| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận xử lý dứt điểm tàu cá ‘3 không’

Thứ Sáu 13/09/2024 , 18:50 (GMT+7)

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương lập danh sách các chủ tàu cá không hợp tác gửi đến các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý triệt để.

Huyện Hàm Tâm xử lý “tàu 3 không" chậm

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh 8 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải. Ảnh: MV.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải. Ảnh: MV.

Theo đó, ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng, kết quả thực hiện chưa toàn diện, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chậm khắc phục như: Tiến độ triển khai nhiệm vụ xử lý tàu cá “3 không” của huyện Hàm Tân còn khá chậm; tàu cá đã đăng ký nhưng chưa có giấy phép khai thác thủy sản còn tồn đọng số lượng rất lớn; tỷ lệ sản lượng thủy sản khai thác được giám sát về IUU còn rất thấp; tiến độ sửa chữa khắc phục hạ tầng cảng cá, khu tránh trú bão còn chậm, nhất là tại cảng cá La Gi; xử lý vi phạm khai thác IUU còn hạn chế, nhất là xử lý vi phạm về giám sát hành trình...

Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu nỗ lực, thiếu quyết tâm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có việc, có nơi chưa đồng bộ; có tình trạng e ngại, nể nang, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm khai thác IUU.

Do đó, ông Hải yêu cầu UBND huyện Hàm Tân khẩn trương liên hệ để học tập và áp dụng mô hình, phương pháp làm việc trong việc xử lý nhiệm vụ này của UBND huyện Tuy Phong. Các địa phương có biển chỉ đạo UBND cấp xã liên quan lập danh sách các chủ tàu cá không hợp tác với chính quyền gửi đến các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý triệt để.

Đối với hướng xử lý tàu “3 không” thuộc nhóm tàu cá từ 6 đến dưới 12m, yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, hướng dẫn ngư dân thực hiện, hoàn thành các thủ tục hồ sơ để đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản trước ngày 15/9.

Đối với nhóm tàu cá chiều dài 12m trở lên, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản, Trung tâm Đăng kiểm rà soát thủ tục đăng kiểm, cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giải quyết các vướng mắc để hoàn thành thủ tục đăng ký trước ngày 30/9.

Đối với các tàu chưa làm thủ tục do vướng hồ sơ pháp lý, giao Sở NN-PTNT chủ trì, cùng với các ngành chức năng rà soát từng trường hợp cụ thể để giải quyết. Nếu không thể giải quyết được thì củng cố hồ sơ chặt chẽ, bổ sung cơ chế giám sát (hiện trạng, vị trí neo đậu, phương án quản lý…).

Với số tàu cá đã mua ngoài tỉnh vào các thời kỳ trước đây cũng rà soát tình trạng hồ sơ, khẩn trương giải quyết đăng ký lại cho các trường hợp đã được chuyển hạn ngạch giấy phép khai thác vùng khơi về Bình Thuận sau khi đã xử lý theo quy định. Đồng thời tiếp tục liên hệ, đôn đốc các tỉnh chuyển hạn ngạch giấy phép khai thác vùng khơi cho số tàu còn lại, trao đổi Cục Thủy sản để thống nhất hướng xử lý các trường hợp tàu cá mua ngoài tỉnh không chuyển hạn ngạch giấy phép khai thác vùng khơi về tỉnh Bình Thuận.

Dồn lực đến 30/9

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị khẩn trương hoàn thành việc cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá đã đăng ký nhưng chưa có hoặc hết hạn giấy phép khai thác thuỷ sản trước ngày 30/9 tới.

Tỉnh Bình Thuận kiên quyết xử lý tàu cá '3 không'. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận kiên quyết xử lý tàu cá "3 không". Ảnh: KS.

Kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá không đảm bảo điều kiện hoạt động, nhất là tàu “3 không” theo danh sách do chính quyền địa phương cung cấp.

Đồng thời, tập trung xác minh, xử lý tàu cá vi phạm quy định về giám sát hành trình. Ông yêu cầu Tổ công tác liên ngành thành lập theo Quyết định số 1608 ngày 28/8/2024 của UBND tỉnh tiến hành rà soát toàn bộ các vụ việc tàu cá vi phạm quy định về giám sát hành trình từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC đến nay, khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm hành vi khai thác IUU, nhất là hành vi mất kết nối giám sát hành trình.

Về sửa chữa, khắc phục hư hỏng, xuống cấp hạ tầng cảng cá, nạo vét khơi thông luồng lạch, đảm bảo vệ sinh môi trường cảng cá, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT khẩn trương hoàn thành nạo vét khu nước trước bến 400CV và hoàn thiện thủ tục phòng cháy chữa cháy hạng mục nhà phân loại hải sản, nhà làm việc của Ban điều hành thuộc dự án mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá La Gi để bàn giao cho Ban Quản lý các cảng cá tỉnh đưa vào sử dụng chậm nhất vào ngày 30/9.

Ban Quản lý các cảng cá tỉnh khẩn trương hoàn tất hồ sơ thủ tục các công trình như: Sửa chữa khắc phục tình trạng hư hỏng, ô nhiễm môi trường khu vực Bến 200-400 CV, cảng cá La Gi; nạo vét thông luồng cửa biển La Gi; sửa chữa nhà lồng tiếp nhận phân loại hải sản cảng cá Liên Hương…

Xem thêm
Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tảo xoắn

Đà Nẵng Sản phẩm từ tảo xoắn của cô gái trẻ ở TP Đà Nẵng hiện không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành lớn trong nước mà còn xuất khẩu.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.