có nguy cơ thiếu nước yêu cầu địa phương xây dựng phương án phòng chống hạn, sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Đồng thời thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày khác. Còn vùng không có khả năng tưới, phải thực hiện chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cây trồng hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại do nắng hạn.

Chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nước. Ảnh: Đình Thung.

Chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nước. Ảnh: Đình Thung.

Cụ thể, năm 2016, toàn tỉnh chuyển đổi đất lúa sang trồng cây khác như ngô lai, đậu tương, đậu xanh, rau, đậu thực phẩm, cây dược liệu hơn 360 ha. Năm 2017 tổng diện tích đất trồng lúa chuyển sang trồng cây khác như ngô lai, đậu tương, đậu xanh, rau hơn 479 ha. Còn năm 2018, toàn tỉnh chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng khác trên hơn 236 ha và năm 2019 hơn 231 ha.

Kết quả, qua 4 năm nhà nước hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thu được lợi nhuận hơn 29,2 tỷ đồng; tạo ra được giá trị hơn 16,1 tỷ đồng cho nền kinh tế nông nghiệp Phú Yên, tăng 223,6% so với trồng lúa truyền thống.

Cũng theo ông Minh, ngoài việc nhà nước hỗ trợ các mô hình chuyển đổi trên, các địa phương trong tỉnh còn hướng dẫn bà con thực hiện chuyển đổi cây trồng ở những vùng không chủ động nước tưới hay nguồn nước khó khăn, với diện tích chuyển đổi hàng năm trên dưới 1.000 ha.

Ghi nhận một xã điểm

Mô hình chuyển đổi từ lúa sang đậu phộng hiện cũng rất hiệu quả trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: Đình Thung.

Mô hình chuyển đổi từ lúa sang đậu phộng hiện cũng rất hiệu quả trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ảnh: Đình Thung.

Xã Hòa An, huyện Phú Hòa nơi có phong trào chuyển đổi cây trồng từ đất lúa thiếu nước tưới, kém hiệu quả sang hoa màu khá mạnh.

Toàn xã có hơn 578 ha lúa “ăn” nước từ tự chạy của hệ thống thủy nông Đồng Cam. Tuy nhiên do vị trí xã nằm cuối kênh Bắc dẫn nước tưới nên nguồn nước về thiếu, yếu vào mùa khô.

Trước khó khăn trên, từ năm 2015, Đảng ủy, UBND xã đã hướng dẫn bà con thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ lúa sang ngô hoặc đậu phộng, đậu xanh hay diệp hạ châu…

Cây ngô cũng được người dân chuyển đổi mạnh mẽ. Ảnh: Đình Thung.

Cây ngô cũng được người dân chuyển đổi mạnh mẽ. Ảnh: Đình Thung.

Dẫn chúng tôi tham quan vùng chuyển đổi từ đất lúa sang ngô, đậu phộng, đậu xanh, diệp hạ châu... xanh tốt, ông Trần Hòa, thôn Vĩnh Phú, cho biết, các mô hình này không chỉ mang hiệu quả kinh tế, mà còn giúp bà con bớt lo lắng nguồn nước tưới như trước đây. 

Ông Trần Hòa, cho biết, trong các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa trên địa bàn xã, ông thấy mô hình diệp hạ châu có đầu ra ổn định. Bởi Công ty Dược liệu miền Trung bao tiêu sản phẩm, với giá thu mua 4.300 đồng/kg. Tuy nhiên do nhu cầu Công ty có giới hạn, cộng với có vùng trồng được và không được nên người dân chưa dám trồng đại trà. 

Trung bình 1 sào (500m2) trồng ngô, bà con thu từ 5 - 7 triệu, lãi ròng 2 triệu đồng. Còn trồng đậu phộng, bà con thu hoạch được 3-4 tạ/sào, bán với giá từ 18-19 ngàn đ/kg, lãi ròng 2,5-3 triệu. Đối với trồng diệp hạ châu, nếu làm đạt cho năng suất khoảng 1 tấn/sào, cho lãi từ 4-5 triệu đ/sào.

Trong khi trước đây, bà con trồng 1 sào lúa cho sản lượng khoảng 200 kg, doanh thu khoảng 1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, phân, thuốc, công cán, có vụ bà con hoạch toán thu không đủ bù chi.

Cũng theo Hòa, nhờ hiệu quả các mô hình chuyển đổi mang lại, không ít nhiều người còn thuê đất trồng màu. Như gia đình ông Hòa hiện ruộng nhà và cả ruộng thuê lại với tổng diện tích hơn 5,5 sào.

Với diện tích này, ông thực hiện mô hình luân canh, 2 vụ đậu phộng, 1 vụ trồng diệp hạ châu và ngược lãi. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông bỏ túi từ 30-40 triệu đồng, rất phấn khởi.

“Nếu trồng lúa với diện tích hơn 5 sào ở khu vực này, may mắn lắm kiếm được 5 triệu đ/năm là cùng”, ông Hòa khẳng định.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Thắm, thôn Đông Phước, cho biết, với diện tích 2 sào lúa thường xuyên thiếu nước tưới, từ năm 2017 gia đình đã chuyển sang trồng 1 vụ ngô, 2 vụ đậu phộng. Nhờ vậy, gia đình bà có mức thu nhập ổn định hơn gấp 4-5 lần so với trồng lúa bấp bệnh như trước đây.

“Cứ 1 sào đậu phộng gia đình thu 3,5 tạ. Với giá bán 18 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 3 triệu đồng. Trong khi trước đây gia đình làm lúa rất vất vả, cứ lo chống hạn, thu hoạch chẳng có lãi đồng nào”, bà Thắm nói.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.