| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT gửi thư chia buồn tới gia quyến Viện sỹ Viên Long Bình

Thứ Tư 26/05/2021 , 15:43 (GMT+7)

Một ngày sau khi ông Viên Long Bình qua đời ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), Bộ trưởng Lê Minh Hoan thay mặt Bộ NN-PTNT Việt Nam gửi thư chia buồn.

Ông Viên Long Bình, hưởng thọ 91 tuổi, được xem là cha đẻ của lúa lai. Ảnh: CCTV.

Ông Viên Long Bình, hưởng thọ 91 tuổi, được xem là cha đẻ của lúa lai. Ảnh: CCTV.

"Chúng tôi ghi nhận và đánh giá rất cao những đóng góp của Giáo sư, Viện sỹ Viên Long Bình cho nền khoa học nông nghiệp thế giới nói chung và của Trung Quốc nói riêng, đặc biệt trân trọng đối với kết quả lai tạo thành công giống lúa lai đầu tiên trên thế giới vào năm 1973.

Với thành công này, ông đã giúp gần 20% dân số thế giới thoát khỏi nạn đói và góp phần đưa Trung Quốc trở thành một trong những nước sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới", Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan mở đầu thư chia buồn, gửi hôm 23/5/2021, tới gia quyến cố Giáo sư, Viện sỹ Viên Long Bình cùng ngành nông nghiệp Trung Quốc.

Ông Viên Long Bình sinh năm 1930, là nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu Trung Quốc về lúa lai. Ông cùng cộng sự có công đưa năng suất lúa từ 4,5 tấn/ha lên 15 tấn/ha. Đây được xem là chìa khóa giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề an ninh lương thực cho hơn một tỷ dân nước này. Nhờ công của cố Giáo sư Viên Long Bình, lúa lai được nhân rộng khắp châu Phi, châu Mỹ và châu Á. 

Tại Việt Nam, thế hệ lúa ưu thế lai đầu tiên được đưa vào sản xuất rộng là giống Bác ưu 64 (còn gọi là Tạp giao 4 - TG4), bắt đầu từ đầu thập niên 1990. Nhờ giống này, cùng các giống sau đó như San ưu 63 (gọi là Tạp giao 1), San ưu quế 99 (Tạp giao 5), Việt Nam ổn định được lương thực trong nước.

Sau gần chục năm tiếp cận, nước ta đã tự sản xuất được các giống lúa lai chất lượng cao như HYT100, HYT 57, LC2, LC3, đặc biệt là VL20 và TH3-3.

Tuy nhiên, công đầu trong việc phát triển lúa lai vẫn thuộc về cố Giáo sư Viên Long Bình. Bộ trưởng Lê Minh Hoan viết tiếp: "Trong cuộc đời công tác của mình, Giáo sư, Viện sỹ Viên Long Bình đã nhiều lần đến thăm, làm việc, hỗ trợ các dự án/chương trình về lúa lai, đào tạo cán bộ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đây là những nền tảng khoa học nông nghiệp vững chắc, từng bước đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và tạo nên kỳ tích xuất khẩu gạo của Việt Nam".

Cuối thư, Bộ trưởng Hoan tri ân người được xem là cha đẻ lúa lai: "Trước sự tiếc thương vô hạn, thay mặt ngành nông nghiệp Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi tới toàn thể gia quyến ông Viên Long Bình và ngành nông nghiệp Trung Quốc lời chia buồn sâu sắc trước mất mát, đau thương to lớn này".

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Giáp pháp kỹ thuật nào giúp vận hành thủy điện, thủy lợi hiệu quả?

Hiện nay liên danh KIV - Weatherplus đã cung cấp các dịch vụ dự báo thời tiết có độ chính xác cao bằng việc ứng dụng công nghệ Nhật Bản tại một số hồ chứa.