| Hotline: 0983.970.780

Bỏ bẵng ruộng đồng

Thứ Hai 09/09/2019 , 13:15 (GMT+7)

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có trên 5.000 ha đất nông nghiệp bỏ hoang.

Không chỉ đồng trũng, đồng xa ngái…

Tình trạng này đang có xu hướng tăng dù chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp nỗ lực tuyên truyền.
 

Chỉ làm “lúa sạch” đủ ăn

Ông Nguyễn Xuân Ninh, Bí thư kiêm trưởng thôn Kim Bôi, xã Đông Thanh (Đông Sơn) cho biết, gia đình ông hiện đang làm 1,2 ha lúa. Tuy nhiên, toàn bộ việc cấy hái hai vợ chồng già cáng đáng, vợ chồng đứa con gái cạnh nhà đều làm công nhân. Đứa con trai sau nhiều năm bôn ba cũng quyết “ly nông”, làm nghề sửa chữa điện thoại.

“Ruộng đồng bây giờ cánh người già làm hết. Lũ trẻ chẳng đứa nào ngó ngàng tới. Biết là trồng lúa chẳng lời lãi gì nhưng chúng tôi già rồi, lương thưởng không có, không có nghề ngỗng gì chẳng lẽ quanh năm ăn bám con cái?”.

Theo tính toán của ông Ninh, ngày trước, mỗi vụ cấy hái có khi kéo dài cả tháng trời, nay chỉ dăm ba ngày là xong nhưng tất tần tật đều phải thuê. Mỗi sào lúa cấy 2 vụ/năm gần 400 nghìn đồng tiền cày bừa, 500 nghìn tiền giống lúa, 700 nghìn đồng tiền phân bón, 800 nghìn đồng tiền cấy và nhổ mạ, 400 nghìn đồng tiền gặt; 200 nghìn tiền thuốc BVTV, chưa kể công phơi sấy. Vị chi đầu tư cũng đã mất 3 triệu đồng/sào/năm. Bình quân mỗi sào cả năm cũng chỉ thu được 5 tạ, bán giỏi lắm được 3,5 triệu đồng.

Thành ra, nếu mỗi người làm 1 ha lúa chỉ lãi khoảng 10 triệu đồng/năm, chưa bằng 2 tháng lương công nhân. Trong khi giá lúa bấp bênh thì vật tư đầu vào liên tục tăng. Năm nay, ông Ninh còn 7 tấn lúa nhưng thương lái chỉ trả chưa đến 6 nghìn đồng/kg, quá thấp so với những năm trước nên chưa bán.

08-22-38_3
... Mà những cánh đồng cạnh QL 45 cũng bị bỏ hoang

Làm ruộng không lời lãi là bao nên nhiều hộ có ruộng chỉ làm 1-2 sào, 1 vụ/năm chỉ để lấy lúa “sạch” ăn. Thời gian còn lại đi làm thuê, phụ hồ, thợ xây cũng kiếm được dăm ba triệu/tháng. Lao động chính thôn Kim Bôi hơn nửa đã đi làm công nhân, làm ăn xa nhà nên trên những cánh đồng chỉ toàn người già cấy hái.
 

Bỏ ruộng có xu hướng tăng

Năm 2007, sau dồn điền đổi thửa lần 2, bình quân mỗi hộ dân xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn sở hữu 1-2 thửa ruộng, với diện tích ít nhất 2 sào 10 thước (trên 800 m2). Giao thông, thủy lợi nội đồng đưa nước về tận ruộng, nhưng mấy năm gần đây nông dân vẫn không mấy mặn mà với ruộng đồng. Nhiều hộ cho người khác mượn ruộng canh tác mà không cần một khoản chi phí nào nhưng nhất quyết không bán.

Bà Lê Thị Lý, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Kim Bôi cho hay, những vùng đồng trũng trước đây nông dân vẫn làm cả hai vụ lúa thì nay bỏ vụ thu mùa, thậm chí bỏ hoang cả hai vụ. Nhiều cánh đồng ở thôn Kim Bôi bỏ hoang mấy vụ nay, cỏ đã ngang lưng người.

