| Hotline: 0983.970.780

Bình tĩnh gỡ khó rau quả ùn ứ, tái cấu trúc thị trường

Thứ Tư 12/02/2020 , 09:09 (GMT+7)

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh do nCoV gây ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị doanh nghiệp cũng như người dân hết sức bình tĩnh cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm siêu thị BigC tại Tiền Giang về tiêu thụ thanh long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm siêu thị BigC tại Tiền Giang về tiêu thụ thanh long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngày 11/2, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT khảo sát thực địa và làm việc với UBND các tỉnh Tiền Giang, Long An về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, kịp thời gỡ khó cho trái cây trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV gây ra.

Dưa hấu, thanh long đang là các mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn nhất, diện tích thanh long cả nước vào khoảng 68.000ha. Tập trung tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Sản lượng hằng năm trên 1,6 triệu tấn.

Đề xuất các tỉnh liên kết rải vụ

Tại phía Nam, hầu hết giá cả các mặt hàng trái cây đều giảm mạnh, trong đó tiêu thụ khó khăn nhất là mặt hàng thanh long. Theo Sở NN-PTNT Long An, toàn tỉnh hiện có gần 12.000ha thanh long, trong đó diện tích cho trái gần 9.600ha, năng suất 321,5 tạ/ha, sản lượng 318.000 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa và thành phố Tân An...

Hiện tại thanh long đang vào vụ thu hái nhưng tình hình tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Sản lượng tồn chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 1/2020 đến nay khoảng 30.000 tấn. Xuất khẩu thanh long chủ yếu là thị trường Trung Quốc (chiếm 70 – 80%, trong đó Công ty Hồng Thái Dương mua khoảng 30 – 40% sản lượng xuất qua Trung Quốc).

Hiện phần lớn các cơ sở thu gom, kho thanh long trên địa bàn tỉnh không thu mua hoặc thu mua với giá rất thấp do không xuất khẩu được, chỉ một số ít sản lượng xuất khẩu sang Campuchia, Lào hoặc xuất khẩu bằng đường biển sang một số nước Đông Nam Á.

Để kịp thời gỡ khó cho bà con trồng thanh long, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các huyện có vùng trồng lớn theo dõi chặt chẽ diễn tiến thị trường để điều chỉnh sản xuất. Khuyến cáo người dân ngừng xử lý thanh long ra hoa; các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khác, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường cũng như đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Về biện pháp trước mắt, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền điện chạy kho lạnh (hỗ trợ giá điện sản xuất tính bằng giá điện sinh hoạt từ giữa tháng 2/2020 đến cuối tháng 3/2020), hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp thu mua, bảo quản và xuất khẩu nông sản với lãi suất ưu đãi trong thời gian 6 tháng.

Chế biến thanh long xuất khẩu ở Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chế biến thanh long xuất khẩu ở Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, đề xuất thành lập Trung tâm phân phối sản phẩm nông sản tại thị trường Trung Quốc làm đầu mối giao dịch với doanh nghiệp trong nước nhằm hạn chế rủi ro. Diện tích trồng thanh long ngày càng tăng, để tránh sản lượng tăng ồ ạt làm giá giảm..., tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT chủ trì có phương án liên kết các tỉnh, trước mắt là 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận về rải vụ trái thanh long.

Xây kho trữ hàng khi có biến động giá cả

Ông Nguyễn Văn Mẫn, GĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, địa phương hiện có trên 79 nghìn ha cây ăn trái, lớn nhất nước, với sản lượng hằng năm khoảng 1,49 triệu tấn.

Trong đó, cây khóm chiếm lớn nhất với trên 14.800ha, sầu riêng trên 13.000ha, thanh long trên 9.100ha, mít trên 9.200ha. Ước tính sản lượng trái cây thu hoạch tháng 2,3 của tỉnh khoảng 272.700 tấn.

Trong đó, sầu riêng ước trên 70.000 tấn, mít trên 45.000 tấn, bưởi da xanh trên 22.700 tấn, xoài khoảng 6.800 tấn.Sau tết tình hình tiêu thụ trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như thanh long, sầu riêng, mít gặp khó khăn, giá sụt giảm. Hầu hết các đơn hàng từ phía Trung Quốc đều bị hủy do dịch bệnh nCoV chưa được kiểm soát.

Hiện nay tỉnh có 74 doanh nghiệp, HTX, cơ sở thu mua thanh long. Trong đó, có khoảng 40 cơ sở thu mua có kho lạnh với tổng sức chứa khoảng 6.097 tấn. Hiện các kho đã dự trữ được khoảng 4.500 tấn.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị, diện tích trái cây của Tiền Giang hiện nay đã lên đến 79 nghìn ha nên cần thiết xin Chính phủ một cơ chế đặc biệt. Trong đó hai vấn đề tỉnh đang quan tâm đó là kho trữ, chi phí về điện, chi phí xây kho trong giai đoạn cấp thiết.

