Kể về cơ duyên đến với nghề trồng rau, ông Vũ Đình Thuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Rau củ quả Nhật Việt (TP Hưng Yên) kể: Ông xuất thân từ con nhà nông. Từng làm nghề kinh doanh thiết bị nha khoa. Sau một lần ăn rau ngoài chợ bị tiêu chảy, ông đã quyết định tự trồng lấy các loại rau để dùng trong gia đình và biếu, tặng người thân.
Đồng thời, ông thường khuyến cáo mọi người về những nguy cơ tiềm ẩn từ ăn rau “bẩn”. Nhờ vậy, ông được địa phương cho tham gia Dự án Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng khu vực miền Bắc, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ trên địa bàn Thành phố Hưng Yên. Thấy tâm huyết, ông đã quyết định bỏ nghề kinh doanh thiết bị nha khoa, chuyển sang chuyên canh rau VietGAP.
Ban đầu (năm 2016), ông chỉ xây dựng 500m2 nhà màng cho trồng rau ăn lá. Sau vận động được một số hộ cùng góp vốn thành lập công ty và thuê ruộng mở rộng diện tích gieo trồng. Mỗi năm tăng thêm một ít, đến nay công ty ông đã có 3,9ha đất trồng rau củ quả các loại, trong đó, có 5.000m2 nhà lưới, nhà màng.
Mỗi ngày, công ty cung ứng ra thị trường gần 1.000kg rau củ quả an toàn. Sản xuất tuy chưa có lãi, nhưng đã tạo được việc làm ổn định cho 12 lao động tại chỗ với mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng (tùy theo công việc). Ngoài ra còn thuê được 2 nhà kho trên Hà Nội để tạm trữ rau xanh trước khi đưa vào các siêu thị sở tại.
Về nguyên nhân trồng rau 5 năm chưa có lãi, ông Thuấn tiết lộ: Cơ bản do không có chuyên môn sâu về kỹ thuật gieo trồng rau củ quả, chưa có kinh nghiệm quản lý và điều hành sản xuất. Bên cạnh đó còn vài cổ đông thiếu tâm huyết, dẫn đến khó đồng thuận trong nhiều mục tiêu sản xuất, kinh doanh. “Với những tồn tại hạn chế nêu trên. Sản xuất không thua lỗ đã là may mắn lắm!”, ông Thuấn tự an ủi.
Ông trải lòng, ở vào hoàn cảnh trên, sẽ có không ít người bỏ cuộc. Nhưng với ông, càng khó khăn càng quyết làm bằng được. Theo đó, ông đã tiến hành cấu trúc lại công ty, mở rộng liên doanh liên kết, tăng cường giao lưu học.
Nhờ vậy, thông qua dự án của JICA, công ty đã được các chuyên gia Viện Nghiên cứu rau quả và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tận tình hướng dẫn quy trình VietGAP trên các loại rau. Đặc biệt, có khá nhiều nông dân Nhật Bản, đã vượt lên trở ngại ngôn ngữ và địa lý, mỗi năm 1-2 lần đến công ty, trực tiếp cầm tay chỉ việc cách sử dụng phân bón hợp lý trên từng loại rau, sao cho năng suất đạt cao nhất, chất lượng tin cậy nhất. Nhờ đó, công ty đã từng bước vượt qua khó khăn, chủ động được một phần vốn sản xuất lưu động.
Thăm quan khắp mô hình trồng rau của công ty, chúng tôi thấy: Các loại rau mẫn cảm cao với sâu bệnh hại (cà chua, cà pháo, cải canh, cải ngọt, đậu đỗ các loại) được trồng trong nhà lưới, nhà màng. Rau có khả năng chống chịu khá sâu bệnh (bắp cải, su hào, mướp hương, mướp đắng, bí xanh, dưa chuột, mồng tơi, xà lách, cải ngồng) chủ yếu gieo trồng chính vụ ngoài tự nhiên.
Có nhiều loại rau được xen canh cùng chân ruộng, giúp giảm thiểu áp lực sâu bệnh hại rau so với trồng thuần trên cùng diện tích.
Để có rau ăn trái vụ cung ứng ra thị trường, công ty đã liên kết sản xuất rau bắp cải, su hào, cà chua, đậu đỗ với các nhà nông ở Mộc Châu, Sơn La. Ngoài ra còn liên kết tiêu thụ với một số trang trại trồng dưa lê, dưa lưới nhằm có thêm sản phẩm cho các đơn hàng trong cùng hệ thống cung ứng của công ty.
“Cà chua, bắp cải, đậu đỗ trồng ở Mộc Châu vụ xuân hè ăn ngon hơn nhiều so sản phẩm cùng loại gieo trồng cùng mùa vụ ở ĐBSH”, ông Thuấn bật mí.
Hiện công ty đang có cách làm sáng tạo, đúng hướng. Vừa giảm kinh phí đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, vừa khai thác được lợi thế sinh thái vùng miền để có đa dạng các loại rau năng suất, chất lượng cao cung ứng cho thị trường, nâng cao uy tín nhà sản xuất…
"Kế hoạch sang năm 2022, công ty sẽ nâng tổng diện tích gieo trồng rau VietGAP lên 5,6ha. Chúng tôi rất mong được chính quyền địa phương tạo thuận lợi cho tích tụ đất canh tác. Cho tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất từ Nhà nước", ông Thuấn kiến nghị.
”Công ty Rau của quả Nhật Việt còn gặp nhiều khó khăn trong mở rộng diện tích gieo trồng. Nhưng luôn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Các nông sản tạo ra đã đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định”, bà Trịnh Kim Uyên, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản Hưng Yên đánh giá.