| Hotline: 0983.970.780

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản bắt tay khôi phục sản xuất

Chủ Nhật 15/12/2024 , 10:18 (GMT+7)

Tại Quảng Ninh, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ sở nuôi trồng thủy sản đã từng bước phục hồi, nhanh chóng bắt tay vào phục hồi sản xuất.

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng bắt tay khôi phục sản xuất sau bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng bắt tay khôi phục sản xuất sau bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhanh chóng tái thiết, phục hồi sản xuất

Cơn bão số 3 đã khiến ngành thủy sản của tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề. Theo ước tính, có gần 3.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng từ 30-70%, đặc biệt có những hộ mất trắng, tập trung ở các địa phương như Vân Đồn, Cẩm Phả và Quảng Yên.

Huyện Vân Đồn, được coi là “thủ phủ” nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh, bị cơn bão số 3 gây thiệt hại trên 2.200 tỉ đồng. Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.000 tấn; toàn bộ 1.120 cơ sở nuôi nhuyễn thể, 218 cơ sở nuôi cá và 318 nhà bè đều bị ảnh hưởng.

Vượt qua khó khăn, bằng ý chí và niềm tin, các hộ dân nhanh chóng bắt tay vào tái thiết, phục hồi lại hoạt động sản xuất. Sau cơn bão dữ, ông Phạm Văn Đông (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn), huy động gia đình khẩn trương dọn dẹp, thu gom những phao, lồng bè còn sử dụng được.

“Sau bão, tôi tranh thủ trục vớt những lồng bè, phao nổi còn sót lại để tận dụng khôi phục hoạt động nuôi trồng. Trước bão, tôi có 110 ô lồng nuôi cá, giờ đây đã khôi phục được 30 ô lồng bị gãy sập hòan toàn, còn lại thì đang trong quá trình sửa chữa, gia cố thêm”, ông Đông chia sẻ.

Cùng với gia đình ông Đông, hàng nghìn hộ dân nuôi trồng thủy sản trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng khôi phục, sớm bắt tay vào tái thiết sản xuất. Đến nay, gia đình anh Trần Văn Tuấn (phường Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên) đã xuống giống vụ mới.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, anh Tuấn nói: “Sau bão, tôi nhanh chóng mua cá để tái sản xuất, đồng thời gia cố các bè mảng để cố gắng vực dậy, làm lại từ đầu”.

Với tâm niệm “còn người là còn của”, những hộ dân nuôi trồng thủy sản đã từng bước khắc phục khó khăn và quyết tâm vực dậy, bám biển và sống nhờ biển. Đến nay, việc gia cố, đóng mới lồng bè, đóng lọc, thả giống… được người dân nhanh chóng triển khai và hoàn thành.

Theo đánh giá mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, tốc độ tái sản xuất nuôi trồng thủy sản trên biển từ tháng 10/2024 rất khả quan. Theo đó, tại khu vực bị ảnh hưởng nhiều, người dân tiến hành thả giống tập trung, thậm chí có nhiều hộ quyết tâm đầu tư lớn, bài bản và đồng bộ. Còn ở khu vực ít bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất được duy trì, bảo toàn số lượng thủy sản đang có, tiến tới đầu tư, mở rộng.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trao quà hỗ trợ bà con nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trao quà hỗ trợ bà con nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hỗ trợ “đúng, trúng, kịp thời”

Với mong muốn cùng chung tay, hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản vượt qua khó khăn, sớm phục hồi kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã sớm đưa ra các chính sách hỗ trợ, trao tặng phao, giống thủy sản, nhanh chóng cấp phép mặt nước…. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để ngư dân Quảng Ninh nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã tiến hành giao mặt nước biển để vừa giúp người dân yên tâm sản xuất, vừa đảm bảo quản lý đúng quy hoạch cũng như chiến lược phát triển, đồng thời khắc phục những tồn tại trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển trước đây. Quảng Ninh sẽ sớm giao đầy đủ mặt nước biển theo quy hoạch của tỉnh cho các hợp tác xã đã đăng ký phát triển nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, ngành thủy sản còn phối hợp tổ chức các hội nghị tiếp xúc, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình khôi phục nuôi trồng thủy sản; tập huấn, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản kỹ thuật phục hồi, chăm sóc sức khỏe đàn thủy sản nuôi còn lại sau bão; kỹ thuật xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản sau thiên tai; hướng dẫn tu sửa, khôi phục hệ thống lồng, bè, ao đầm nuôi trồng thủy sản, công trình phụ trợ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật; chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, sẵn sàng thả giống khi điều kiện môi trường cho phép. 

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, thông tin: “Hiện nay, cùng với triển khai các cơ chế chính sách của Trung ương về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, Chi cục đã nghiên cứu, tham mưu với Sở NN-PTNT báo cáo UBND tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù để không những khôi phục sản xuất mà còn hỗ trợ người dân tái thiết sản xuất thủy sản trong thời gian tới”.  

Với ý chí mạnh mẽ, quyết tâm cao độ và sự đồng hành của các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, kịp thời, các cơ sở nuôi trồng thủy sản đã ổn định tình hình và hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tương lai tươi sáng cùng những vụ mùa bội thu.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.