Về lâu dài để cho Tiền Giang phát triển theo định hướng thành tỉnh có sản lượng trái cây vừa lớn nhất, chất lượng nhất thì cần có một cơ chế để xây kho trữ. Tiền Giang kiến nghị Chính phủ cần một cơ chế để ngân sách tỉnh có thể xây kho để khi cần thiết thì mở cửa kho cho các doanh nghiệp mua trữ. Có thể là hỗ trợ luôn tiền điện.

Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nếu Chính phủ cho phép thì ngân sách tỉnh sẽ làm việc này để giúp cho người trồng trái cây trong những lúc có biến động về giá cả.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trung Quốc là thị trường nông sản chính của Việt Nam.

“Chúng ta xuất khẩu trên 40 tỷ USD nông sản thì 8,5 tỷ USD là đi Trung Quốc, trong đó riêng rau quả là 2,6 tỷ USD xuất sang thị trường này. Rau quả đi Trung Quốc chủ yếu thanh long và dưa hấu. Cả nước có khoảng 68.000ha thanh long, sản lượng mỗi tháng khoảng 150-200 nghìn tấn. Đây là thời điểm trái vụ nhưng áp lực tiêu thụ vẫn quá lớn”, Bộ trưởng cho biết.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra, Bộ trưởng đề nghị doanh nghiệp cũng như người dân hết sức bình tĩnh cùng tìm giải pháp tháo gỡ. “Cần phải tổ chức lại mạng lưới thương mại, điều chỉnh lại mùa vụ để kịp thời giải quyết sản lượng tồn đọng. Các doanh nghiệp chế biến cần xem đây là cơ hội để mua nguyên liệu tạm thời dự trữ chờ giá và chế biến”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng thông tin thêm, hiện hơn 400 xe ở cửa khẩu Lạng Sơn đã được phía Trung Quốc cho qua phân nửa. Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục cùng Bộ Công thương mở nhiều thị trường mới tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, nhất là sản phẩm qua chế biến để đảm bảo xuất khẩu ổn định, giá trị cao.

“Tương lai của ngành hàng rau quả vẫn rất tốt. Bởi vì thế giới, nhu cầu tiêu thụ mỗi năm lên đến 300-400 tỷ USD tiền rau quả. So với thương mại gạo mỗi năm chỉ chiếm khoảng 36 tỷ USD thì thị trường rau quả gấp 10 lần, và với tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 5% cho thấy tiềm năng ngành hàng này còn rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Các doanh nghiệp bung sức tiêu thụ

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T Group: Trước khó khăn tiêu thụ trái cây, ngay từ mùng 6 tết, Vina T&T đã chủ động liên kết với bà con đẩy mạnh thu mua. Như thanh long ruột đỏ, loại trái cây trước đây xuất rất mạnh sang thị trường Trung Quốc, bị đình trệ, rớt giá còn 7.000-8.000 đồng/kg thì Vina T&T vẫn mua giá 25.000 đồng/kg đối với vùng có liên kết như cam kết ban đầu.

Còn đối với vùng không liên kết mà bà con vẫn bảo đảm trồng theo tiêu chuẩn sạch (GlobalGAP) thì công ty vẫn mua giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg. Những ngày qua, giá thanh long bắt đầu nhích lên 10.000, rồi 13.000 đồng/kg, Vina T&T thực hiện mua giá 16.000 đồng/kg. Tất cả các kho đều mở cửa thu mua tối đa có thể.

Với trái sầu riêng bảo quản cấp đông được thì Vina T&T đã thu mua từ ngày mùng 6 tết mỗi ngày khoảng 30 tấn. Đến thời điểm này đã mua được trên 200 tấn đưa vào cấp đông.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Group (sở hữu chuỗi siêu thị BigC) cho biết: Trong tuần qua trước sự chỉ đạo của Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT thì hệ thống 37 siêu thị Big C trên toàn quốc vào cuộc tham gia chương trình chung tay cùng nông dân.

Hai sản phẩm thanh long và dưa hấu đã được hệ thống siêu thị Big C phân phối không lợi nhuận. Đại diện Tập đoàn cho biết, nếu tính cả chi phí logistic thì Tập đoàn lỗ khoảng 15-17 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm, sự đồng lòng với bà con nông dân của doanh nghiệp. Tín hiệu rất đáng mừng là các nhà cung cấp không đủ sản lượng cho Big C.