Không những đồng trũng, xa ngái, những cánh đồng trước nay là bờ xôi ruộng mật nằm sát những con đường lớn nông dân cũng bỏ bẵng từ nhiều năm nay, cỏ mọc xanh um.

Theo thống kê, thôn Kim Bôi có trên 63 ha ruộng lúa. Mặc dù 90% hộ dân ở đây được coi là thuần nông, sống bằng nông nghiệp nhưng thực tế vụ chiêm xuân hàng năm người dân chỉ cấy được khoảng 53 ha, số còn lại bỏ hoang. Nhưng trong số 53 ha được gieo cấy thì chỉ có khoảng 37 ha chủ ruộng cày cấy. Số còn lại là do người có nhu cầu mượn lại để sản xuất. Còn vụ mùa, toàn thôn có khoảng 20 ha không được cày cấy.

“Nhà tôi chỉ có khoảng trên 3.000 m2 ruộng khoán nhưng vì nhiều hộ bỏ ruộng nên tôi nhận thêm để trồng lúa. Họ cho mượn nhiều nhưng tôi cũng chỉ nhận những diện tích chắc ăn mới làm thôi” – ông Nguyễn Xuân Ninh cho hay.

Đã ở tuổi lục tuần nhưng ông Ninh vẫn là lao động chính trên ruộng đồng.

Giải thích thêm về lý do nông dân chán ruộng, bà Lê Thị Lý, cho rằng, trước kia, vì cái ăn còn thiếu, lại không có ngành nghề phụ nên vụ nào nông dân cũng cấy; cứ đến mùa thì sớm muộn cánh đồng làng cũng được khép kín diện tích. Nay thì người dân có nguồn thu nhập từ nghề phụ, chỉ làm lúa đủ dùng, chắc ăn thì làm, không chắc thì bỏ.

“Bây giờ, thuê một ông thầy về nhà dạy học cho con, thuê một tổ thợ xây dựng, một kỹ sư thiết kế nhà dễ gấp nhiều lần thuê một nhân lực nhổ mạ, đi cấy. Công nhổ mạ 500.000 đồng/ngày, công cấy 350.000 đồng/ngày mà còn không tìm ra người. Đi làm công nhân vài tháng đủ tiền mua lúa ăn cả năm thì việc nông dân chán ruộng cũng là lẽ thường” – bà Lý cho hay.

Ông Vũ Quang Trung, Phó phòng Trồng trọt – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (thời điểm chưa sáp nhập Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Phòng Trồng trọt) cho rằng, nếu nói nông dân bỏ ruộng cũng không chính xác. Thực tế, nông dân Thanh Hóa mới chỉ “bỏ cấy” vụ thu mùa là chính, tình trạng này đã xuất hiện từ năm 2013 và đang có xu hướng tăng. Diện tích bỏ hoang đa phần là vùng sâu trũng hoặc không chủ động nước tưới tại các huyện Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia…

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, năm 2019, Thanh Hóa có 5.030 ha đất nông nghiệp không gieo trồng. Trong đó, vụ Đông Xuân có 710  ha, vụ thu mùa có 4.320 ha. Trong có trên 300 ha là đất trồng hoa màu, còn lại là đất trồng lúa.

Để cải thiện tình hình, từ năm 2013 đến nay Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chuyển đổi ruộng đất, tuyên truyền động viên nhân dân không bỏ cấy hoặc giao cho các tổ chức chính trị xã hội nhận ruộng sản xuất; ban hành các chính sách cho cho các tổ chức, cá nhân thuê ruộng, tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp lớn. Các địa phương cũng tích cực triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi để nông dân mặn mà hơn với đồng ruộng nhưng tình trạng bỏ cấy vụ thu mùa vẫn tăng nhanh.

“Thanh Hóa là một trong những tỉnh ban hành cơ chế tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sản xuất nông nghiệp lớn, nông nghiệp công nghệ cao tương đối sớm. Nông dân bỏ ruộng cũng đã xuất hiện và tình trạng bỏ cấy vụ thu mùa có xu hướng tăng. Dù đó là điều đáng buồn nhưng cũng là cơ hội để tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp lớn, nông nghiệp công nghệ cao, có liên kết chuỗi nhằm tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích” – ông Trung cho hay.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm