| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận siết chặt quản lý chất lượng tôm giống

Thứ Năm 10/11/2022 , 11:05 (GMT+7)

Để giữ vững uy tín, thương hiệu tôm giống Bình Thuận, đáp ứng yêu cầu của người nuôi tôm, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng con giống.

Siết chặt chất lượng tôm giống

Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, điều kiện thời tiết quanh năm ít mưa, ít có sông ngòi đổ ra biển, độ mặn nước biển ổn định, chất lượng nguồn nước tốt, nền nhiệt cao, ổn định. Nhất là vùng ven biển huyện Tuy Phong-phía Bắc của tỉnh có nhiều rạn san hô nên nước biển luôn trong, sạch, đây là điều kiện quan trọng tạo nên tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề sản xuất giống tôm nước lợ.

Bình Thuận được xem là 'thủ phủ' sản xuất tôm giống. Ảnh: KS.

Bình Thuận được xem là "thủ phủ" sản xuất tôm giống. Ảnh: KS.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, đến nay toàn tỉnh có 133 cơ sở với 778 trại sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản, trong đó 80 cơ sở là doanh nghiệp quy mô lớn. Đối tượng sản xuất chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và một số ít sản xuất giống tôm sú.

Những năm qua về quy mô và công suất của từng cơ sở sản xuất tôm giống tăng lên đáng kể. Nhiều cơ sở xây dựng khang trang, đầu tư trang thiết bị hiện đại và đội ngũ kỹ thuật lành nghề, sản xuất tôm giống có chất lượng, có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tôm giống lớn đều có mặt tại Bình Thuận đã khẳng định lợi thế nghề sản xuất tôm giống của tỉnh trong vùng Nam Trung bộ và cả nước.

Hàng năm sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh này tăng trưởng khá ổn định. Trong đó, năm 2021 đạt 25 tỷ con, chiếm khoảng 18% sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ của cả nước.

Tôm giống Bình Thuận hiện cung cấp cho hầu hết các khu vực nuôi tôm trên cả nước, nhất là khu vực ĐBSCL-nơi có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn như: Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu…và được người nuôi tôm đánh giá có chất lượng cao, nhanh lớn, nuôi đạt hiệu quả.

Tôm giống Bình Thuận được kiểm soát chặt chẽ trước khi xuất ra thị trường. Ảnh: MV.

Tôm giống Bình Thuận được kiểm soát chặt chẽ trước khi xuất ra thị trường. Ảnh: MV.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết: Để giữ vững uy tín, thương hiệu tôm giống Bình Thuận trên thị trường, đáp ứng yêu cầu của người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh, thời gian qua ngành nông nghiệp đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng con giống.

Cụ thể, cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp thường xuyên phối hợp địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất giống thuỷ sản để các cơ sở nắm bắt và thực hiện đúng quy định. Cùng với đó, tập trung quản lý, kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào như: giống bố mẹ, thức ăn, thuốc thú y thủy sản dùng trong sản xuất giống, nguồn nước cấp vào.

Theo đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất tôm giống của tỉnh khi đưa giống bố mẹ, thức ăn, thuốc vào sử dụng phải đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Giống bố mẹ sử dụng đúng thời gian quy định; thức ăn, thuốc dùng trong sản xuất giống phải nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ NN- PTNT. Còn hệ thống xử lý nước cấp vào phải đảm bảo điều kiện: có ao lắng, xử lý nước, ao chứa hoặc hệ thống xử lý nước tiên tiến gồm diệt khuẩn bằng ozon, tia cực tím…

Toàn tỉnh Bình Thuận có 133 cơ sở với 778 trại sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản. Ảnh: KS.

Toàn tỉnh Bình Thuận có 133 cơ sở với 778 trại sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản. Ảnh: KS.

Ngoài ra, hàng năm cơ quan chuyên môn đều tăng cường công tác kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở chưa đạt điều kiện và đưa ra biện pháp khắc phục sai lỗi để các cơ sở tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo điều kiện sản xuất.