Thanh long ruột đỏ vẫn được doanh nghiệp thu mua với giá cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thanh long ruột đỏ vẫn được doanh nghiệp thu mua với giá cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Bây giờ thì chỉ sản phẩm dưa hấu là còn gặp một chút khó khăn nhưng giá cũng đã lên gấp đôi. Thanh long Big C đang mua giá 14.900 đồng/kg. Dưa hấu thì tùy địa phương như ở Nha Trang chúng tôi mua vào khoảng 4.000 đồng/kg”, bà Phương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Group:

Big C đã triển khai tiêu thụ thanh long tại 37 cửa hàng trên toàn quốc. Số lượng tiêu thụ mỗi ngày từ 70-80 tấn.

Để tiêu thụ được số lượng lớn như thế, Big C chúng tôi đã đưa ra mức giá rất hợp lý, bán hàng không lợi nhuận.

Thứ hai, thực hiện chiến dịch marketing để quảng bá cũng như chế biến thức ăn từ trái thanh long.

Ông Đặng Ngọc Cẩn, Tổng Giám đốc Công ty Lavifood cho biết: “Là doanh nghiệp chuyên chế biến rau củ quả xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… nên Lavifood đã và đang đầu tư xây dựng những nhà máy có công nghệ hiện đại, công suất lớn.

Hiện tại, chúng tôi có 2 nhà máy đã đi vào hoạt động. Đó là Nhà máy Lavifood Long An, mỗi năm có thể cung ứng hơn 10.000 tấn thành phẩm ra thị trường và Nhà máy Tanifood Tây Ninh với công suất lên đến 60.000 tấn thành phẩm/năm. Nếu hoạt động hết công suất, nhà máy có thể xử lý hơn 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày.

Trước bối cảnh khó khăn chung, đồng hành cùng bà con nông dân, chúng tôi đã và đang mở rộng thu mua và chế biến thanh long thành những sản phẩm đa dạng, chất lượng như nước ép, sấy khô, sấy dẻo, đông lạnh…

Trong đó có dòng sản phẩm nước thanh long tươi We Love 100% tự nhiên sắp được tung ra thị trường.

Để làm được điều này Lavifood buộc phải thay đổi hoàn toàn kế hoạch kinh doanh của năm 2020, vốn đã được hoạch định từ trước.

Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ nguồn vốn đến nhân công, tiêu thụ, thị trường, kho bãi…

Và chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các nguồn lực khác trong xã hội để chung tay phát triển nông nghiệp bền vững”.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cuối năm 2019, đặc biệt những ngày đầu năm 2020 vấn đề thị trường nông sản của Việt Nam gặp phải khó khăn kép.

Đầu tiên là thị trường nội địa bị ảnh hưởng bởi tác động lớn của xung đột thương mại Mỹ Trung. Tình hình thị trường thương mại thế giới vấp phải sự cạnh tranh rất cao.

Tiếp đến dịch nCoV không những ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác nhau trong đó có Việt Nam.

Vấn đề thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc, ngay từ những ngày trước và sau tết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo nắm bắt diễn biến tình hình cung cầu các sản phẩm chủ lực của chúng ta đặc biệt là sản phẩm trái cây. Những ngày sau tết đến nay các lực lượng chức năng của Bộ NN-PTNT kết hợp với các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai và cơ quan liên ngành Bộ Công thương đã đồng bộ các giải pháp để đưa sản phẩm qua các cửa khẩu quốc tế.

Hôm nay Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thị sát và làm việc với hai tỉnh trọng điểm về cây ăn quả phía Nam đó là Long An và Tiền Giang để rà soát lại diện tích vùng trồng cũng như các cơ sở chế biến và kho lưu trữ.

Qua làm việc với các tập đoàn lớn như Vina T&T, Lavifood, Nafood và kết hợp làm việc với chuỗi Central Group, đi đến tiến hành nhiều giải pháp trong trung hạn như tập trung thúc đẩy công nghệ chế biến sâu, đặc biệt sản phẩm trái cây có thể tính đến câu chuyện cấp đông sản phẩm và tập trung vào nâng cao năng lực sấy khô.

Thứ hai, tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa thông qua các đầu mối ví dụ như Big C góp phần bình ổn giá và góp nâng cao giá trị sản phẩm.

Thứ ba, ngay trong tháng hai Bộ NN-PTNT cử nhiều đoàn xúc tiến thương mại mở cửa các thị trường khác nhau để không lệ thuộc vào một thị trường lớn nào cả.

Trong thời gian tới, kể cả trong trường hợp dịch bệnh chưa thể kiểm soát ngay lập tức thì chúng ta sẽ tính đến giải pháp rà soát lại cơ cấu mùa vụ, gắn liền cơ cấu thị trường.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.