Không những thế, hàng năm ngành nông nghiệp Bình Thuận đều tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện tốt kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản. Nhờ vậy công tác kiểm tra chất lượng và kiểm dịch tôm giống trước khi xuất ra khỏi cơ sở được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.

Tất cả các lô tôm giống xuất ra được lấy mẫu xét nghiệm bệnh theo quy định và chỉ thực hiện cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các lô tôm giống đạt chất lượng, không bị nhiễm bệnh. Đồng thời triển khai thường xuyên công tác thu mẫu, phân tích, đánh giá chỉ tiêu môi trường tại vùng sản xuất tôm giống của tỉnh; qua đó, khuyến cáo kịp thời đến các cơ sở sản xuất khi các chỉ tiêu môi trường vượt mức giới hạn cho phép theo quy định.

Tôm giống Bình Thuận được người nuôi đánh giá chất lượng, mau lớn. Ảnh: KS.

Tôm giống Bình Thuận được người nuôi đánh giá chất lượng, mau lớn. Ảnh: KS.

Đặc biệt, tỉnh tham gia ký kết và thực hiện quy chế phối hợp về cung cấp thông tin sản xuất và tiêu thụ tôm giống giữa Bình Thuận với các tỉnh tiêu thụ tôm giống khu vực miền Tây Nam bộ. Vì vậy, cơ quan chuyên môn của tỉnh thường xuyên cung cấp danh sách các cơ sở tôm giống Bình Thuận đã được kiểm tra điều kiện và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cho các tỉnh khác biết; đồng thời, phối hợp nắm bắt thông tin để xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm các quy định về chất lượng tôm giống (nếu có).

Được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành đầu tư khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (giai đoạn 1) quy mô 90 ha tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong, đảm bảo các điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất tôm giống công nghệ cao.

Khẳng định trung tâm sản xuất tôm giống của Quốc gia

Tôm giống Bình Thuận được xác định là sản phẩm lợi thế phục vụ mục tiêu chiến lược về phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất giống tôm nước lợ, đảm bảo giữ vững chất lượng, uy tín thương hiệu, khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất và cung ứng tôm giống lớn của Quốc gia.

Tôm giống Bình Thuận được xác định là sản phẩm lợi thế phục vụ mục tiêu chiến lược về phát triển ngành tôm Việt Nam. Ảnh: MV.

Tôm giống Bình Thuận được xác định là sản phẩm lợi thế phục vụ mục tiêu chiến lược về phát triển ngành tôm Việt Nam. Ảnh: MV.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong hoạt động sản xuất tôm giống như: công nghệ xử lý nước biển đưa vào sản xuất, công nghệ kiểm soát chất lượng tôm giống bằng phương pháp PCR, nuôi cấy tảo tươi dùng làm thức ăn cho tôm giống…

Cùng với đó, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực công nghệ, tài chính, có kinh nghiệm sản xuất tôm giống đầu tư, phát huy hiệu quả sản xuất tôm giống công nghệ cao tại Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công (giai đoạn 1). Đồng thời đề xuất, kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ đầu tư giai đoạn 2 Khu sản xuất giống thuỷ sản tập trung Chí Công nhằm hình thành khu sản xuất giống thủy sản tập trung quy mô lớn (khoảng 150 ha) có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thu hút các dự án công nghệ cao đầu tư sản xuất giống tôm, giống hải sản giá trị kinh tế cao. 

Đối với ngành nông nghiệp cũng sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh như kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống, kiểm dịch tôm giống, quản lý việc sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản dùng trong sản xuất giống…

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, đến nay trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong sản xuất tôm giống gồm: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh 1 tỉnh Bình Thuận đạt chứng nhận BAP, Công ty TNHH Thủy sản Nam Miền Trung đạt chứng nhận ISO 9001- 2015 và Công ty TNHH Thông Thuận đạt chứng nhận GlobalGAP. Các cơ sở sản xuất tôm giống còn lại đã công bố và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.